(TSVN) – Tôm Việt Nam là một trong hai loài thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia, với tổng giá trị xuất khẩu 3,5 – 4 tỷ USD, chiếm 13 – 14% tổng giá trị tôm toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng giá trị gia tăng, hàng cao cấp. Và trong nước hiện có khoảng 2 triệu nông dân liên quan đến ngành tôm. Những con số thống kê rất lớn, nhưng hiện vẫn có nhiều băn khoăn đặt ra, nhất là vấn đề giá trị con tôm nằm ở đâu?
Điều tiên quyết đầu tiên là tôm phải sạch kháng sinh. Thế nhưng tôm Việt Nam sạch kháng sinh bao nhiêu %? Theo tôi thống kê thì chỉ khoảng 70%, 30% còn lại không sạch kháng sinh, nhưng con số 30% này (tương đương 300.000 tấn tôm thương phẩm) đã làm ngành tôm Việt Nam phải bỏ ra 7.000 – 10.000 tỷ đồng để kiểm soát kháng sinh. Như vậy, để sản xuất 1 kg tôm chúng ta đã “đốt” đi 7.700 – 11.000 đồng/kg (tính cho tổng 900.000 tấn tôm thương phẩm của Việt Nam) và 23.300 – 33.300 đồng/kg (tính cho 300.000 tấn tôm không sạch kháng sinh). Như vậy, nếu tôm Việt Nam 100% sạch kháng sinh thì người nuôi tôm và doanh nghiệp được tăng thêm 7.700 – 11.100 đồng/kg tôm thương phẩm, đồng thời mở rộng cánh cửa bán tôm ra thị trường thế giới. Cái giá như vậy có đáng để chúng ta làm cho tôm Việt Nam 100% sạch kháng sinh không?
Vấn đề thứ hai là chứng nhận. Tôm nuôi Việt Nam đạt chứng nhận ASC, BAP, cùng các chứng nhận khác được bao nhiêu %? Theo thống kê của tôi thì không quá 20%, trong khi Ecuador có trên 70% tôm đạt chứng nhận. Tôm đạt chứng nhận ASC/ BAP chúng ta có thể bán được giá cao hơn 5 – 10%, còn tôm đạt chứng nhận hữu cơ/sinh thái giá bán cao hơn 10 – 20%. Hơn nữa, tôm đạt chứng nhận chúng ta mới bán được vào các hệ thống siêu thị lớn, các nhà hàng/khách sạn lớn và các hệ thống phân phối lớn… Như vậy, chỉ với 20% tôm đạt chứng nhận, chúng ta tự thu hẹp cánh cửa bán hàng của mình ra thị trường thế giới.
Vấn đề thứ ba là giá. Đây cũng là vấn đề nan giải khi giá thành tôm thương phẩm Việt Nam quá cao, cao hơn 30% so với Ấn Độ/ Indonesia và cao hơn gấp đôi so với Ecuador, khiến tôm Việt Nam rất khó để cạnh tranh.
Với 3 điều như thế thì con tôm Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện tại. Đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta phải trả lời để ngành tôm Việt Nam tồn tại và phát triển?
Chính vì thế, theo tôi trước hết chúng ta cần thay đổi tư duy, tức là thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Thủy Sản Minh Phú.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn