Sự hình thành H2S trong ao nuôi
Lưu huỳnh là một nguyên tố thiết yếu cho sinh vật, được tìm thấy trong tự nhiên và tồn tại chủ yếu ở dạng sulfate. Nước biển chứa trung bình khoảng 2,700 mg/L sulfate, đối với nước cấp sử dụng trong ao nuôi thủy sản thì nồng độ sulfate thay đổi tùy theo độ mặn.
Trong ao nuôi thủy sản H2S được hình thành khi vi khuẩn tiêu thụ (khử) sulfate, phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí (không có oxy) ở trong nước hoặc trong lớp bùn đáy ao. Ở trong ao tôm thì lớp bùn đáy ao là nơi sản sinh ra H2S nhiều nhất.
Các nguyên nhân chính tạo ra H2S trong ao nuôi trồng thủy sản:
- Cải tạo ao không kĩ
- Cho ăn không hợp lý dẫn đến lượng thức ăn dư thừa nhiều
- Áp dụng si phôn và kĩ thuật si phôn không tốt dẫn đến H2S phát tán từ bùn đáy vào nước.
Tác hại của H2S
Ngoài H2S khí độc chứa lưu huỳnh còn tồn tại ở dạng HS- và S2-. Các dạng này tồn tại cân bằng với nhau và phụ thuộc vào các yếu tố nhiệt độ và pH. Trong 3 dạng trên thì chỉ có H2S là gây độc cho sinh vật trong ao nuôi thủy sản bằng cách cản trở tôm lấy oxy, gây stress, giảm sức đề kháng. Nếu tiếp xúc H2S trong thời gian ngắn thì tôm yếu dần, bơi chậm chạp, dễ tổn thương và nhiễm bệnh. Trường hợp tiếp xúc với lượng lớn H2S và thời gian dài thì tôm sẽ chết nhanh hàng loạt.
Ở nhiệt độ nước là 25oC, khi pH<7 thì hàm lượng H2S>HS-, khi pH=7 thì hàm lượng H2S=HS-, khi pH>7 và pH<11 thì hàm lượng H2S < HS- và khi pH>11 thì hàm lượng S2- chiếm ưu thế, tuy nhiên giá trị pH này không sử dụng để nuôi trồng thủy sản và trong ao nuôi S2- tồn tại ở dạng kết tủa với kim loại Fe.
Qua các thí nghiệm người ta xác định được ngưỡng H2S an toàn cho tôm sú là 0.033 ppm (Chen, 1985) và trên cá là 0,002 ppm (Boyd, 1982). Đối với tôm post thẻ chân trắng (LC50-48) thì ngưỡng an toàn là 0,0087ppm và đối với tôm thẻ nhỏ là 0,0185ppm.
Biện pháp phòng tránh và xử lý H2S trong ao nuôi
Đối với tôm thẻ cách phòng tránh H2S hiệu quả nhất là tuân thủ quy trình nuôi. Luôn giữa pH=7.8-8.2 và lượng oxy hòa tan trong nước >3ppm thì lượng H2S chỉ chiếm 10% sunlfite tổng. Kết hợp với quá trình cải tạo ao kĩ, cho ăn hợp lý hạn chế thức ăn dư thừa và si phôn, thay nước định kỳ để giảm bớt lượng chất hữu cơ trong ao.
Tuy nhiên, việc quản lý hiệu quả các yếu tố trên là rất khó vì nó chịu tác động của các yếu tố khác như mưa lớn (pH giảm), mật độ tảo cao (oxy giảm vào ban đêm),…Khi đó, có thể sử dụng các sản phẩm chứa KMnO4 để oxy hóa H2S. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ tạo thành phức hợp tủa lắng tụ dưới đáy ao và chỉ mang tính chất giảm H2S bị động.
Để phòng ngừa và xử lý H2S chủ động hơn người ta sử dụng một số vi sinh vật có khả năng xử lý H2S tạo ra trong ao và đảm bảo lượng nồng độ không vượt quá ngưỡng cho phép. Trong đó, vi sinh vật được quan tâm nhất về khả năng xử lý H2S là vi khuẩn quang dưỡng (Photosynthetic Bacteria).
Khả năng xử lý H2S của vi khuẩn quang dưỡng
Vi khuẩn quang dưỡng có khả năng quang hợp, được chia thành vi khuẩn lưu huỳnh lục và vi khuẩn quang dưỡng tía. Hiện nay, trong nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi tôm người ta thường sử dụng vi khuẩn quang dưỡng tía (sinh khối có màu hồng đến màu đỏ tía, còn gọi là vi sinh thối) để xử lý H2S và mùn bã hữu cơ trong ao nuôi. Vi khuẩn quang dưỡng tía bao gồm 2 nhóm: vi khuẩn quang dưỡng tía lưu huỳnh và vi khuẩn quang dưỡng tía không lưu huỳnh.
Vi khuẩn quang dưỡng tía lưu huỳnh trong điều kiện có ánh sáng sẽ tiến hành quá trình quang tự dưỡng và sử dụng các H2S và chất hữu cơ làm chất điện tử. Tuy nhiên, các loài thuộc nhóm này thường có khu vực phân bố hẹp và ít được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Vi khuẩn quang dưỡng tía không lưu huỳnh trong điều kiện có ánh sáng ưu tiên tiến hành quá trình sinh trưởng dị dưỡng. Tuy nhiên, nhiều đại diện của nhóm vi khuẩn này có khả năng quang tự dưỡng cacbon với nguồn điện tử là hợp chất khử của lưu huỳnh và H2. Nói một cách đơn giản là vi khuẩn tía không lưu huỳnh có thể sử dụng H2S làm nguồn thức ăn trong điều kiện có ánh sáng. Lúc này, một lượng H2S ở nồng độ thấp sẽ được sử dụng cho quá trình quang hợp.
Ở điều kiện tối, vi khuẩn quang dưỡng tía không lưu huỳnh sẽ tiến hành quá trình hóa dị dưỡng hữu cơ (dùng chất hữu cơ làm nguồn thức ăn), một lượng lớn chất hữu cơ trong ao sẽ được xử lý. Ngoài ra, có một số loài sẽ tiến hành quá trình hô hấp kỵ khí với chất nhận điện tử như NO3 và NO2, giúp làm giảm lượng khí độc NH3, NO2 trong ao.
Sản phẩm TF-Rhodo
TF-Rhodo là sản phẩm men vi sinh xử lý môi trường còn được nông dân gọi là “chế phẩm vi sinh thối” với khả năng xử lý chất hữu cơ và H2S trong ao nuôi trồng thủy sản tương đối tốt. TF-Rhodo chứa chủng vi khuẩn Rhodopseudomonas palustris với mật độ 1,2 x 109 cfu/ml.
Rhodopseudomonas palustris thuộc nhóm vi khuẩn quang dưỡng tía không lưu huỳnh có khả năng xử lý H2S ở nồng độ thấp trong điều kiện có ánh sáng bằng quá trình quang tự dưỡng cacbon. Trong bối cảnh H2S là một loại khí độc tiềm ẩn trong ao, khó phát hiện và ngưỡng gây chết thấp thì TF-Rhodo là một giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa và hạn chế ảnh hưởng của H2S đến con tôm.
Thực hiện bởi: KS. Huỳnh Văn Thạch - Cty CP CNSH Tiên Phong