Sáng 22/5, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công bố thông tin mới nhất về hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo đó, trong đợt xét duyệt ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói, toàn bộ đều là mã mới. Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được GACC phê duyệt.
Thông tin này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn thể hiện bước tiến thực chất trong chuỗi nỗ lực chuẩn hóa sản xuất và nâng cao năng lực quản lý chất lượng nông sản của Việt Nam. Theo Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt, quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã cho thấy sự tin cậy ngày càng lớn từ thị trường nhập khẩu đối với năng lực giám sát, truy xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm của phía Việt Nam.
“Việc phê duyệt gần 1.000 mã số mới là kết quả của một chuỗi chuyển động hệ thống, từ người nông dân, doanh nghiệp, đến cơ quan quản lý”, ông Đạt khẳng định.
Không chỉ mang ý nghĩa mở rộng quy mô xuất khẩu, động thái từ GACC được xem là tín hiệu tích cực cho mùa vụ sầu riêng đang bước vào cao điểm, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11. Với hệ thống mã số ngày càng mở rộng, doanh nghiệp và địa phương có thêm công cụ để điều tiết kế hoạch thu hoạch, xuất khẩu, tránh tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu và giảm rủi ro về giá.
Đồng thời, việc cấp mã mở ra điều kiện thuận lợi để thực hiện các hợp đồng đã ký giữa người dân và doanh nghiệp, hạn chế tranh mua, tranh bán. “Từ nay, việc rải vụ không chỉ là kỹ thuật canh tác, mà còn là chiến lược thị trường”, ông Đạt nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Được chấp thuận mã số chỉ là điều kiện đầu vào. Muốn trụ vững, người trồng sầu riêng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình canh tác, xử lý sau thu hoạch và đóng gói theo đúng những gì đã cam kết. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống, từ HTX, doanh nghiệp, đến từng hộ nông dân, phải nâng cao ý thức và tự giác làm đúng.
“Người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng Việt Nam, nhưng cũng rất khắt khe. Cấp mã rồi không có nghĩa là yên tâm, mà càng phải siết kỷ luật, giữ uy tín”, người đứng đầu Cục nhấn mạnh.
Nâng cao tư duy canh tác có trách nhiệm
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo các doanh nghiệp, HTX tiếp tục duy trì quy trình sản xuất, đóng gói và kiểm dịch một cách nghiêm ngặt, đúng như hồ sơ đã đăng ký với phía bạn. Điều này không chỉ giúp giữ thị trường, mà còn là cơ sở để mở rộng sang các thị trường khó tính khác.
Một khi người trồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương coi mỗi mã số là một “giấy thông hành” danh giá, được bảo vệ và sử dụng bằng trách nhiệm cao nhất, thì cánh cửa thị trường sẽ không chỉ mở một lần, mà mở lâu dài. Và khi ấy, không chỉ sầu riêng, mà cả ngành nông sản Việt sẽ bước vào một giai đoạn mới, nơi chất lượng, chuẩn hóa và uy tín là chìa khóa dẫn dắt mọi cánh cửa thị trường.

Xử lý từ gốc rễ vấn đề tồn dư
Liên quan đến những thông tin về tồn dư kim loại nặng trong sầu riêng xuất khẩu, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, ngay khi có cảnh báo từ phía nước nhập khẩu, ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã lập tức cử nhiều đoàn kiểm tra tại các vùng trồng trọng điểm. Kết quả ban đầu cho thấy, nguy cơ cao nhất tập trung ở một số địa phương vùng Tây Nam bộ.
Theo phân tích sơ bộ, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư Cadimi trên sầu riêng vượt ngưỡng:
-
Thứ nhất: một số vùng có đặc điểm thổ nhưỡng chứa sẵn Cadimi ở mức cao hơn trung bình, đi kèm với độ pH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng.
-
Thứ hai: nhiều vùng trồng mới, nơi người dân còn thiếu kinh nghiệm, đang lạm dụng phân bón hóa học với liều lượng cao gấp nhiều lần khuyến cáo, vô tình làm gia tăng nguy cơ tồn dư.
“Chúng tôi đã khuyến cáo rất rõ: tuyệt đối không sử dụng phân bón chứa Cadimi. Cần thay đổi cách nghĩ: đất là ‘lá phổi’ của cây, nếu đất không sạch, trái cũng khó lành”, ông Đạt nhấn mạnh.
Cần một hệ sinh thái chuẩn mực, không chỉ vài nông dân giỏi
Thừa nhận thực trạng còn nhiều vùng trồng mới mang tính tự phát, ông Đạt cho biết, đây là thách thức lớn đối với ngành trong việc đồng bộ hóa quy trình sản xuất. Sầu riêng là mặt hàng có giá trị kinh tế rất cao, nhưng cũng đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và ổn định. “Không thể làm theo kiểu thấy người ta trồng được là mình trồng theo. Cây giống không đảm bảo, đất không hợp, phân không chuẩn thì làm sao có trái đạt chuẩn xuất khẩu”, lãnh đạo Cục trăn trở.
Vì vậy, Cục đang xây dựng một bộ hướng dẫn quy chuẩn cụ thể, đặc biệt dành cho các vùng trồng mới. Ngoài ra, một bộ bản đồ dinh dưỡng đất trồng sầu riêng toàn quốc cũng đang được thiết kế, nhằm hướng dẫn người dân xác định đúng loại đất, tránh lãng phí và sai sót từ gốc. Đồng thời, dữ liệu từ bản đồ này sẽ tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, giúp việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thuận tiện và minh bạch hơn.
Để đảm bảo chất lượng đầu vào, nhất là kiểm soát tồn dư kim loại nặng, Cục đã đưa ra lộ trình kiểm tra rõ ràng, gồm 4 bước:
-
100% vật tư nông nghiệp phải được kiểm nghiệm theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật trong hồ sơ đăng ký lưu hành.
-
Doanh nghiệp sản xuất và phân phối phân bón phải kiểm tra chặt nhãn mác, hàm lượng và chất lượng thực tế, tránh gian lận thương mại.
-
Phân bón sau kiểm nghiệm phải công bố hợp quy, công khai cho người sử dụng.
-
Lực lượng thanh tra, kiểm tra địa phương phải vào cuộc từ đầu, chứ không đợi đến khi xảy ra sự cố mới “điều tra hậu kiểm”.
Mỗi bước là một lớp chắn, nhưng phải được vận hành liên kết, không rời rạc, để hình thành một “vành đai kiểm soát” quanh cây trồng, ngay từ khi còn là nắm đất.
Không chỉ siết quản lý vật tư, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang triển khai loạt mô hình cải tạo đất gắn với thực tiễn từng vùng. Đây là hướng đi mang tính bền vững, nhằm xử lý tận gốc nguy cơ tích tụ kim loại nặng trong đất và cây.
Theo ông Đạt, 3 nhóm giải pháp đang được áp dụng thử nghiệm tại bảy mô hình tiêu biểu, gồm:
-
Sử dụng phân bón giúp hấp thu và khóa giữ các kim loại nặng trong đất.
-
Áp dụng phân bón cải tạo đất, gia tăng độ pH, giúp rễ cây hấp thu dưỡng chất lành mạnh, giảm nguy cơ kéo theo kim loại độc.
-
Luân canh hoặc trồng xen cây thân ngầm, các loại cây có khả năng hấp thu kim loại nặng, sau đó được ủ thành phân hữu cơ, vừa cải tạo đất vừa tiết kiệm chi phí.
Đây không chỉ là kỹ thuật, mà còn là lời nhắc nhở: muốn xuất khẩu lâu dài, phải bắt đầu từ cách nghĩ, không thể chỉ trông vào “một mùa được giá”.
Thông tin kết quả phân tích Cadimi các sản phẩm phân bón đang kinh doanh: https://vinhthinhbiostadt.com/vi/tin-tuc/vinhthinh-biostadt-cam-ket-100-tat-ca-san-pham-phan-bon-khong-chua-chat-cadimi-de-san-xuat-sau-rieng-dap-ung-qui-dinh-xuat-khau-1190.html
Nguồn: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/tu-ma-so-den-thi-truong-sau-rieng-viet-phai-chuan-hoa-de-di-duong-dai-d754406.html
Bài viết được thực hiện bởi: bộ phận marketing - phòng Nông Nghiệp - công ty Vinhthinh Biostadt
Tư vấn kỹ thuật: 0915 446 744
App: VTB GROUP