Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định sự ảnh hưởng của khẩu phần thức ăn có chứa các hợp chất tiền sinh học- prebiotics (β-glucan, galacto-oligosaccharides-GOS, mannan-oligosaccharides-MOS) và chế phẩm sinh học- probiotics (Saccharomyces cerevisiae, Lactobacillus acidophilus) lên các chỉ tiêu tăng trưởng, sử dụng thức ăn, sự tiêu hóa thức ăn và hoạt động của các enzyme tiêu hóa trên cá lóc (Channa striata) giống. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng phân tích đáp ứng miễn dịch của cá thông qua sự biểu hiện của gen TGF-β1 (transforming growth factor beta 1) và NF-β (nuclear factor kappa beta).
Cá thí nghiệm có trọng lượng trung bình là 22.40 ± 0.06 g được nuôi trong 12 bể xi măng (2m x 1 m x 0.5 m) với mật độ 400 cá/bể. Một nghiệm thức đối chứng và 5 nghiệm thức bổ sung 3 loại prebiotics bao gồm: 0,2% β-glucan, 1% GOS, 0,5% MOS và 2 loại chế phẩm sinh học: 1% nấm men sống Saccharomyces cerevisiae và 0,01% vi khuẩn Lactobacillus acidophilus dạng bột. Tất cả khẩu phần thức ăn ở các nghiệm thức đều chứa 40% protein và 12% lipid. Cá được cho ăn 3 lần/ngày. Thí nghiệm được tiến hành trong 16 tuần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá nuôi ở các nghiệm thức có bổ sung prebiotics và probiotics tăng trưởng tốt hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ sống của cá, khả năng tiêu hóa thức ăn, hoạt động của các enzyme tiêu hóa và biểu hiện của các gen liên quan đến hệ miễn dịch của cá đều tốt hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với nghiệm thức đối chứng. Nghiệm thức bổ sung Lactobacillus acidophilus cho kết quả tốt nhất trong tất cả các nghiệm thức. Nhìn chung, tăng trưởng của cá có xu hướng thấp hơn ở các nghiệm thức bổ sung prebiotics so với các nghiệm thức bổ sung probiotics.
Bổ sung chế phẩm sinh học có chứa vi khuẩn Lactobacillus acidophilus và nấm men Saccharomyces cerevisiae giúp cá lóc tăng trưởng tốt hơn và gia tăng khả năng đề kháng với các mầm bệnh thông qua việc gia tăng kích thích hệ miễn dịch của cá.
Nguồn: http://aquanetviet.com
HOTLINE0912.889.542