FacebookZaloLinkedinYoutube
FacebookZaloLinkedinYoutube
CHUỖI CUNG ỨNG VINHTHINH BIOSTADT HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGBIO BL RACEWAYMAGKA POWERCANMAGKHOÁNG TẠT VI SINHMIZUPHOR POWERCLINZEX DIỆN MẠO MỚIDIỆN MẠO MỚIESOMAX - HOẠT CHẤT TINH DẦU KHÁNG SINH - GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT BỆNH GAN TỤY VÀ PHÂN TRẮNGFANTAI TCCA - CHITA TCCAGiống tôm thẻ chân trắng VTBHTHUỐC TRỪ SÂU SINH HỌCSản phẩm Nông NghiệpWokozim đã được sử dụng trên 40 loại cây trồng và hơn 20 quốc gia trên thế giớiLiên doanh giữa Vinhthinh & tập đoàn Biostadt -Ấn ĐộVinhthinh Biostadt
Trang chủ Trang chủTin tứcEnterocytozoon hepatopenaei (EHP) – vi bào tử trùng gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp nuôi tôm

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) – vi bào tử trùng gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp nuôi tôm

Hiện trạng ở Việt Nam và khu vực

Tình hình tôm chậm lớn đang diễn ra phức tạp và ngày càng lan rộng ở nhiều khu vực ở Việt Nam và cả thế giới, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể. Nhiều hộ nuôi tôm ở Việt Nam cho biết tôm không có bất kỳ triệu chứng nào bất thường trong suốt quá trình nuôi, tháng nuôi đầu tôm vẫn tăng trưởng tốt bình thường, nhưng sau đó bắt đầu chậm lớn dần và gần như ngừng tăng trưởng hẳn. Thông thường nếu như thả mật độ 100 con/m2 thì sau 2 tháng tôm có thể đạt cỡ 10-12.5 g/con (tương đương 100-80 con/kg), nhưng khi tôm bị chậm lớn thì sau 70 ngày tôm chỉ đạt cỡ 200 con/kg (tương đương 5 g/con) và khi kết thúc sau 4 tháng nuôi tôm chỉ đạt cỡ 110 con/kg trong khi bình thường sau 3 tháng thì tôm đã đạt 40-60 con/kg.

Ở Thái Lan, triệu chứng tôm chậm lớn đã được phát hiện từ năm 2004 gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp nuôi tôm của quốc gia này, tuy nhiên mãi đến năm 2009 thì mới xác định được nguyên nhân gây chậm lớn là do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây ra (Tourtip và ctv, 2009). Các trường hợp tôm chậm lớn cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Úc, Malaysia, Indonesia và gần nhất là Ấn Độ.

Cơ chế gây bệnh và cách thức lan truyền của EHP

Như kết quả nghiên cứu mới nhất của Rajendran và ctv (2016) thì EHP ký sinh chủ yếu trên tế bào biểu mô ống gan tụy của tôm, khác với một loại vi bào tử trùng đã được phát hiện trước đó là Agmasoma penaei chỉ ký sinh trên mô cơ và mô liên kết của tôm (Flegel và ctv, 1992; Laisutisan và ctv, 2009; Pasharawipas và ctv, 1994). Quan sát dưới kính hiển vi quang học, bào tử của EHP có hình oval, kích thước 1.2 x 0.8 µm, bề mặt trơn bóng (Hình 2). Kết quả quan sát cho thấy bào tử của EHP hiện diện nhiều trên gan tụy như thành tế bào biểu mô ống, khoang ống, kể cả trong cấu trúc không bào, đặc biệt là bào tử EHP phát hiện nhiều trên phân tôm.

Đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể cơ chế gây bệnh của EHP trên tôm, tuy nhiên khi quan sát mô học mẫu gan tụy bị nhiễm nặng EHP thì thấy sự thoái hóa của ống gan tụy và tế bào bạch cầu tăng đột biến trong tế bào biểu mô ống (Rajendran và ctv, 2016), qua đó có thể nhận định rằng sự hiện diện của EHP khiến cho gan tụy bị tổn thương và tôm phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc kích thích hệ thống miễn dịch để đối phó với EHP, làm ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của tôm.

Bào tử của một số vi bào tử trùng vẫn có khả năng lây nhiễm từ 2 đến 12 tuần trong nước biển nhân tạo 30 ‰ tùy thuộc vào nhiệt độ (Fayer, 2004). Do bào tử EHP có thể theo phân tôm ra ngoài môi trường nên đáy ao là nguồn lây nhiễm mạnh EHP trong ao nuôi. Mặc khác, EHP có thể lây nhiễm trực tiếp từ tôm sang tôm thông qua tập tính ăn thịt đồng loại (Tangprasittipap và ctv, 2012), do đó để kiểm soát sự lây lan EHP trong ao nuôi khi đã thả tôm là rất khó và gần như không thể.

Cách phát hiện EHP trên tôm bị nhiễm

Khi EHP ký sinh trên tôm thì không có bất kỳ triệu chứng nào ngoài biểu hiện chậm lớn ở giai đoạn sau của quá trình nuôi (thường là sau 30 ngày), do đó rất khó để biết được rằng EHP có hiện diện trên tôm hay ao nuôi hay không. Chỉ có thể sử dụng kính hiển vi hiện đại, quan sát mô học và các phương pháp sinh học phân tử mới có thể phát hiện được EHP. Có nhiều phương pháp đã được các nhà nghiên cứu sử dụng như: quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét và quang học, quan sát mô học, lai tại chỗ, fist step PCR, nested PCR, real-time PCR, phương pháp LAMP (phương pháp khuếch đại vòng đẳng nhiệt gián tiếp). Tuy nhiên, theo báo cáo của Rajendran và ctv (2016), chỉ khi nào tôm bị nhiễm nặng với bào tử EHP thì mới phát hiện được bằng phương pháp quan sát (kính hiển vi điện tử và quang học, mô học, lai tại chỗ), kể cả khi kiểm tra bằng first step PCR cũng cho thấy khả năng phát hiện thấp bào tử EHP. Kết quả này cho thấy rằng sử dụng các biện pháp quan sát thông thường rất khó có thể nhận diện hoàn toàn EHP trên tôm, cần sử dụng các phương pháp sinh học phân tử hiện đại như PCR để phát hiện loại vi bào tử trùng này.

Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm EHP

Như đã nêu ở trên, một khi tôm đã bị nhiễm EHP thì rất khó để kiểm soát lây lan do đó cần phải kiểm soát EHP chặt chẽ trước khi thả tôm xuống ao nuôi như chuẩn bị kỹ ao nuôi, đặc biệt là tôm giống phải được xét nghiệm EHP trước khi thả.


 Đối với trại giống, không được sử dụng các động vật sống (giun nhiều tơ, nghêu, hàu,…) làm thức ăn cho tôm bố mẹ bởi đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng giun nhiều tơ dương tính với EHP khi kiểm tra bằng PCR, gần đây, mẫu Artemia đông lạnh cũng được báo cáo dương tính EHP bằng PCR (Tang và ctv, 2015). Các mẫu thức ăn tươi sống nên được đông lạnh trước khi sử dụng để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh gan tụy cấp AHPND và EHP, tốt hơn có thể tiến hành khử trùng Pasteur (gia nhiệt ở 70oC trong 10 phút) để loại bỏ một số loại virus chính trên tôm (phương pháp đông lạnh không tiêu diệt được), cũng có thể sử dụng phương pháp chiếu xạ gamma đối với thức ăn đông lạnh. Trại giống phải đảm bảo vệ sinh thật sạch trước khi vận hành sản xuất bằng cách ngâm tất cả thiết bị, lọc, bể chứa và ống trong dung dịch NaOH 2.5% trong 3 giờ, sau đó rửa sạch và phơi khô trong 7 ngày và tiếp tục được khử trùng với dung dịch clorine axit hóa (200 ppm clorine ở pH < 4.5) (Sritunyalucksana và ctv, 2015). Một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm là nguồn tôm bố mẹ, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng tôm bố mẹ dương tính với EHP khi kiểm tra bằng PCR (nghiên cứu chưa được công bố) và tôm bố mẹ cũng chính là một trong những nguồn gây lây nhiễm quốc tế, cần được kiểm soát chặt chẽ để khống chế EHP.

Đối với ao nuôi, người nuôi cần chú ý đến hai vấn đề quan trọng đó là chuẩn bị ao nuôi và nguồn tôm giống. Tôm giống phải đảm bảo được kiểm dịch không có EHP và ao phải được chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là những ao đã bị nhiễm EHP trước đó. Bào tử EHP có màng dày và rất khó bị tiêu diệt kể cả khi sử dụng clorine nồng độ cao. Để loại bỏ EHP có thể áp dụng quy trình sau (theo hướng dẫn của Sritunyalucksana và ctv, 2015): rải 6 tấn/ha CaO (vôi tôi, vôi sống, vôi nung hoặc vôi nóng) vào lớp cặn khô dưới đáy ao (10-12 cm) và sau đó làm ẩm đáy ao để hoạt hóa vôi, sau đó ngâm trong một tuần trước khi lấy nước vào. Sau khi sử dụng vôi thì pH đất sẽ tăng lên mức 12 hoặc cao hơn, nhưng sau một thời gian nó sẽ trở lại mức bình thường.

Biên dịch bởi Kĩ sư Nguyễn Tuấn Thanh - Phòng R & D - Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Tiên Phong

Tài liệu tham khảo
Fayer, R., 2004. Infectivity of microsporidia spores stored in seawater at environmental temperatures. J. Parasitol. 90, 654–657.

Flegel, T.W., Boonyaratpalin, S., Fegan, D.F., Guerin, M., Sriurairatana, S., 1992. High mortality of black tiger prawns from cotton shrimp disease in Thailand. In: Shariff, M., Subasinghe, R.P., Arthur, J.R. (Eds.), Diseases in Asian Aquaculture I. Fish Health Section. Asian Fisheries Society, Manila, pp. 181–197.

Laisutisan, K., Prasertsri, S., Chuchird, N., Limsuwan, C., 2009. Ultrastructure of the microsporidian Thelohania (Agmasoma) penaei in the Pacific white shrimp (Litopenaeus vannamei). Kasetsart Univ. Fish. Res. Bull. (Thailand) 33, 41–48.

Pasharawipas, T., Flegel, T.W., Chaiyaroj, S.,Mongkolsuk, S., Sirisinha, S., 1994. Comparison of amplified RNA gene sequences from microsporidian parasites (Agmasoma or Thelohania) in Penaeus merguiensis and P. monodon. Asian Fish. Sci 7, 169–178.

Rajendran, K.V., Shivam, S., Praveena, P. E., Rajan, J. J. S., Kumar, T. S., Avunje, S., Jagadeesan, V., Babu, S.V.A.N.V. P., Pande, A., Krishnan, A. N., Alavandi, S.V., Vijayan, K.K., 2016. Emergence of Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) in farmed Penaeus (Litopenaeus) vannamei in India. Aquaculture 454, 272–280.

Sritunyalucksana, K., Sanguanrut, P., Salachan, P.V., Thitamadee, S., Flegel, T.W., 2015. Urgent appeal to control spread of the shrimp microsporidian parasite Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Network of Aquaculture Centres in Asia-Pacific (NACA) (www.enaca.org).

Tang, K.F.J., Pantoja, C.R., Redman, R.M., Han, J.E., Tran, L.H., Lightner, D.V., 2015. Development of in situ hybridization and PCR assays for the detection of Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), a microsporidian parasite infecting penaeid shrimp. J. Invertebr. Pathol. 130, 37–41.

Tangprasittipap, A., Chouwdee, S., Phiwsaiya, K., Laiphrom, S., Senapin, S., Flegel, T.W., Sritunyalucksana, K., 2012. Structure and expression of a shrimp prohormone convertase 2. Gen. Comp. Endocrinol. 178, 185–193.

Thitamadee, S., Prachumwat, A., Srisala, J., Jaroenlak, P., Salachan, P.V., Sritunyalucksana, K., Flegel, T.W., Itsathitphaisarn, O., 2016. Review of current disease threats for cultivated penaeid shrimp in Asia. Aquaculture. 452, 69–87.

Tourtip, S., Wongtripop, S., Stentiford, G.D., Bateman, K.S., Sriurairatana, S., Chavadej, J., Sritunyalucksana, K., Withyachumnarnkul, B., 2009. Enterocytozoon hepatopenaei sp. nov. (Microsporida: Enterocytozoonidae), a parasite of the black tiger shrimp Penaeus monodon (Decapoda: Penaeidae): fine structure and phylogenetic   relationships. J. Invertebr. Pathol. 102, 21–29.

 
Trở về
Thông tin khác

Sản phẩm tiêu biểu

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Zalo - ĐT: 0912 889 542
  • Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Zalo - ĐT: 0915446744

HOTLINE0912.889.542

Các đối tác của chúng tôi