FacebookZaloLinkedinYoutube
FacebookZaloLinkedinYoutube
CHUỖI CUNG ỨNG VINHTHINH BIOSTADT HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGBIO BL RACEWAYMAGKA POWERCANMAGKHOÁNG TẠT VI SINHMIZUPHOR POWERCLINZEX DIỆN MẠO MỚIDIỆN MẠO MỚIESOMAX - HOẠT CHẤT TINH DẦU KHÁNG SINH - GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT BỆNH GAN TỤY VÀ PHÂN TRẮNGFANTAI TCCA - CHITA TCCAGiống tôm thẻ chân trắng VTBHTHUỐC TRỪ SÂU SINH HỌCSản phẩm Nông NghiệpWokozim đã được sử dụng trên 40 loại cây trồng và hơn 20 quốc gia trên thế giớiLiên doanh giữa Vinhthinh & tập đoàn Biostadt -Ấn ĐộVinhthinh Biostadt
Trang chủ Trang chủTin tứcTômGOAL 2014 hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm

GOAL 2014 hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm

Đây là lần thứ 2 Hội nghị Goal được tổ chức tại Việt Nam sau lần đầu tiên vào năm 2005. Trong 4 ngày, GOAL 2014 chủ yếu bàn về tình hình sản xuất, nuôi thủy sản và phân tích các chuỗi giá trị của ngành thủy sản. Điểm nổi bật của Hội nghị lần này là các chuyên gia tập trung phân tích và đánh giá các dữ liệu về sản xuất và đưa ra các dự báo về ngành thủy sản toàn cầu.

Chế biến thức ăn thủy sản cũng cần phải bền vững

Ngành NTTS toàn cầu sẽ “không còn đường ra” nếu cứ mãi luẩn quẩn tìm kiếm nguồn nguyên liệu cá tự nhiên để chế biến thức ăn phục vụ cho NTTS, bà Dawn Purchase, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) đưa ra cảnh báo tại Diễn đàn Thức ăn thủy sản (TĂTS) bền vững, buổi họp đầu tiên của Hội nghị GOAL 2014 Theo ông Andrew Mallison, Tổng Giám đốc Tổ chức Bột cá - Dầu cá quốc tế (IFFO), phát triển NTTS luôn ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và đặc biệt là làm suy giảm nguồn lợi cá tự nhiên do phải cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến TĂTS. Vài năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, tỷ trọng nguyên liệu cá tự nhiên trong chế biến TĂTS đã có xu hướng giảm xuống, tuy nhiên việc quản lý và giám sát vấn đề này không vì thế mà được phép buông lỏng.

“Chúng ta nhận thấy tỷ lệ bột cá trong thức ăn cho cá hồi Na Uy gần đây đã giảm chỉ còn khoảng 10% trong thành phần nguyên liệu và thay vào đó là các thành phần protein có nguồn gốc thực vật. Tỷ lệ này cũng được ghi nhận ở thức ăn cho các loài khác như tôm và cá rô phi, cụ thể là năm 2000 có khoảng 10% bột cá trong TĂTS, đến năm 2012 tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5%. Trong khi đó, ở các loài cá nước ngọt như cá tra, cùng khoảng thời gian trên cũng đã giảm từ 35% xuống còn khoảng 15% như hiện nay”, ông Mallison dẫn chứng.

Bên cạnh việc kiểm soát nguồn nguyên liệu bột cá-dầu cá, việc tìm kiếm các nguồn protein thay thế cũng là được xem là một giải pháp mang tính quyết định đến sự phát triển của ngành NTTS toàn cầu.

“Liên minh NTTS với Đậu nành của Mỹ (SAA) hiện đang tích cực làm việc trên một số loài cá để phát triển tốt hơn nữa việc thực hành cho ăn theo chế độ dinh dưỡng có đậu nành. Hiện loại đậu này là nguồn protein thay thế số một cho TĂTS. Và trong thời gian không xa, chắc chắn đây sẽ không còn là sản phẩm thay thế nữa, vì sản lượng cung cấp cho các nhà máy thức ăn đã cao hơn gấp 3 lần so với lượng bột cá – dầu cá, ước tính khoảng 13- 15 triệu tấn đậu mỗi năm”, TS. Steven Hart, chuyên gia của SAA khẳng định.

Ngoài những nghiên cứu mới về bột đậu, công nghệ nuôi và chế biến bột côn trùng (Insect-meal) và bột giun (Worm-meal) của 2 công ty AquaFude và Entofood cũng đã thực sự khiến cho nhiều chuyên gia tại Hội nghị GOAL rất quan tâm và hứng thú.

Theo ông Ari Jadwin - thuộc Công ty AquaFude, bột côn trùng là nguồn protein thay thế rất tốt và sản xuất với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với bột cá, dầu cá. Qua nhiều thí nghiệm, AquaFude nhận thấy loài ruồi Hermetia Illucens thích hợp nhất để đưa vào nuôi và sản xuất vì vòng đời ngắn và sinh sản nhanh, mạnh.

“Đây là chủng côn trùng rất phù hợp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn vì ít dịch bệnh, vòng đời ngắn từ 30-40 ngày, thức ăn của chúng chính là các phụ phẩm, chất thải, chất hữu cơ trong quá trình sản xuất và ấu trùng của chúng có chất dinh dưỡng rất tốt cho TĂTS. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu phát triển nuôi công nghiệp với công suất ước tính 5.000 tấn/ha/năm”, ông Ari Jadwin nhận định.

Ngoài bột côn trùng, ông Franck Ducharne đến từ Công ty Entofood cũng giới thiệu bột giun với công nghệ nuôi và chế biến thành công từ loài giun đất. Tuy nhiên, để các sản phẩm có thể phát triển và thâm nhập được thị trường cũng còn khá nhiều khó khăn và thách thức phía trước. Đó là khó khăn trong thay đổi nhận thức của khách hàng, chi phí đầu tư lớn cho việc đổi mới công nghệ cũng như các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và xã hội trong việc nuôi và phát triển giun hay côn trùng.

Dịch bệnh thủy sản luôn là thách thức số một

Ngày thứ 2 của Hội nghị GOAL 2014, những khó khăn và thách thức mà ngành tôm thế giới đang phải đối mặt đã hâm nóng nghị trường cùng các diễn giả. Trong một cuộc khảo sát nhanh bên lề hội nghị, 48% các đại biểu tham dự đều đồng ý cho rằng vấn đề dịch bệnh đang và sẽ là thử thách hàng đầu cho sự phát triển của ngành NTTS toàn cầu.

Ông George Chamberlain, chủ tịch GAA, đã có một báo cáo về những thách thức mà ngành tôm phải đối phó trong việc kiểm soát dịch bệnh. Sản lượng thủy sản nuôi toàn cầu đã giảm 4% vào năm 2013 do dịch bệnh tôm kéo dài.

“Quá trình kiểm soát bệnh sẽ không bao giờ kết thúc”, ông Chamberlain nhận đinh, nhưng cho biết việc triển khai các giải pháp tối ưu về chẩn đoán, nuôi, sản xuất giống, trại nuôi và thức ăn chống lại các dịch bệnh như Hội chứng tôm chết sớm (EMS) đang bắt đầu đạt được kết quả tích cực.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc quản lý sản xuất và kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam, TS. Trần Hữu Lộc thuộc trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc phòng thí nghiệm Minh Phú Aquamekong ShrimpVet Lab, cho rằng người nông dân Việt Nam hiện nay đã có những thành công nhất định trong phòng chống và giảm thiểu tác động của EMS bằng cách thả cá rô phi chung trong ao tôm để làm sạch nước.

“Họ chỉ thả cá rô phi và tôm chung trong khoảng một tháng, vì nếu hơn thì cá sẽ ăn tôm. Và người nông dân cũng được khuyến cáo là chỉ cho cá ăn “vừa đủ” để chúng còn ăn các mầm bệnh và các chất ô nhiễm khác trong ao”, TS. Lộc cho biết.


Thảo luận về Hội chứng tôm chết sớm tại GOAL 2014

Đây đồng thời cũng là mô hình mà Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang áp dụng. Sự thành công bất ngờ của mô hình nuôi ghép này thực ra lại xuất phát từ một tai nạn trong quá trình nuôi tôm của Minh Phú.

“Chúng tôi có một ao nuôi cá rô phi sát ngay bên cạnh ao nuôi tôm đang bị tấn công bởi EMS. Không thể cứu vãn tình thế, chúng tôi đã buộc phải chuyển số tôm bị EMS sang ao cá để làm thức ăn nuôi cá rô phi. Bất ngờ thay, số tôm đó không chết mà bỗng dưng hồi phục và khỏe mạnh. Từ đó, Minh Phú quyết định sử dụng chiến lược này để chống chọi với EMS”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú chia sẻ.

Dựa trên các số liệu thống kê thủy sản toàn cầu những năm gần đây, ông James Anderson, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra những phân tích tập trung vào sản lượng tôm và cá trên thế giới cũng như triển vọng trong thời gian tới. Theo ông Anderson, do sự bùng phát của dịch bệnh EMS, sản lượng tôm toàn cầu năm 2013 ước tính đã giảm 19% so với năm 2012 và sẽ tiếp tục giảm 8% trong năm 2014. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra dự đoán năm 2015 và 2016 sản lượng tôm sẽ hồi phục và năm 2016, mức sản lượng sẽ quay về mốc của năm 2012.

“Nếu chúng ta nhìn vào biểu đồ dự báo về xu hướng phát triển của ngành tôm đến năm 2016 trước khi có dịch bệnh EMS xảy ra, có thể dễ dàng nhận thấy do EMS mà chúng ta đã mất đi khoảng 3 triệu tấn tôm. Do đó phải nói rằng, EMS là một vấn đề liên quan đến cả tỷ USD chứ không phải nhỏ”, ông James Anderson nhận định.

Tuy nhiên, với những thành công trong việc phát hiện và kiểm soát EMS, ông George Chamberlain cho rằng sản lượng tôm nuôi toàn cầu được dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn. Tương tự, ông Ragna Tveras thuộc trường Đại học Stavanger (Na Uy) cũng cho biết, sau hai năm chững lại thì sản lượng cá toàn cầu năm 2015 cũng sẽ có những sự hồi phục nhẹ và từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Đầu tư và khuyến khích sản xuất thủy sản quy mô nhỏ

Trong 2 năm gần đây, “nhu cầu thị trường lớn và việc hợp tác với các đối tác chủ chốt” đã mang lại khoảng 200.000 tấn cá tra Việt Nam được chứng nhận với các tiêu chuẩn bền vững, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng XK. “Khối lượng sản xuất cá tra với đủ loại các chứng nhận cũng như việc đưa sản phẩm bao phủ khắp các kênh bán lẻ trên thế giới hiện nay có thể xem như cá tra đã đến gần điểm tới hạn”, ông Ted van der Put, chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH) nhận định.

Tuy vậy, cá tra và tôm lại khác nhau. Trong nuôi tôm, hầu hết người nuôi là các nông hộ quy mô vừa và nhỏ, do đó cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn chứng nhận là hết sức khó khăn. Trong khi cơ quan chứng nhận và người mua liên tục gây áp lực lên các nhà sản xuất, NTTS quy mô lớn nhằm điều khiển cuộc chơi và kiểm soát chuỗi cung ứng của họ, thì vẫn còn đó số đông các nhà sản xuất quy mô nhỏ bị lãng quên.

“Khoảng 70 - 80% sản lượng tôm nuôi được sản xuất bởi nông dân quy mô nhỏ, những người đã từ lâu không có vai trò trong việc thúc đẩy ngành phát triển hoặc không có cơ hội để tìm hiểu hoặc áp dụng các “Thực hành NTTS tốt nhất” (BAP), ông Anton Immink thuộc tổ chức Quan hệ Đối tác Nghề cá Bền vững (SFP) nhận định.

Để thực sự có được bất kỳ thay đổi đáng kể nào cho ngành, các nông hộ này phải được nâng cấp theo các tiêu chuẩn hiện có. Để thực hiện được thì cần thiết phải có cách tiếp cận từng bước, đầu tiên là thu hút nông dân quy mô nhỏ và sau đó là nâng cao dần các tiêu chuẩn để cải thiện sản xuất, bà Lisa Goche thuộc Công ty Surefish nói.

Ông Jeff Sedacca, chủ tịch Ủy ban Tôm của Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFS), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không làm tổn hại đến các nông hộ quy mô nhỏ trong quá trình đưa họ tiếp cận dần với các tiêu chuẩn BAP. Mục đích của việc này là để mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân, làm cho mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hấp dẫn hơn bằng cách cung cấp những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Phân nhóm các nông hộ nhỏ này có nghĩa là chi phí cho từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn chứng nhận đã “giảm xuống mười lần”, cộng với việc đầu tư các công nghệ liên quan cũng được thực hiện từng bước chứ không phải làm hết 1 lần từ đầu.

Ông Anton Immink cho rằng mô hình này hoàn toàn có thể được áp dụng với các ngành khác, khi phần lớn khối lượng vẫn được sản xuất theo quy mô nhỏ và hoạt động chưa được hiện đại hóa.

“Xu hướng hợp nhất đang đến trong ngành thủy sản” ông Jeff Sedacca nói “nhưng ngành cá tra không giống như vậy. Đây không phải là kiểu một vài công ty mua lại các hộ nông dân nhỏ, mà mô hình này có nghĩa là người nông dân không bị mất quyền tiếp cận thị trường và không bị mất thu nhập. Họ có cơ hội để được là một phần trong ngành cá đang dần được cải thiện”.

Bên cạnh đó, giám đốc cấp cao ngành hàng thịt và thủy sản của Tập đoàn Walmart cũng cho biết, Walmart có kế hoạch sẽ đầu tư 1 tỷ USD để làm việc với nông dân quy mô nhỏ vào năm 2015. “Hãy tưởng tượng tiềm năng sản xuất của các trang trại nhỏ sẽ lớn đến thế nào nếu bạn hướng dẫn cho họ sản xuất có hiệu quả hơn, cũng như giới thiệu cho họ “Thực hành NTTS tốt nhất” và áp dụng chúng vào sản xuất để được cấp giấy chứng nhận”, ông nói, “Walmart hy vọng sẽ tăng thu nhập của nông dân ít nhất 10% vào cuối năm 2015”. 

Tôn vinh những nét nổi bật của thủy sản Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị GOAL năm nay, Liên minh GAA cũng đã tổ chức 2 sự kiện nhằm tôn vinh những thành tựu của thủy sản Việt Nam.

Đầu tiên, đó là lễ trao giải thưởng “Thành tựu Trọn đời” cho PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, một trong những nhà lãnh đạo có trình độ, tầm nhìn và đầy tâm huyết trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
 

GAA trao giải thưởng “Thành tựu Trọn đời” cho PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng

“Niềm đam mê của ông Dũng đối với nuôi trồng thủy sản và cách tiếp cận chân thành, không mệt mỏi và tận tâm đã tôn vinh hình ảnh của Việt Nam và cả ngành NTTS nói chung. Chúng tôi rất xúc động khi được trao tặng giải thưởng này cho ông Dũng tại Hội nghị GOAL 2014”, Chủ tịch GAA George Chamberlain khẳng định.

Bên cạnh đó, buổi hội thảo với chủ đề “Tôn vinh lãnh đạo thủy sản Việt Nam – Celebrating Leadership in Vietnam’s Aquaculture Industry” cũng đã được GAA xem là một “sự kiện đặc biệt” nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường các hoạt động có trách nhiệm giúp các trại nuôi thủy sản có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường.

Các diễn giả chính đại diện cho 2 lĩnh vực của ngành, đó là hoạt động trong nuôi và hoạt động trên thương trường với các dự án đang thực hiện cũng như các cơ hội cho các dự án trong tương lai như: Trại nuôi quy mô nhỏ và đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý tích hợp vùng ven biển ICMP của tổ chức GIZ Việt Nam, Vai trò của mô hình Hợp tác xã trong nông nghiệp và thủy sản (Trung tâm ICAFIS), Các cơ hội hợp tác công tư (IDH Việt Nam), Trại nuôi quy mô nhỏ và Chứng nhận bên thứ ba (WWF Việt Nam), Xây dựng các thị trường ở nước ngoài cho cá tra và tôm (VASEP), Xúc tiến thương mại cho cá tra (VPA)…

Nhân dịp này, ông Carson Roper, đại diện GAA cũng đã trao giải thường “Commitment to Excellence Award” (Cam kết sự hoàn hảo) cho đại diện Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước vì những cố gắng của công ty trong việc hoàn thành chứng nhận “Thực hành NTTS tốt nhất” (BAP) với cấp độ 4 sao.

Với chủ đề “Tôn vinh lãnh đạo thủy sản”, Hội nghị GOAL 2014 đã thành công trong việc khẳng định tầm quan trọng của công tác lãnh đạo và định hướng trong phát triển thủy sản bền vững. Hơn 400 đại biểu là các học giả, chuyên gia, nhà quản lý… đến từ các nước trên thế giới đã cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá các thách thức, cơ hội và cùng cam kết hành động chung cho sự phát triển của thủy sản toàn cầu. Hội nghị GOAL 2014 kết thúc sau 4 ngày thảo luận sôi nổi. Hẹn gặp lại hội nghị GOAL 2015 tại VancouverCanađa vào năm sau.

Nguồn: http://vietfish.org

 

Trở về
Thông tin khác

Sản phẩm tiêu biểu

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Zalo - ĐT: 0912 889 542
  • Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Zalo - ĐT: 0915446744

HOTLINE0912.889.542

Các đối tác của chúng tôi