FacebookZaloLinkedinYoutube
FacebookZaloLinkedinYoutube
CLINZEX DIỆN MẠO MỚIDIỆN MẠO MỚICHUỖI CUNG ỨNG VINHTHINH BIOSTADT HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGChế phẩm thảo dược tổng hợpENVOMIN - AQUAMIN - SUP PREMIX - ECO MINERALESOMAX - HOẠT CHẤT TINH DẦU KHÁNG SINH - GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT BỆNH GAN TỤY VÀ PHÂN TRẮNGRa mắt sản phẩm mới Yucca VTB ZUCCA - QUILA YUCCA - TF ZUCCA - ECO ZUCCAKhoáng tạt cao cấpWOKOZIM TỐI ƯU HÓA MỌI GIẢI PHÁPTHUỐC TRỪ SÂU SINH HỌCuongveoVinhthinhbiostadtGiống tôm thẻ chân trắng VTBHSản phẩm Nông NghiệpWokozim đã được sử dụng trên 40 loại cây trồng và hơn 20 quốc gia trên thế giớiLiên doanh giữa Vinhthinh & tập đoàn Biostadt -Ấn ĐộVinhthinh Biostadt
Trang chủ Trang chủTin tứcHOẠT ĐỘNG CÔNG TYPhương pháp xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trên tôm nuôi và trong môi trường nước

Phương pháp xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trên tôm nuôi và trong môi trường nước

Vào tháng tư năm 2010, chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những người nuôi ở tỉnh Sóc Trăng về tình trạng tôm chết hàng loạt trong ao của họ, triệu chứng lâm sàng cơ bản được ghi nhận lúc đó là hệ gan tụy của tôm bị teo, nhợt nhạt màu sắc, vài trường hợp bị chai. Bệnh xảy ra ở giai đoạn đầu của vụ nuôi và người nuôi cũng không biết phải làm cách nào để khống chế nó. 

Ban đầu mọi việc tưởng chừng như rất đơn giản, có lẽ là "bệnh gan tụy" bình thường thôi như từ trước thỉnh thoảng vẫn hay gặp trong vài ao nuôi tôm sú, tuy nhiên sau đó cho đến khoảng tháng 10 thì tình hình trở nên trầm trọng hơn. Số ao nuôi bị chết ngày càng nhiều với cùng triệu chứng. Bệnh sau đó bắt đầu lan sang các tỉnh khác, trên cả tôm sú lẫn tôm thẻ, các cuộc gọi đến với chúng tôi ngày càng nhiều hơn. Và không chỉ người nuôi, ngay cả chúng tôi cũng thực sự lúng túng.

Chúng tôi bắt đầu ghi nhận, tổng hợp trên hàng ngàn ao nuôi gặp phải tình trạng này trên khắp các tỉnh thành có nuôi tôm với mong muốn tìm ra mẫu số chung cho việc nhận biết sớm ao nuôi có khả năng bị "gan tụy" nhằm tìm ra biện pháp nào đó có thể hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra theo nguyên tắc sơ đẳng nhất của bệnh học mà chúng tôi gọi chúng nôm na là nguyên tắc của 03 vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất đại diện cho mầm bệnh, vòng tròn thứ hai đại diện cho môi trường và vòng tròn thứ ba là sức khỏe của tôm. Mầm bệnh thì luôn hiện diện trong ao nuôi, mặc dù ta có thể khống chế nó phần nào nhưng khó mà triệt để. Môi trường và sức khỏe tôm thì có lẽ dể dàng can thiệp hơn, vậy cho nên cố gắng giữ môi trường tốt và cố gắng giữ sức khỏe tôm tốt thì rủi ro chắc chắn sẽ thấp hơn. Và cũng kể từ khi đó chúng tôi luôn luôn trăn trở phải tìm ra giải pháp nào đó để có thể hỗ trợ người nuôi, khách hàng của chúng tôi được tốt hơn.

Hình ảnh tôm nuôi bị gan tụy do bộ phận kỹ thuật của chúng tôi thực hiện tại Bến Tre



Các nhà khoa học vào cuộc quyết liệt để tìm ra chân tướng của sự việc. "Bệnh" ban đầu được gọi là hội chứng chết sớm (EMS), sau thì được đổi tên thành Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) để thể hiện rõ hơn đặc trưng của bệnh. Lần lượt có nhiều nguyên nhân được công bố sau đó, chẳng hạn như do vi bào tử trùng - các biện pháp áp dụng ngay sau đó nhằm khống chế vi bào tử trùng cũng không mang lại hiệu quả thiết thực, diện tích bệnh vẫn tăng lên rõ rệt và ngày càng trầm trọng hơn. Sau đó nữa, nguyên nhân khác được nêu ra là do vi khuẩn thuộc lớp Gamma - proteobacteria ký sinh trên Protozoa (nguyên sinh động vật) - một kết luận cực rộng. Lý luận logic lúc đó là: nếu là vi khuẩn thì diệt khuẩn, và diệt protozoa (một dạng vật chủ trung gian mang mầm bệnh). Có những ao nuôi diệt khuẩn bằng chlorine với hàng lượng 40 - 50 ppm và diệt đến vài lần như vậy để chắc chắn rằng không còn vi khuẩn nào có thể tồn tại, không protozoa nào có thể tồn tại. Kết quả là gì? Bệnh vẫn diễn ra và vẫn trầm trọng hơn, đặc biệt vào năm 2012.

Vào năm nay, vấn đề có vẻ sáng sủa hơn khi "Nhóm nghiên cứu của Tiến Sĩ Donald Lighner (click để tìm hiểu về Tiến Sĩ Donald Lighner) do Tiến Sĩ Trần Hữu Lộc  - một giảng viên của Khoa Thủy Sản - Trường Đại Học Nông Lâm đứng đầu" tại Đại học Arizona công bố chính thức nguyên nhân gây bệnh là do "một dòng đặc biệt của loài vi khuẩn vibrio parahaemolyticus bị nhiễm phage gây ra", các điều kiện gây bệnh kèm theo là vi khuẩn nhiễm phage phải hiện diện trong ống tiêu hóa của tôm, và độc tố của vi khuẩn nhiễm phage chính là thủ phạm gây ra EMS/AHPNS. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở đó mà chưa có bất kỳ giải pháp khả thi nào, bất kỳ mô hình nào được áp dụng để có thể giải quyết dứt điểm bệnh này. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết là "đang phát triển các kỹ thuật chẩn đoán để xác định đúng dòng vi khuẩn gây bệnh". Các công bố trên được đăng rộng rãi trên các trang web uy tín của thế giới như GAA (Hiệp hội nuôi trồng thủy sản toàn cầu), FAO (Tổ chức lương nông liên hiệp quốc), trên tạp chí ADVOCATE của GAA, trên Disease of Aquatic OrganismNACA (Mạng lưới nuôi trồng thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương)...

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus khá phổ biến - nó đã được xác nhận như vậy. Và tất nhiên nó cũng đã hiện diện từ ngàn xưa đến nay với hàng trăm dòng khác nhau trong môi trường thủy vực tự nhiên cũng như trong các ao nuôi thủy sản, và phage cũng thế. Chúng tôi đã từng tiếp cận một tài liệu nói rằng có tới 70% vi khuẩn đã được biết đến đều có Phage (Click để tìm hiểu thêm về phage)Phân lập vi khuẩn trên tôm bị bệnh phân trắng cũng thấy chúng (và cả V. vulfinicus, V.cholera, V. alginolyticus...) - (Click để xem bài viết của Dr. Chalor). Có chủng sẽ gây bệnh và có chủng thì không, có chủng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người...

Như vậy, nếu chúng ta có cách nào đó để xác định rằng liệu có Vibrio parahaemolyticus (VP) trong ao tôm của chúng ta không? Có VP trên tôm giống của chúng ta không? Mặc dù chưa biết được VP đó có phải chính xác là dòng gây bệnh hay không và có nhiễm phage hay không. Nếu có một giải pháp tạm thời nào đó trong khi chờ các nhà khoa học tìm ra giải pháp tốt nhất, chính xác nhất thì vẫn tốt hơn là chúng ta hoàn toàn không biết được chính xác trong ao nuôi ta đang có gì? Qua đó ta mới có thể định hướng xử lý để nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất có thể.

Đĩa kiểm khuẩn trên "môi trường thạch đặc trưng"  của chúng tôi đi theo hướng đó với đầy đủ cơ sở khoa học nhằm xác định được sự hiện diện của VP, V.vulfinicus, V.cholera và V.alginolyticus với những màu sắc khuẩn lạc khác nhau để có thể định tính chúng. Tất nhiên như đã nói ở trên, mặc dù không biết được là có hiện diện đúng dòng VP đặc biệt gây bệnh EMS/AHPNS hay không nhưng khi khuẩn lạc mọc trên môi trường đặc trưng này thể hiện có VP thì có lẽ nó cũng có thể có hiện diện dòng VP đặc biệt, và chúng tôi nghĩ rằng đó là giải pháp tốt nhất hiện nay nhằm để định hướng xử lý trong khi vẫn phải tiếp tục chờ đợi kết quả nghiên cứu ấn tượng sắp tới của nhóm nghiên cứu của Đại học Arizona.

Thực tế sau 02 tháng triển khai chương trình hỗ trợ này cho thấy rất rõ rằng với "môi trường thạch đặc trưng" của chúng tôi, kết quả phản ảnh khá đúng đắn. Nhiều ao nuôi không có khuẩn lạc đại diện VP mọc trên môi trường thì đi đến một mùa vụ thành công, trong khi đó nhiều ao nuôi khác khuẩn lạc đại diện VP mọc dày đặc thì thường thất bại. Đội ngũ kỹ sư tại công ty chúng tôi - được đào tạo bài bản từ các trường Đại học chuyên ngành thủy sản trên cả nước và luôn cập nhật kiến thức mới - đã dùng phương pháp thống kê để xác định rất rõ là sai biệt này hoàn toàn có ý nghĩa trên hàng ngàn mẫu đã được thực hiện trên cả nước. Thậm chí khi đọc kết quả trên đĩa, chúng tôi có thể nhận định được tình trạng ao nuôi đang như thế nào.

Bên dưới là vài hình ảnh trong số hàng ngàn mẫu mà chúng tôi đã thực hiện với đĩa test trên "môi trường đặc trưng"




Tất nhiên, khi có kết quả đọc được trên đĩa thạch, chúng tôi sẽ có những giải pháp cụ thể tùy thuộc vào kết quả đó như thế nào, trên tôm, hay trong môi trường nước. Diệt khuẩn tích cực là một trong những giải pháp ngay khi có kết quả, tái kiểm sau đó giúp khẳng định tốt hơn về việc "sửa chửa môi trường" (vòng tròn thứ 2), và cố gắng duy trì sức khỏe tôm (vòng tròn thứ 3) rõ ràng đã mang lại những kết quả khá tích cực, mặc dù không phải trường hợp nào cũng thành công. Dù sao thì ao nuôi tôm cũng là một môi trường mở, và không dễ để khống chế chúng, bên cạnh đó sự thành bại của mùa vụ cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và giải pháp khác nhau chứ không chỉ đơn giản là biết được nguyên nhân thì có thể thành công. Căn bệnh thế kỷ SIDA (AIDS), thế giới đã biết nguyên nhân từ lâu nhưng rõ ràng đến nay chúng ta vẫn chưa có bất kỳ một liệu pháp nào khống chế triệt để nó. Với ngành thủy sản của chúng ta cũng thế, đốm trắng (WSSV), đã biết rõ nguyên nhân từ lâu lắm rồi, nhưng liệu ta có thể trị được nó không? Chúng ta vẫn cần kiểm PCR và các phương pháp test nhanh để xác định nó có mang mầm bệnh hay không như là một giải pháp thêm vào trong qui trình phòng bệnh. Phòng bệnh không có nghĩa là bệnh sẽ không xảy ra, nó chỉ có ý nghĩa làm giảm thấp rủi ro. Phòng bệnh càng kỹ chừng nào, càng triệt để chừng nào thì rủi ro càng thấp chừng đó.

Bên cạnh đó, khi bệnh đã xảy ra cũng không có nghĩa là mọi thứ đều sụp đổ, chúng ta vẫn phải thường đi khám, chữa trị bệnh khi bị bệnh (thậm chí là ung thư ác tính) và chúng ta có quyền hy vọng sự sống sẽ tái sinh. Tôm nuôi cũng thế, không nằm ngoài quy luật này.

Nuôi tôm là một nghề, rõ ràng như thế. Cho nên khi chưa có giải pháp tốt nhất từ các nhà nghiên cứu, người nuôi không thể vì thế mà dừng nuôi được. Họ vẫn phải nuôi, vẫn phải bỏ tiền ra (thậm chí vay mượn nhiều) để nuôi, vì đó là sự sinh sống, là nguồn kinh tế gia đình, là mục tiêu doanh nghiệp, là mong muốn đạt được sản lượng và giá trị xuất khẩu cao trên cả nước,  là niềm đam mê được nhìn thấy tôm trong ao - mỗi khi cất vó, quăng chài - một cách khỏe mạnh, chắc thịt, nặng cân, họ thích nghe "tiếng của tôm" hàng đêm, họ lắng nghe chúng với niềm đam mê bất tận. Chính vì thế mỗi người nuôi sẽ tự tìm kiếm giải pháp cho riêng mình, nâng nó thành kinh nghiệm, truyền đạt nhau để cùng thành công như cách mà cha ông ta vẫn làm như thế từ thuở xa xưa, mặc dù có thể những kinh nghiệm đó không được khoa học thừa nhận và chúng tôi là một trong số những người như thế, chúng tôi sử dụng kiến thức của mình đã được học tại nhà trường, chúng tôi sử dụng niềm đam mê của mình và chúng tôi sử dụng tâm niệm đồng hành cùng người nuôi để cùng họ tự cứu chính mình, chính nghề nuôi này trong khi vẫn trong chờ những kiến thức, kết quả khoa học mới nhất được phổ biến rộng rãi đến người nuôi. Bởi khoa học vốn dĩ là thế, nó cần được ứng dụng thì mới có giá trị thực sự.

Thế giới nuôi tôm cũng thế, các nhà khoa học chân chính khắp thế giới này cũng thế. Họ không ngồi yên để chờ đợi, họ cũng nghiên cứu tìm tòi và họ cũng có những kết quả được công bố, chẳng hạn như đã có những công bố về việc nuôi tôm ở pH thấp chung quanh ngưỡng 7.0 thì ít bị bệnh EMS/AHPNS hơn 
 (Click để xem chi tiết nghiên cứu này) và một số giải pháp khống chế bệnh bằng những sản phẩm tiềm năng cụ thể. Chúng tôi lắng nghe tất cả và chúng tôi có đủ điều kiện để kiểm chứng không phải để tìm ra chỗ sai, không phải để phản bác, chúng tôi làm thế để mong muốn xác lập nhanh nhất một qui trình khả dĩ có thể chế ngự EMS phần nào qua kiểm chứng để mang nó đến cho người nuôi và để thực sự đồng hành cùng họ.

Chúng tôi luôn muốn đóng góp một phần công sức nhỏ của mình vào sự thành công chung. Và ở VinhthinhBiostadt, chúng tôi tư duy, làm việc và nỗ lực theo cách đó.

Bài viết được thực hiện bởiKS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN - Công ty VinhthinhBiostadt



Trở về
Thông tin khác

Sản phẩm tiêu biểu

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Zalo - ĐT: 0912 889 542
  • Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Zalo - ĐT: 0915446744

HOTLINE0912.889.542

Các đối tác của chúng tôi