Tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nông dân không còn khái niệm “thả con tép, bắt con tôm”. Giờ họ quan niệm muốn bắt con tôm phải thả con giống tốt và ứng dụng công nghệ cao…
Với 2 ao nuôi tôm rộng gần 3.500m2, từ đầu tháng 3 đến tháng 8/2016, anh Nguyễn Trường Đại (xã Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch) đã thu hoạch được gần 20 tấn tôm thịt, thu về trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng. Có được thành quả như vậy là nhờ anh Đại đã mạnh tay đầu tư ứng dụng công nghệ lót vải bạt, phủ lưới, cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với cách nuôi tôm truyền thống.
Thực hiện nuôi tôm công nghệ cao, anh Đại quyết định phân chia lại diện tích ao nuôi tôm của gia đình với mục đích “giảm diện tích ao nuôi để tăng năng suất”. Theo anh Đại, trước đây, khi nuôi theo mô hình truyền thống bằng ao đất toàn bộ diện tích 2 ha mặt nước của gia đình đều được sử dụng làm ao nuôi.
Tuy nhiên, với mô hình mới, anh Đại chia đôi 2 ha đất nuôi tôm thành 2 module, mỗi module chỉ sử dụng khoảng 35% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại anh xây dựng 1 ao ương, 1 ao lắng, 1 ao xử lý, 1 ao sẵn sàng, 1 ao chứa phân, bùn và hệ thống xử lý bioga. Với 2 ao nuôi, anh Đại sử dụng bạt ni lông lót đáy và lưới lan che phía trên không gian ao nuôi.
“Do diện tích ao nuôi mình phân chia nhỏ lại nên quản lý tốt hơn, mật độ nuôi được tăng cao từ 50 con/m2 lên 200 con/m2 nên năng suất tăng lên, khi thu hoạch đạt được cỡ lớn 30 con/kg. Ngoài ra, do có diện tích ao ương nên mình có thể nuôi tôm giống đến khoảng 1 tháng tuổi mới cho vào ao nuôi thay vì nuôi trực tiếp như trước. Nhờ đó, số vụ nuôi cũng được nâng lên 4 vụ/năm thay vì 2 vụ/năm. Trước đây, với 2 ha diện tích ao nuôi, mỗi vụ chỉ thu được khoảng 8 tấn tôm, nhưng giờ chỉ 3.500m2 mà sản lượng mỗi vụ lại đạt hơn 15 tấn”, anh Đại nói.
Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) cũng đang nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao và rất thành công. Hơn chục năm nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, anh Hùng gặp thất bại nhiều hơn thành công vì rủi ro dịch bệnh. Khi chuyển qua mô hình mới này, do luôn chủ động kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế được rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho tôm.
Theo anh Hùng, nuôi tôm quan trọng nhất là nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng cho tôm phát triển là khoảng 28 - 32°C. Việc sử dụng lưới che đã làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ hồ nuôi luôn được đảm bảo ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ, hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.
Mặt khác, với công nghệ nuôi mới, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để thay thế. Không những hạn chế được dịch bệnh, người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh.
Theo các hộ nông dân, để chuyển đổi từ nuôi ao đất sang nuôi ao lót vải bạt, phủ lưới lan thường chỉ cần đầu tư thêm vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch là do vùng chăn nuôi nằm tách biệt với khu dân cư, nhiều hộ vẫn phải chạy máy dầu phát điện trong sản xuất khiến chi phí đầu tư lớn, tốn nhiều công lao động.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, cho biết: Với gần 2.000 ha diện tích mặt nước, trong đó có gần 1.900 ha diện tích nước lợ, nuôi trồng thủy sản được xem là một thế mạnh của huyện Nhơn Trạch. Mới đây, huyện đã phối hợp với Cty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đây được xem là bước đi nhằm giúp khai thác hết tiềm năng, thế mạnh đồng thời tạo ra sản phẩm tôm sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiện toàn huyện có hơn 10 hộ đã ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm và đều đạt lợi nhuận tốt. Xác định đây là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao nên địa phương đang triển khai nhân rộng cho bà con. Huyện sẽ ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng (đường, điện...) cho các vùng chuyên canh nuôi tôm thâm canh để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
HOTLINE0912.889.542