Hiện nay, diện tích nuôi cá tra của Bến Tre chủ yếu tập trung tại các huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Ba Tri. Năm 2016, tổng diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh Bến Tre đạt 760 ha, đạt 100% kế hoạch năm 2016, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2015. Tổng sản lượng cá tra thu hoạch đạt 167 nghìn tấn, đạt khoảng 104% kế hoạch năm 2016, tương đương so với cùng kỳ năm 2015.
Với hệ thống quản lý nuôi thủy sản khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở nuôi cá phát triển ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi cá tra của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: Thị trường tiêu thụ cá tra không ổn định, giá bán lên xuống bất thường. Con giống thả nuôi chủ yếu nhập từ ngoài tỉnh nên không kiểm soát được quy trình ương dưỡng, chất lượng con giống thấp nên trong quá trình nuôi thương phẩm, tỷ lệ hao hụt cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Việc vận động các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng liên kết thu mua cá tra nguyên liệu với các cơ sở nuôi còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu khá lớn, không muốn tham gia liên kết.
Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển nuôi cá tra, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã chủ động thực hiện giải pháp như: Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất tốt, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ đã được cải tạo di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để thay thế đàn cá bố mẹ trước đây nhằm tạo ra nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng cung ứng cho nghề nuôi cá tra của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, AquaGAP với diện tích hơn 220 ha, chiếm gần 29% tổng diện tích nuôi cá tra thâm canh toàn tỉnh. Cá tra là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Bến Tre bên cạnh tôm biển và nhuyễn thể. Sản lượng cá tra năm 2016 đạt 167.000 tấn, chiếm 66% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh và 90% tổng sản lượng nuôi tôm cá nước ngọt.
Bên cạnh đó, đã thực hiện đánh số vùng nuôi để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hướng dẫn các cơ sở nuôi xây dựng hệ thống ao nuôi đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường, thả giống với mật độ vừa phải nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả trên nguồn vốn đầu tư, tăng cường kiểm tra và tổ chức lấy mẫu thức ăn, hóa chất để kiểm tra chất lượng nuôi. Thu mẫu kiểm tra dư lượng chất độc hại trong cá nuôi định kỳ hàng tháng. Tác động các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở nuôi vay vốn.
Theo kế hoạch đặt ra cho năm 2017, diện tích nuôi cá tra thâm canh trên toàn tỉnh Bến Tre đạt 770 ha, sản lượng 175.000 tấn. Ngành nông nghiệp Bến Tre tiếp tục hướng hoạt động nuôi cá tra thâm canh phát triển theo chiều sâu, nhằm tạo vùng nguyên liệu sạch, bền vững cung ứng cho chế biến xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, để đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra và đưa nghề nuôi cá tra phát triển một cách bền vững, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Quản lý phát triển nuôi cá tra theo quy hoạch, khảo sát vị trí và lập dự án xây dựng Trung tâm sản xuất giống cá tra cấp vùng theo đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng dẫn các cơ sở nuôi hoàn thiện hệ thống ao nuôi để đạt điều kiện vệ sinh thú y và cấp giấy chứng nhận, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ sở nuôi áp dụng tốt các quy phạm thực hành nuôi tốt: VietGAP, GlobalGAP... Tiếp tục phát triển và tăng số lượng đàn cá tra bố mẹ đã được cải tạo di truyền, nhằm cung cấp con giống có chất lượng cho nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: www.fistenet.gov.vn