Nhiều năm nay, con tôm luôn là mũi nhọn của ngành thủy sản; tuy nhiên, xét trên toàn bộ bình diện, con tôm nước ta vẫn chưa thực sự phát huy hết thế mạnh, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế không cao, sản xuất trong nước chưa thực sự bền vững. Để có thể khơi thông tiềm lực của đối tượng nuôi này, tất yếu phải đưa chuỗi giá trị ngành hàng tôm lên một tầm cao nữa. Nhưng, để làm được điều này, việc xác định vị thế của con tôm nước ta trên bản đồ tôm thế giới đặc biệt quan trọng.
Cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam lắng nghe những chia sẻ sâu sắc của ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị - Tổng Giám đốc Vinhthinh Biostadt, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, xung quanh vấn đề “Nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt”.
Nói đến “Nâng tầm chuỗi giá trị ngành hàng tôm” có lẽ sẽ phải giải đáp nhiều vấn đề, nhưng trước hết điều mà tất cả mọi người tham gia ngành tôm cần biết rõ ràng, cụ thể về định hướng là gì, thưa ông?
Trong thực tế vì yêu cầu cạnh tranh, phát triển sản xuất, kinh doanh của bản thân thì đa số các thành phần tham gia vào ngành tôm Việt Nam đều cố gắng tự nâng cấp, nâng tầm cả. Nếu không có nổ lực đó thì không có những kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tăng sản lượng hàng năm của ngành.
Vấn đề là chúng ta cần phải làm thật rõ và cụ thể hơn câu khẩu hiệu mà mọi người thường hay đề cập là “nâng tầm chuỗi giá trị ngành hàng tôm” để ai cũng hiểu hết, qua đó xác định được mục tiêu cụ thể để Nhà nước, Doanh nghiệp, Người nuôi có thể cùng nhau phối hợp chung. Để có thể hiểu và nắm bắt rõ điều này, theo tôi cần giải đáp các vấn đề chẵng hạn như: chuỗi giá trị ngành hàng tôm là đang nói đến cái gì cụ thể? Đề cập đến thành phần nào? Nâng tầm nhưng cần biết Việt Nam chúng ta hiện đang ở tầm nào và cần đưa lên tầm nào và định lượng thế nào? Vị thế con tôm Việt Nam đang ở đâu và đưa lên vị thế nào rồi đo lường ra sao? Khi nói về chuỗi giá trị thì có nhiều thành phần tham gia chuỗi vậy bộ phận nào cần được tập trung nâng lên và định hướng giải pháp là gì? Thêm nữa, đó là ai sẽ chịu trách nhiệm chính để thực hiện lãnh đạo và kết nối các thành phần của chuỗi hàng ngành tôm trở nên thực chất, bền chặt, lợi ích hài hòa hơn so với trước đây? …
Tôi mong rằng khi làm rõ mục tiêu của nâng tầm thì không chỉ thể hiện qua con số về thị trường tiêu thụ, sản lượng nuôi trồng, kim ngạch xuất khẩu của con tôm Việt Nam, tốc độ tăng trưởng hàng năm…; mà cần nghiên cứu đưa thêm mục tiêu phát triển bền vững như từng bộ phận trong chuỗi cung ứng phải tiến lên mục tiêu nào về đầu tư, công nghệ, hệ thống quản lý, cam kết xã hội. cần phải nghiên cứu xây dựng được mô hình và quy trình nuôi bền vững, phù hợp cho từng đối tượng vùng miền và mức độ thâm canh. Ngoài ra cần tính đến chính sách cam kết bảo vệ quyền lợi, chia sẻ lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi và trách nhiệm trong liên kết chuỗi sao cho minh bạch, công bằng, bảo vệ môi trường, cam kết đầu ra, chất lượng đầu vào…
Theo ông, ngành hàng tôm Việt Nam sẽ phải làm gì để có thể giải đáp được những vấn đề đó?
Trước hết, theo tôi, chúng ta cần có những khuyến cáo và định hướng sản xuất - kinh doanh sớm hơn cho các thành phần tham gia chuỗi ngành hàng tôm Việt Nam, nhất là người nuôi tôm. Nếu được thì đưa ra các giải pháp cụ thể và những chính sách kịp thời, hiệu quả để giúp cho tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng giá trị ngành tôm vượt khó khăn trong giai đoạn này.
Hiện nay, tôi đi thị trường, đâu đâu cũng nghe người nuôi than thở, lo lắng về giá tôm quá thấp bên cạnh nỗi lo về chi phí đầu vào quá cao và nuôi ngày càng khó do dịch bệnh. Họ lúng túng về hướng sản xuất trong tình hình hiện nay… Đại lý thức ăn và vật tư hiện tại thì không dám “bung” tiền đầu tư cho người nuôi do tiềm lực tài chính co lại vì chính sách tín dụng, do không thu hồi được nợ vì người nuôi thất bại nhiều quá và cả tinh thần không lạc quan với giá tôm, tình hình kinh tế vĩ mô.
Còn các công ty sản xuất tôm giống, thức ăn, vật tư, chế phẩm thì kêu trời vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng, người nuôi thì giảm thả tôm nên đầu ra càng bị thu hẹp lại. Bên công ty chế biến thì luôn lo lắng với tôm nguyên liệu bị nhiễm kháng sinh, giá tôm nguyên liệu Việt Nam cao hơn các nước, thiếu vốn và lãi suất ngân hàng quá cao, đơn hàng giảm mạnh…
Nói thật, trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì “thân ai nấy lo”, tự tìm cho mình con đường riêng để tồn tại trước. Vì vậy, cá nhân tôi thấy trong tình hình này thì rất cần có những định hướng sớm và giải pháp nhanh chóng, hiệu quả từ các cơ quan có trách nhiệm về việc tổ chức sản xuất, thời điểm sản xuất, cách thức sản xuất, quy cách kích cở sản xuất, thị trường mục tiêu hướng đến với các sản phẩm cần chú trọng, ban hành những chính sách kỹ thuật và hỗ trợ để bảo vệ ngành sản xuất tôm trong nước nhằm giảm nhập khẩu nguyên liệu cạnh tranh, tăng cường chính sách quản lý nghiêm để bảo vệ ngành lâu dài hướng đến mục tiêu giảm chi phí sản xuất và nâng chất lượng… Ngoài ra, thúc đẩy quyết liệt vấn đề hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng thuận lợi hơn để các thành phần sản xuất có thể đầu tư công nghệ mới, nâng cấp cách nuôi an toàn hơn và giảm chi phí sản xuất.
Vậy giải pháp cấp bách mà ngành tôm cần thực hiện trước hết trong việc hóa giải những vấn đề này là gì, thưa ông?
Theo tôi, cần có vai trò lãnh đạo mạnh để dẫn dắt và kết nối được tất cả các bộ phận của chuỗi giá trị ngành hàng tôm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa lợi ích, cùng chịu trách nhiệm với nhau. Nâng tầm cả một ngành hàng với nhiều thành phần tham gia, có giá trị lớn và hàng triệu người tham gia là vấn đề khó khăn, phức tạp. Nên chăng cơ quan quản lý tổ chức hội thảo chuyên đề để làm rõ mục tiêu nâng tầm và bàn các giải pháp cụ thể để kết nối được các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành hàng tôm. Hội thảo cần tập trung vào mục tiêu chung, giải pháp chung phối hợp để nâng tầm chuỗi giá trị của ngành, tránh chỉ nói về nâng tầm của bản thân các doanh nghiệp vì không phù hợp với mong muốn tìm giải pháp chung của đại đa số người tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng.
Rất nhiều năm nay, Vinhthinh Biostadt luôn sát cánh bên người nuôi tôm, những sản phẩm của Công ty nhận được sự đánh giá cao của bà con nông dân, nhất là công nghệ mới, ông có thể chia sẻ thêm về quá trình đồng hành này của doanh nghiệp?
Chiến lược kinh doanh xuyên suốt của Vinhthinh Biostadt là dựa trên chất lượng sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật cho người nuôi. Chúng tôi luôn tâm niệm giúp người nuôi thành công thì Công ty mới có cơ hội tồn tại và phát triển.
Chúng tôi đang triển khai chương trình “Chuỗi cung ứng giá trị - Hướng đến phát triển bền vững” cùng với khách hàng của mình. Chương trình này cung cấp toàn bộ sản phẩm đầu vào từ con giống, sản phẩm nuôi, thức ăn… cho người nuôi đi cùng chuyển giao kỹ thuật ương vèo mật độ cao, quy trình nuôi 90 ngày và phác đồ phòng bệnh 60 ngày nuôi đầu tiên, tư vấn kỹ thuật nuôi. Qua đó, khách hàng được tiếp cận chuỗi cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng và đồng bộ, truy xuất nguồn gốc nhanh chóng và rõ ràng, trách nhiệm cũng cụ thể. Người tham gia được hỗ trợ nhiều chính sách bảo vệ lợi ích khi hợp tác và giảm chi phí sản xuất. Chúng tôi mong muốn được sự đồng hành của các đơn vị quản lý nhà nước, thức ăn, chế biến và ngân hàng cho chương trình này.
Trân trọng cảm ơn ông!
THU HỒNG (TSVN thực hiện)
Vinhthinh Biostadt là công ty liên doanh nước ngoài với gần 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối: các chế phẩm sinh học, thuốc và hóa chất cải tạo môi trường cho ngành nuôi trồng thủy sản; Giống tôm thẻ chân trắng chất lượng cao; Thức ăn ương vèo; Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nông nghiệp.
Vinhthinh Biostadt với chiến lược kinh doanh xuyên suốt trong ngành nuôi trồng thủy sản là cung cấp các sản phẩm chất lượng hàng đầu trên thế giới đi cùng giải pháp và dịch vụ kỹ thuật hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam để phục vụ khách hàng. Vinhthinh Biostadt có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, năng động, luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho khách hàng ở cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Nguồn: Tạp chí Thủy Sản Việt Nam 10 (401), trang 52-23.