Xác định tầm quan trọng của chương trình cấp quốc gia về chứng nhận cơ sở đảm bảo ATDB động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) trong việc xây dựng tôm giống Việt Nam chất lượng, sạch bệnh, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đang phấn đấu xây dựng cơ sở ATDB nhằm giúp cho nghề nuôi tôm bền vững.
Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ tiêu chuẩn sinh học giống thủy sản Vĩnh Thịnh cho biết: Chúng tôi rất vui khi vừa qua được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB động vật. Để đạt được chứng nhận này, chúng tôi đã xây dựng hệ thống quy trình rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn sinh học cao nhất đối với trại sản xuất giống. Công ty đã trải qua 24 tháng lấy mẫu xét nghiệm liên tục với tần suất cao và đảm bảo tất cả mẫu đều cho kết quả âm tính đối với các loại bệnh. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực lâu dài, đáp ứng các yêu cầu cao về điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy hoạch khu vực sản xuất và quản lý chuyên nghiệp.
Nhân viên Công ty Cổ phần Công nghệ tiêu chuẩn giống thủy sản Vĩnh Thịnh, xã An Hải (Ninh Phước) đóng gói tôm giống sạch bệnh xuất bán ra thị trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, theo quy định cơ sở ATDB phải đảm bảo tất cả mẫu sản phẩm qua quá trình giám sát 24 tháng đều cho kết quả âm tính đối với 3 loại bệnh như: Đốm trắng do vi rút (WSD), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV). Những cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận này là những cơ sở có đầy đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị tốt, hiện đại; có quy mô sản xuất trên 1 tỷ con tôm giống/năm, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học và trình độ nhân lực, cũng như các điều kiện để đảm bảo con giống sạch bệnh, có chất lượng.
Nhằm triển khai tổ chức hướng dẫn thực hiện kế hoạch giám sát ATDB tại cơ sở sản xuất giống thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập Tổ tư vấn ATDB phân công các thành viên trong tổ công tác trực tiếp đến cơ sở để hướng dẫn từ thiết kế, bố trí trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh; xây dựng hệ thống cảnh báo phát hiện sớm dịch bệnh, các quy trình vận hành sản xuất, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, giám sát dịch bệnh tại cơ sở, giám sát các bệnh trên tôm bố mẹ nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất, quản lý thông tin, dữ liệu và hồ sơ, bảo đảm truy xuất thông tin thuận tiện, phù hợp, đầy đủ và chính xác.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận phối hợp với Cục Thú y, Chi cục Thú y Vùng VI tổ chức tập huấn, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị, các nguồn lực khác nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, ATDB và an toàn sinh học tại các cơ sở sản xuất giống; các quy định, điều kiện, tiêu chí đánh giá cơ sở ATDB; hướng dẫn kỹ thuật về công tác xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh tại cơ sở.
Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện toàn tỉnh có 450 cơ sở sản xuất tôm giống với hơn 40 tỷ con/năm, từ năm 2017 đến nay có 17 cơ sở đăng ký giám sát để chứng nhận cơ sở đảm bảo ATDB động vật, nhưng hiện mới chỉ có 8 cơ sở đủ điều kiện được cấp chứng nhận ATDB đối với các bệnh theo quy định. Thực hiện Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản đối với các cơ sở đã được công nhận ATDB sẽ không phải lấy mẫu, để giảm tải xét nghiệm, giảm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp. Không những thế chương trình xây dựng cơ sở ATDB động vật còn góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh tôm giống Ninh Thuận trên thị trường.
Phát huy những ưu thế trong lĩnh vực sản xuất tôm giống và thực hiện các giải pháp quản lý nhằm giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng cơ sở ATDB thủy sản theo tiêu chuẩn OIE, xây dựng chuỗi ATDB thủy sản (bao gồm các khâu từ sản xuất con giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu), xây dựng vùng sản xuất, cơ sở sản xuất tôm bố mẹ ATDB đến các doanh nghiệp trong tỉnh, phù hợp với mục tiêu phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030. Mặt khác, phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực là cán bộ kỹ thuật, chủ cơ sở sản xuất về kiến thức ATDB; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư có lộ trình, nâng số cơ sở đạt chuẩn theo quy định, hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao thương hiệu sản phẩm.