Công nghệ nuôi tôm đơn tính – cuộc cách mạng trong nghề nuôi tôm càng xanh
Các nhà nghiên cứu Israel đã nâng tầm cho ngành nuôi tôm càng xanh ở quốc gia này nhờ công nghệ “bất hoạt gien” có thể chuyển đổi/đảo ngược giới tính của động vật giáp xác. Một nhóm nghiên cứu người Israel đã tìm ra phương pháp cho giao phối giữa tôm đực với nhau, cách làm này có thể giúp tăng sản lượng, tăng lợi nhuận cho người nuôi. Cuộc cách mạng công nghệ gien trong nuôi trồng thủy sản này đã được phát triển trong một phòng thí nghiệm tại đại học Ben-Gurion, thuộc Negev (BGU).
Giáo sư Amir Sagi, chủ tịch Hiệp Hội quốc tế về phát triển và nhân giống các loài giáp xác, được tôn vinh vì đã có những nghiên cứu mở rộng về vai trò điều chỉnh của tuyến tạo đực (Androgenic Gland) trong việc biệt hóa giới tính và tính chất chuyển giới tính của các loài giáp xác. Nhóm của ông đang thu thập và ghi chép lại những điểm chính của công nghệ này, hy vọng trong tương lai sẽ có thể tạo nên những thay đổi lớn trong ngành nuôi trồng các loài tôm nước ngọt.GS Sagi và nhóm của ông đã tạo ra được một công cụ sinh học độc đáo cho phép chuyển giới tính của động vật giáp xác và cho sinh sản đơn tính.
Ông cho biết : “Đây là lần đầu tiên ngành nuôi trồng thủy sản có thể sử dụng một công nghệ bất hoạt gien tiên tiến để làm tăng sản lượng, bởi vì tôm đực lớn nhanh hơn tôm cái, do đó công nghệ phát triển tôm đơn tính này sẽ giúp tăng thu nhập cho người nuôi tôm.”
Kỹ thuật này đã được cấp bằng sáng chế và được cấp phép thông qua BGN Technologies, công ty chuyển giao công nghệ của BGU cho Tập đoàn Tiran, một công ty vận tải Israel điều hành các trại nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc. Tập đoàn Tiran sẽlàm việc với công ty Green Advance Ltd. tại Việt Nam để thực hiện công nghệ này.
1 + 1 = NHIỀU
Tùy viên thương mại của Israel tại Việt Nam, ông Safrir Asaf; Tổng giám đốc tập đoàn Tiran, ông Haim Avioz; và ông Phan Minh Tuấn, Chủ tịch công ty Green Advance, cùng tham gia buổi lễ ký kết thực hiện nghiên cứu công nghệ của giáo sư Sagi tại Việt Nam.
Từ trước đến nay, người nuôi tôm sú ở Việt Nam thường phân biệt giới tính của tôm đực và tôm cái theo phương pháp thủ công.
Với công nghệ mới này thì theo giáo sư Sagi: “Các bạn không phải làm thủ công nữa. Và công nghệ mới sẽ giúp tăng thu nhập cho người nuôi lên đến 60%.”
Sự biệt hóa giới tính ở động vật giáp xác do tuyến tạo đực (androgenic gland) quy định. Nếu chúng ta loại bỏ tuyến tạo đực này ra khỏi tôm chưa thành thục thì sẽ làm đảo ngược giới tính của tôm. Các nhà khoa học Israel cho biết, nhờ áp dụng công nghệ này, những con tôm càng xanh được chuyển đổi giới tính (thành tôm mẹ đặc biệt sinh sản ra toàn tôm đực – neofemale) có thể giao phối với tôm càng xanh đực và cho ra đời những con tôm càng xanh toàn đực.
GS. Sagi cho biết: “Chúng tôi đã cho giao phối giữa từng cặp tôm đực với nhau, và kết quả thu được là tôm con toàn đực”.
GS. Sagi đã có hơn 100 bài đăng trên các tạp chí khoa học, nhận được năm bằng sáng chế và có mười ba tài khoản về gien trong ngân hàng.
Theo ông, công nghệ mới này không những giúp tăng sản lượng mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư (do không cần đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng).
Ngoài ra, ông còn cho biết thêm: “Đây là một công nghệ mang tính bền vững vì không sử dụng bất kì hóa chất hay hooc-môn nào, và cũng không tạo ra các cá thể sinh vật biến đổi gien. Điều này có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật nuôi tôm đơn tính, một kỹ thuật dựa trên phát hiện ban đầu của chúng tôi về một hoóc-môn tạo đực tự nhiên được gọi là androgenic, ảnh hưởng đến giới tính của tôm. Tôm đực lớn nhanh hơn, do đó có thể giúp nông dân tăng thu nhập".
TỪ SA MẠC ĐẾN BÀN ĂN
Tôm là một trong những loại thực phẩm thủy sản phổ biến nhất trên toàn thế giới. Và trong tình hình nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng trong khi nguồn cung cấp từ tự nhiên lại cạn kiệt, chúng ta cần phải làm điều gì đó để giúp cho nông dân có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Việc một đội nghiên cứu trong phòng lab ở sa mạc Negev có thể thay đổi cả ngành tôm nước ngọt toàn cầu nghe có vẻ mỉa mai. Nhưng nhìn vào khía cạnh khác thì chúng ta biết rằng Israel đã từng rất thành công trong kỹ thuật “nuôi cá ở sa mạc”, và thành công này gắn liền với danh tiếng của GS. Sagi – nguyên trưởng khoa Khoa Học Tự Nhiên của Đại học BGU, thành viên của Viện Công Nghệ Sinh Học Quốc Gia ở Negev.
Trao đổi với tạp chí ISRAEL21, GS. Sagi cho biết, nghiên cứu của ông không những sẽ thay đổi (theo hướng tốt hơn) ngành nuôi tôm nước ngọt, mà còn giúp nông dân tăng vụ nuôi, cũng như tăng năng suất nuôi trồng thủy sản nói chung. Đây là một công nghệ sinh học rất tiềm năng, mà nếu đem áp dụng được cho đúng loài nuôi, đúng mùa vụ, thì sẽ giúp mang lại sự thịnh vượng cho mọi người. Nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới đã và đang cố gắng làm điều tương tự. Giờ đây họ đã có thêm được động lực bởi vì chúng ta đều thấy rõ rằng công nghệ này được phát minh ra từ những kiến thức/nguyên lý khoa học rất căn bản.”
Bạn có thể liên hệ với BGN Technologies qua địa chỉ email: bgn@bgu.ac.il
Người dịch:
HÀ THU
Nguồn: http://aquanetviet.org/post/511259/c-ng-ngh-nu-i-t-m-n-t-nh-cu-c-c-ch-m-ng-trong-ngh-nu-i-t-m-c-ng
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản
Zalo - ĐT: 0912 889 542
-
Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp
Zalo - ĐT: 0915446744
HOTLINE0912.889.542