Một trong những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc đánh giá nông dân nuôi cá tra Trung Quốc sẽ lặp lại thành công của những người nuôi tôm hùm đất tại thị trường nội địa.
Chen Dan, chủ tịch của Tập đoàn Quảng Đông Evergreen, cho biết công ty của ông “rất lạc quan” về cá tra và nó sẽ “là một sản phẩm thành công giống như tôm hùm đất”.
Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương, năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 30.000 tấn cá tra. Con số này so sánh với sản lượng tôm hùm đất ước tính của Trung Quốc là 1,12 triệu tấn trong năm 2017 (số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Chen cho biết: Tuy nhiên, việc chuyển đổi các ao sang sản xuất cá tra diễn ra nhanh chóng, được thúc đẩy bởi năng suất cao và lợi nhuận cao hơn so với cá rô phi, một loài cá thịt trắng được nuôi rộng rãi ở miền nam Trung Quốc.
Cá rô phi được sản xuất cho thị trường xuất khẩu, mật độ nuôi tương đối thấp, tỷ lệ chết cao trong thời tiết nóng, trong khi đó cũng có nguy cơ thiếu oxy cao hơn. Cá tra không giống vậy. Cá tra được sản xuất chủ yếu cho thị trường trong nước và sản lượng cao hơn. Việc nuôi cá tra có nhiều lợi thế hơn.
Ông cho biết nông dân nuôi cá rô phi có thể thu hoạch 1.500-2.500 kg mỗi mu mỗi vụ nuôi, trong khi năng suất cá tra đạt gần 5.000kg mỗi mu (1 mu = 666,7 m2).
Hơn nữa, ông lưu ý rằng nông dân có thể kiếm được 5.000-10.000 CNY mỗi mu (745 - 1.490 USD) từ việc nuôi cá tra, so với 1.500 - 3.000 CNY/mu đối với cá rô phi. Ông cho biết chi phí sản xuất tương đối giống nhau, ở mức khoảng 3,50 CNY/kg.
“Mọi người đều biết rằng cá tra hiện có thể chế biến thành rất nhiều món ăn Trung Quốc, nó có lợi thế về giá cả, chất lượng thịt tốt hơn, sản phẩm đặc biệt phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là một sản phẩm hấp dẫn”.
Ông ước tính trong thời kỳ đỉnh cao sản xuất, Trung Quốc sẽ tăng gấp ba lần sản lượng sản phẩm cá tra chế biến vào năm 2019, từ 30 tấn mỗi ngày lên 90 tấn mỗi ngày.
Ông thừa nhận mức sản xuất này vẫn thua xa Việt Nam. Chen lưu ý: Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu cá tra trị giá 529 triệu USD từ Việt Nam.
Năng suất của Việt Nam trên mỗi mu vẫn cao hơn nhiều so với năng suất của các trang trại Trung Quốc. “Điều này là do khí hậu Việt Nam, các thực hành nuôi và cơ sở hạ tầng được thiết lập tốt, và có sẵn cá giống phù hợp với điều kiện môi trường của Việt Nam”.
Ông nói thêm dòng sông Mê Kông chảy nhanh đảm bảo dòng nước tốt trong các ao và trang trại.
Nhưng nông dân Trung Quốc được hưởng lợi từ chi phí hậu cần thấp hơn và sự gần gũi với thị trường.
“Chúng tôi rất lạc quan, sự nhiệt tình của người nuôi cá rô phi Trung Quốc trong việc nuôi cá tra rất cao. Ngoài ra, cả cá rô phi và cá tra đều có thể được chế biến ở quy mô lớn, điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành”.
Yêu cầu kinh nghiệm
Chen kêu gọi các công ty Trung Quốc tăng sản lượng cá giống, lưu ý giá vẫn còn quá cao, trong khi tỷ lệ sống thấp. Hơn nữa, nông dân thường xuyên thả giống không đúng thời điểm trong năm; chỉ bốn tháng trong năm là thích hợp để nuôi cá tra ở Quảng Đông.
Vào tháng 12/2018, một đợt rét đậm ở miền nam Trung Quốc đã khiến cá tra chết hàng loạt.
Một số nông dân sử dụng thức ăn cho cá rô phi khi nuôi cá tra. Theo Chen, điều này có thể dẫn đến các vấn đề với thịt màu vàng khiến người mua thấy khó chịu.
Ông cho biết: “Khi nông dân sử dụng thức ăn có mục đích, điều này dẫn đến tỷ lệ thịt vàng giảm 95%”.
Trong khi đó, khi thu hoạch với khối lượng lớn, nông dân có thể thấy thị trường không thể hấp thụ được sản lượng này, gây ảnh hưởng đến giá bán tại trang trại.
Ông yêu cầu công ty nuôi trồng thủy sản cố gắng đương đầu với khó khăn, cải thiện chất lượng cá giống, đảm bảo thời gian thả giống chính xác và cải thiện tỷ lệ sống. Ông nói thêm sự suy giảm của ngành tôm thẻ chân trắng khổng lồ Trung Quốc nên đóng vai trò cảnh báo cho các công ty “không hành động thụ động”.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn