Trong khi các mặt hàng như cá tra, cá ngừ, hải sản xuất khẩu đều giảm, thì xuất khẩu tôm Việt Nam quý đầu năm nay vẫn khả quan hơn khi tăng trưởng nhẹ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp trên toàn thế giới.
Điểm nhấn thị trường Mỹ
Điểm nhấn trong xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm 2020 đó là xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Trong bối cảnh xuất khẩu bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Thị trường Mỹ hiện đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18,4% tổng giá trị xuất khẩu. Chỉ tính riêng quý I/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến mặt hàng tôm vào thị trường này bị đình trệ. Tuy nhiên, tại các hệ thống bán lẻ vẫn thu mua hàng hóa bình thường nhằm đáp ứng nguồn hàng thiếu do người tiêu dùng Mỹ đổ xô mua đồ trích trữ từ đầu dịch. Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút do lệnh phong tỏa quốc gia, khách hàng Mỹ quay sang mua tôm Việt Nam.
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ đang tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng, thay đổi quy cách đóng gói để phù hợp với phân khúc bán lẻ cho thị trường.
Nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23/3 và kéo dài đến 18/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Cùng với đó, do lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Giá tôm nguyên liệu tại Ấn Độ tính tới tháng 4 giảm mạnh, ảnh hưởng tới tâm lý người nuôi ngại thả giống, nguồn cung nguyên liệu tại Ấn Độ có thể giảm.
Doanh nghiệp tận dụng cơ hội hậu Covid-19
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nếu dịch Covid-19 được giải quyết cơ bản cuối quý II/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu Covid-19, nhất là những thị trường lớn, tiềm năng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thực phẩm Sao Ta (FMC), cơ cấu thị trường của FMC tập trung vào 3 thị trường chính là EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Hiện nay, chưa có khách hàng nào từ các thị trường này tỏ ý kiến gặp khó khăn trong kinh doanh. Thị trường Hàn Quốc, tuy nhỏ, chiếm 5-6% thị phần cũng đang ổn định. Hiện nay, FMC đang nỗ lực mở rộng thêm thị trường Úc.
Trong đó, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay nhờ tăng trưởng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong tháng 2/2020, với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 1 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.
Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, từ đầu tháng 4/2020, giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang dần tăng trở lại. Việc giá tôm nhích lên mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới, tạo nguyên liệu cho xuất khẩu tôm.
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP, để tạo vùng nguyên liệu cho xuất khẩu, đơn vị đã khiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7 đến tháng 8/2020 khi các doanh nghiệp có cơ hội lớn về thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước sản xuất cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.
Tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.
Nguồn: tepbac.com