(Vasep.com.vn) Năm 2013, giá tôm trên thị trường thế giới liên tục xác lập những mốc kỷ lục mới. Giá tôm chân trắng tăng nhanh hơn so với mức tăng của tôm sú. Ở một số cỡ, giá tôm chân trắng, trước đây “lép vế” hơn so với tôm sú do hạn chế về kích cỡ, nhưng năm vừa qua đã đạt mức giá “ngang ngửa” hoặc thậm chí cao hơn so với tôm sú cùng cỡ.
Nhu cầu trên thị trường thế giới chịu ảnh hưởng của nguồn cung khan hiếm đã tác động mạnh lên giá tôm trong suốt năm 2013 và xu hướng này hiện vẫn đang duy trì.
Nhu cầu và giá tôm chân trắng tăng mạnh
Năm 2013 thị trường tôm thế giới trở nên “khủng hoảng” do sản lượng tôm chân trắng từ 2 nước sản xuất lớn nhất là Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh, trong đó, sản lượng tôm của Thái Lan ước giảm tới 50%. Giá tôm chân trắng theo đó leo dốc, tăng 4 USD/kg trên thị trường Mỹ, EU và tăng từ 3-5 USD/kg trên thị trường Nhật Bản.
Tháng 1/2014, xu hướng tăng giá tôm chân trắng vẫn tiếp tục tại 3 thị thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất này do nguồn cung tiếp tục khan hiếm bởi nhiều nước sản xuất mới bước vào vụ thả nuôi.
Trên thị trường Mỹ, giá tôm chân trắng vẫn đứng mức cao ngay từ những ngày đầu năm với 6,30 USD/pao (12,50 USD/kg) và tăng lên 6,50 USD/pao (13 USD/kg) trong tháng 2.
Trên thị trường EU, Ecuador hiện đang là nước cung cấp chính tôm chân trắng do Thái Lan, Ấn Độ và nhiều nước Trung Mỹ đã qua vụ thu hoạch. Giá tôm chân trắng trên thị trường này vẫn đứng mức cao và tiếp tục tăng nhẹ. Đến giữa tháng 1/2014, giá tôm HOSO cỡ 40/50 của Ecuador tăng lên 9,75 USD/kg từ 9,50 USD/kg hồi đầu tháng.
Thông tin thị trường tôm Nhật Bản cho thấy, cuối tháng 1/2014, giá tôm chân trắng vẫn tiếp tục tăng trong khi giá tôm sú tăng, giảm tùy theo tuần. Tính đến ngày 20/1/2014, tôm chân trắng HLSO NK vào Nhật Bản có giá bán cao hơn 5USD/kg so với tôm sú. Tôm sú HLSO cỡ 21/25 Indonesia có giá 10,7 USD/kg trong khi tôm chân trắng cùng cỡ và xuất xứ được NK vào thị trường này với giá 15,5 USD/kg.
Tăng “chóng mặt” diện tích nuôi tôm chân trắng tại Việt Nam
Năm 2013 được coi là một năm thắng lợi đối với nhiều hộ nuôi tôm ở Việt Nam, đặc biệt là nuôi tôm chân trắng do được giá cũng như dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Nhu cầu và giá tiếp tục gia tăng trên thị trường thế giới đang hậu thuẫn cho nhiều hộ nuôi tôm tại các vùng nuôi trọng điểm ở ĐBSCL tiếp tục mở rộng diện tích thả nuôi loài tôm này.
Năm 2013, diện tích nuôi tôm chân trắng tăng 57,9% so với năm 2012 và sản lượng tăng 50,5%. Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về nuôi tôm chân trắng và cũng là địa phương có tốc độ gia tăng nhanh diện tích nuôi tôm chân trắng. Diện tích nuôi tôm chân trắng của tỉnh này tăng 10 lần từ 1.500 ha năm 2012 lên 15.686 ha, sản lượng tăng từ 13.580 tấn lên 45.500 tấn. Trước thành công của tôm chân trắng năm qua, năm nay, hoạt động nuôi loài tôm này sôi động hơn nhiều, diên tích và sản lượng sẽ tăng mạnh và ngay trong quý I đã có xu hướng tăng đột biến. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hết tháng 1/2014, mới có 7.034 ha tôm chân trắng được thả và 120.441 ha tôm sú, nhưng theo đánh giá của Tổng cục, đến cuối Quý I/2014 sẽ có đến 162.397 ha tôm chân trắng được thả (tăng lên hơn 23 lần) và tôm sú chỉ dừng lại ở 124.960 ha.
Tuy nhiên, dù tôm chân trắng đóng góp một phần không nhỏ trong thành công 3,1 tỷ USD giá trị XK năm vừa qua, việc mở rộng quá nhanh diện tích nuôi sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch và bùng phát dịch bệnh do chất lượng con giống khó kiểm soát. Do vậy, đây sẽ là cơ hội và thuận lợi cho ngành tôm trong năm 2014 nếu việc tăng cường kiểm soát thả nuôi và kiểm soát dịch bệnh được cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo chất lượng, ổn định nguồn cung tôm nguyên liệu, ổn định sản xuất và duy trì phát triển bền vững.
Nguồn: http://www.vasep.com.vn