Nuôi cá tra sau thời kỳ hoàng kim, người nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá cá thương phẩm thấp, dịch bệnh, thoái hóa con giống và đặc biệt là giá thức ăn liên tục tăng cao, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Với sản lượng vài trăm tấn/ha, chỉ cần lỗ 500 đồng/kg cá nuôi, người nuôi đã mất hàng tỷ đồng.
Biến chuyển nghề nuôi cá tra cũng vì vậy mà từ lúc có nhiều người dân tham gia, nay thì phần lớn các doanh nghiệp lớn đang nắm thế chủ đạo. Hầu hết các vùng nuôi lớn đều nằm trong tay các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, người nuôi khó lòng có thể tham gia nuôi vì chi phí cho một 1ha nuôi cá là quá lớn.
Chi phí thức ăn chiếm trên 70% chi phí của vụ nuôi là trở ngại lớn cho người nuôi tham gia bên cạnh giá thương phẩm cá tra thường xuyên thấp hơn giá thành sản xuất. Cần có những nghiên cứu mới làm thay đổi bộ mặt ngành nuôi cá tra nhằm giúp cho người nuôi cá có thể quay trở lại nghề của mình.
Thạc sỹ Phạm Thị Thu Hồng và cộng sự thuộc Chi cục Thủy Sản Vĩnh Long trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ tư năm 2012 - 2013 đã trình bày một giải pháp hết sức sáng tạo giúp giảm thiểu chi phí thức ăn có thể sẽ giúp cho nghề nuôi cá tra Việt Nam chuyển biến đột phá về kỹ thuật trong tương lai. Nội dung chính của nghiên cứu này được trình bày chi tiết bên dưới trên Báo Vĩnh Long Online.
Sau 9 tháng triển khai phương pháp cho ăn gián đoạn với 2 nhịp ngưng khác nhau (cho ăn liên tục 3 ngày ngưng 1 ngày, cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày) và phương pháp cho ăn bình thường (liên tục không ngưng) và theo dõi tăng trưởng của cá nuôi ở 3 kiểu cho ăn, bước đầu nhóm thực hiện đã có kết luận.
Cụ thể như sau: cá cho ăn 7 ngày ngưng 2 ngày có tốc độ tăng trưởng và tăng trọng lớn nhất (749 g/con và 3,68 g/con/ngày) trong khi chi phí thức ăn lại thấp nhất, ít sử dụng thuốc và hóa chất do giảm được dịch bệnh từ ô nhiễm môi trường, đồng nghĩa với lợi nhuận đạt cao nhất.