Trong bản báo cáo đăng trên tạp chí Nature Genetics, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Nông Sinh học quốc gia Nhật Bản ở Tsukuba cho biết họ đã phát hiện ra một loại gen đặc biệt trong một giống lúa có tên là Kinandang Patong được trồng tại các vùng núi khô hạn Philippines. Đặc tính nổi bật của nó là bộ rễ của nó cắm xuống đất rất sâu và phát triển thẳng xuống phía dưới, xuyên qua các lớp đá sỏi để hút nước. Điều này trái ngược hoàn toàn với hệ thống rễ nông và có xu hướng lan ra chung quanh của các giống lúa nước thông thường.
Các nhà khoa học đã xác định được loại gene di truyền đóng vai trò tạo ra bộ rễ đặc biệt này và đặt tên nó là DR01. Họ đã cấy loại gene này vào một giống lúa IR64, hiện đang được trồng rất phổ biến ở khu vực châu Á. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thử trồng giống lúa mới này và giống IR64 tiêu chuẩn trên các cánh đồng ở vùng núi cao theo ba loại điều kiện thời tiết: không bị khô hạn, tương đối khô hạn và hạn hán khắc nghiệt.
Ở các cánh đồng tương đối khô hạn, sản lượng từ giống IR64 chỉ giảm khoảng 42% so với sản lượng lúa ở các cánh đồng không khô hạn. Còn ở các cánh đồng lúa hạn hán khắc nghiệt, toàn bộ vụ lúa đã bị hủy hoại. Ngược lại, điều kiện thời tiết tương đối khô hạn hầu như không tạo ra tác động gì đối với giống lúa IR64 được cấy gene di truyền DR01. Còn trên các cánh động hạn hán khắc nghiệt, sản lượng của giống lúa này cũng bị giảm xuống khoảng 30%.
Ông Yusaku Uga, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khẳng định rằng giống lúa mới được lai tạo này rất phù hợp với để canh tác trên các vùng núi cao không có hệ thống thủy lợi và các vùng đất thấp ít mưa. Nhóm nghiên cứu còn có kế hoạch thử nghiệm đưa gene DRO1 trên các giống lúa khác ở châu Mỹ Latin.
Theo tính toán của Liên hợp quốc, đến giữa thế kỷ này, dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9,6 tỷ người và có thể lên tới 10,9 tỷ người vào năm 2100. Để có đủ lương thực nuôi sống toàn bộ số dân khổng lồ này đòi hỏi phải có một chiến dịch chống việc lãng phí lương thực, sử dụng đất đai, nước, phân bón và thuốc trừ sâu một cách thông minh hơn.
Ngoài ra, cần phải có sự đổi mới trong ngành nông nghiệp để lựa chọn và tạo ra các giống lúa cao sản hoặc kháng cự tốt trước các điều kiện khí hậu. Trong những năm 1960, việc cải tiến các giống lúa đã giúp tạo ra một cuộc Cách mạng Xanh, làm tăng đáng kể sản lượng mùa màng ở Trung Quốc và các quốc gia sử dụng gạo khác, giúp các nước này tránh được các nguy cơ xảy ra nạn đói.
Nguồn từ nhandan.com.vn