Việc Chính phủ đưa ra giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu là không trồng lúa, các loại cây ăn trái ở những nơi đã bị mặn hóa và thay thế bằng phát triển nuôi thủy sản với đối tượng chủ lực là tôm có thể coi là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp trên cả nước, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng bài toán khó ấy đã có thể tìm được một phần lời giải tại Hội nghị phát triển ngành tôm tại Việt Nam diễn ra ngày 6/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đó là quyết tâm biến ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới; khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm và phấn đấu trở thành một "công xưởng sản xuất tôm của thế giới".
Đồng tình với việc Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra giải pháp thích ứng là không trồng lúa và các loại cây ăn trái ở những nơi đã bị mặn hóa mà thay thế vào đó là phát triển nuôi thủy sản và đối tượng chủ lực được lựa chọn là tôm sú (Penaeus monodon) và tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei), Hội Nghề cá Việt Nam có đưa ra một số giải pháp trong tổ chức sản xuất, đầu tư kỹ thuật và quản lý theo chuỗi khép kín và hoàn chỉnh.
Quy hoạch lại vùng nuôi
Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài, dẫn tới yêu cầu tất yếu là các quy hoạch về nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng đã được lập trước đây cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.
Căn cứ quy hoạch tổng thể theo từng khu vực lãnh thổ, chúng ta sẽ xây dựng quy hoạch chi tiết của từng địa phương đến từng vùng nuôi.
Theo đó, việc quy hoạch chi tiết có thể theo hướng phân thành 6 vùng nuôi tôm, gồm: Vùng nuôi tôm chuyên canh tại rừng ngập mặn (tôm sinh thái); vùng nuôi tôm kết hợp, khi mùa khô độ mặn lên cao nuôi tôm và mùa mưa độ mặn giảm thấp trồng lúa; vùng nuôi tôm vào mùa mưa khi độ mặn giảm và nuôi Actemia (loại thức ăn của ấu trùng tôm hiện chủ yếu phải nhập ngoại) vào mùa khô khi độ mặn tăng cao; vùng nuôi tôm chung với các loại thủy sản có giá trị kinh tế; vùng nuôi tôm bao gồm nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ; vùng nuôi tôm công nghệ cao.
Việc lập quy hoạch là biện pháp quan trọng hàng đầu để định hướng trong việc triển khai các vùng nuôi sau này.
Công tác quản lý ngành tôm nên quy về một mối
Cả nước hiện có trên 1.300 trại tôm giống, nhưng riêng 2 hệ thống sản xuất, do nước ngoài quản lý là CP và Việt Úc đã cung cấp tới 40% nhu cầu tôm giống. Các trại giống tôm do người Việt Nam làm chủ, hầu hết có công nghệ lạc hậu; bố trí các khu chức năng và quản lý sản xuất không bảo đảm an toàn sinh học, do vậy chất lượng tôm giống không ổn định, tỉ lệ nhiễm bệnh cao, nên ít được người nuôi tôm thương phẩm lựa chọn.
Hiện nay, chúng ta có 2 quy chuẩn quốc gia cho trại giống là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở sản xuất giống thủy sản – điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Chi cục Thủy sản thực hiện kiểm soát và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ - điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường do Cục Thú y/Chi cục Thú y kiểm soát.
Việc kiểm tra chất lượng con giống cũng được chia cho 2 cơ quan: Kiểm tra kích thước, màu sắc, phản xạ của tôm giống do Chi cục Thủy sản các tỉnh thực hiện. Còn kiểm tra tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng) trong tôm giống do Chi cục Thú y thực hiện.
Hình thức quản lý như trên đã gây nhiều khó khăn, tốn kém cho các trại sản xuất tôm giống và hiệu quả kiểm soát không cao.
Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề xuất xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia “Trại sản xuất tôm giống - Điều kiện an toàn sinh học”, để thay thế cho 2 Quy chuẩn hiện có. Sau đó thực hiện kiểm soát chặt chẽ tại tất cả các trại tôm giống và chỉ những trại đáp ứng quy chuẩn này mới được phép sản xuất và bán tôm giống ra thị trường.
Đối với công tác quản lý Nhà nước, nên giao cho một đầu mối là Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản ở địa phương quản lý trại giống, chất lượng tôm giống; quản lý sản xuất, kỹ thuật, kiểm soát bệnh, dịch trong quá trình nuôi tôm thương phẩm.
Một bất cập nữa trong công tác quản lý Nhà nước là, sau khi Luật Thú y ra đời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT tách sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản thành 2 nhóm, nhóm 1 có tác dụng diệt khuẩn trong nước nuôi thủy sản do Cục Thú y quản lý như quản lý thuốc thú y và nhóm 2 có tác dụng điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường nước nuôi thủy sản như ôxy hòa tan, độ mặn, độ kiềm, độ pH, NH3… được giao cho Tổng cục Thủy sản quản lý theo trình tự thủ tục quản lý thức ăn chăn nuôi.
Việc tách chia và phân công quản lý như trên không phù hợp với phân loại sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản của thế giới và không phù hợp với phân công trước đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gây rất nhiều khó khăn, phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc trị bệnh; sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản.
Do vậy, theo chúng tôi, vẫn giữ nguyên sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản là một nhóm và cơ quan quản lý sản phẩm này là Tổng cục Thủy sản/Chi cục Thủy sản các địa phương như trước đây.
Tạo chuỗi liên kết từ ao nuôi đến tiêu thụ
Hiện nay cả nước có 475 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thủy sản an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào các quốc gia thuộc EU, Mỹ, Nhật (là những thị trường có yêu cầu an toàn thực phẩm cao nhất thế giới), nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long, mới có 5 doanh nghiệp chế biến tôm, đồng thời có vùng nuôi tôm. Những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm từ khâu nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm (nếu nguyên liệu tôm được thu hoạch từ đầm nuôi của công ty).
Hình thức liên kết giữa công ty chế biến với người nuôi tôm thông qua việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đã có, nhưng chưa nhiều và chưa bền vững.
Do vậy, phần lớn nguyên liệu tôm cho chế biến, các doanh nghiệp phải trực tiếp mua từ các chủ đầm nuôi hoặc mua qua thương lái và phải gánh chịu nhiều rủi ro như hóa chất, kháng sinh sử dụng trong nuôi tôm hoặc trong bảo quản nguyên liệu; các loại tạp chất lẫn trong chất dịch được bơm vào tôm nguyên liệu để kiếm lợi bất chính… Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng các lô hàng tôm của Việt Nam bị trả về từ các quốc gia nhập khẩu khoảng 1-3% mỗi năm (tương đương hàng chục triệu USD).
Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước cần sớm có chính sách “mở rộng hạn điền” cho phép tích tụ đất nuôi, trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng với thời hạn cho thuê 50 năm (theo Luật Đất đai hiện tại là 20 năm), cho vay vốn ưu đãi để phát triển vùng nuôi tôm đáp ứng yêu cầu VietGAP.
Đồng thời, đưa vào Bộ luật Hình sự sửa đổi tội danh bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với khung hình phạt đủ sức răn đe, nâng cao tính pháp lý của hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp chế biến với người nuôi tôm hoặc các đại lý cung cấp tôm nguyên liệu.
Có chiến lược xây dựng thương hiệu phạm vi toàn cầu
Sản phẩm tôm của Việt Nam đã được bán cho khoảng 150 quốc gia, nhưng khi vào siêu thị của các quốc gia này, thì số bao bì bán lẻ mang tên công ty chế biến của Việt Nam chưa nhiều và những dạng sản phẩm đặc biệt mà người dùng muốn mua, phải tìm đến thương hiệu của công ty Việt Nam lại càng ít hơn. Đây là một yếu tố dẫn tới giá tôm Việt Nam không cao hơn giá của mặt bằng chung của thế giới.
Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên xây dựng băng hình mô tả quá trình sản xuất tôm của Việt Nam (từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến đến xuất khẩu gắn với bảo vệ môi trường và môi sinh), quảng bá rộng rãi băng hình theo nhiều hình thức và được cập nhật hằng năm.
Cùng với đó là xây dựng giáo trình hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chế biến tôm và tổ chức đào tạo miễn phí cho tất cả các đối tượng muốn tham gia. Cải tiến hình thức tham gia hội chợ quốc tế trong đó Nhà nước ưu tiên tài trợ cho các hoạt động quảng bá thương hiệu của quốc gia và từng doanh nghiệp.
Đối với rào cản an toàn thực phẩm, cần hướng dẫn cho người nuôi biện pháp kiểm soát tốt môi trường mà không dùng đến hóa chất, kiểm soát bệnh, dịch trong nuôi tôm thông qua việc thực hiện tốt Chương trình an toàn sinh học hoặc mức độ cao hơn là áp dụng VietGAP; quảng bá sâu, rộng và mạnh mẽ các chương trình kiểm soát mà Việt Nam đã thực hiện, để cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu và người tiêu dùng nước ngoài từ chỗ có lòng tin và yên tâm khi sử dụng, tiến tới yêu thích sử dụng sản phẩm tôm của Việt Nam.
Đối với các rào cản kỹ thuật khác, Nhà nước nên tăng cường mạng lưới thông tin thị trường, dự báo sớm những rào cản có thể bị áp đặt ở từng quốc gia đối với sản phẩm tôm Việt Nam, để doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó; thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn về biện pháp kỹ thuật chống lại sự áp đặt của các loại rào cản nói trên.
Nguồn: baochinhphu.vn