Là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam hiện đang phụ thuộc lớn vào giống nhập ngoại. Cho dù, giống cây trồng được cha ông ta coi trọng sau nước, phân bón, sự cần cù…
Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đã gần đạt mốc 1 tỷ USD. Song theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra tới nửa tỷ USD để nhập khẩu giống rau củ quả. Cụ thể năm 2013, Việt Nam đã chi ra 500 triệu USD để nhập khẩu 8.000 tấn hạt giống các loại nhằm cung ứng cho 700.000 ha sản xuất rau của cả nước. Năm 2014, ước tính Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD rau, củ quả thì cũng phải bỏ ra khoảng 50% số tiền này để nhập khẩu giống.
Điều đáng nói, ngay từ những hạt giống rau truyền thống, thân thuộc với người Việt Nam như bầu bí, cà chua, rau cải… cũng là nhập từ Trung Quốc. Khảo sát tại các vùng trồng rau lớn trên địa bàn Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng… cho thấy, các điểm cung cấp hạt giống rau phần lớn đều bán giống rau Trung Quốc, như các loại rau cải, su hào, bắp cải, rau dền…
Anh Hảo, chủ đại lý rau giống lớn nhất Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, cả cửa hàng gần như không có giống nội. “Giống trong nước” chủ yếu là của nông dân tự làm để phục vụ cho chính họ. Tại những vùng rau chuyên canh lớn như Vân Nội (Đông Anh), Đặng Xá (Gia Lâm)… hằng năm, mỗi gia đình phải mất hàng chục triệu đồng tiền giống rau. Chị Ngô Thị Thủy, thôn Đầm, xã Vân Nội cho hay, trung bình mỗi năm, chi phí hạt giống rau, củ của gia đình chị mất khoảng 80-90 triệu đồng, những hộ gieo trồng với diện tích lớn có thể lên tới cả vài trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay, gần như 100% hạt giống rau các loại trên địa bàn Hà Nội là hàng “ngoại”, chỉ chiếm một lượng không đáng kể là hạt giống trong nước. Cụ thể hơn, kết quả kiểm tra từ Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội tại một số công ty cung cấp hạt rau giống lớn cũng cho thấy, phần lớn đều nhập khẩu hạt giống từ Trung Quốc, sau đó về đóng gói, bán ra thị trường. Chưa kể nhiều cửa hàng đang bán cho nông dân những hạt giống rau ngoài luồng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tất nhiên khi trồng thì… không đạt kết quả.
Ví như, cuối năm 2013, lực lượng chức năng kiểm tra tại Công ty TNHH Giống cây trồng Hoàng Nông (Tam Trinh, quận Hoàng Mai) phát hiện, 3.000 gói hạt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng loạt gói hạt rau củ không đảm bảo chất lượng như cải củ, su hào xuất xứ từ Công ty Hubei Kangxin Agro Industry (Trung Quốc) tỷ lệ hạt nẩy mầm rất thấp…Là nước khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất rau quả với nguồn gene phong phú. Thế nhưng, tại sao chúng ta lại phụ thuộc vào giống nhập khẩu?.
Theo GS – VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, việc nước ta phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống, một phần do… cơ chế và chính sách của Nhà nước chưa tạo ra được hành lang thông thoáng và hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc, trong khi ngành chế biến hạt giống đòi hỏi công nghệ cao, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Tổng Giám đốc một công ty giống cây trồng đồng tình: “Để nghiên cứu được một giống cây trồng mới, bình quân công ty phải chi trả từ 10 – 12 tỷ đồng, chưa kể khoảng 4 tỷ đồng/vụ cho khâu thương mại, tiếp thị đến tay nông dân…”.
Theo TS Lê Hưng Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, sở dĩ chúng ta phải nhập khẩu nhiều hạt giống do chúng ta chưa có khả năng tạo ra các tổ hợp bố mẹ. Đơn cử việc nhập khẩu giống ngô lai, lúa lai chỉ được sử dụng và phát triển trong vài năm, sau đó sẽ bị thoái hóa và tiếp tục nhập khẩu, như một vòng luẩn quẩn.
Trước thực tế phải bỏ nhiều vốn mà lợi nhuận thì “chưa thấy đâu” nên các công ty giống của Việt Nam thích nhập khẩu hạt giống về bán hơn là bỏ tiền để nghiên cứu. Cũng bởi tiềm năng về nông nghiệp nên Việt Nam đã trở thành miếng bánh béo bở cho các tập đoàn, công ty giống thế giới kiếm lời khổng lồ. Cục Trồng trọt thừa nhận, Việt Nam có hàng trăm công ty giống cây trồng nhưng phần lớn trong số đó là công ty thương mại, chủ yếu nhập khẩu giống từ Trung Quốc về bán lại cho người dân.
Và như vậy, nói như GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Di truyền cho rằng: “Chúng ta sản xuất lúa gạo, cà phê nhưng phụ thuộc giống, phân bón, thuốc BVTV thì tinh hoa nhất của sản xuất thuộc về người khác, chúng ta là anh nông dân của thế giới”(!?)
Nguồn: http://nguyentandung.org
HOTLINE0912.889.542