Vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị phát triển nghề nuôi tôm nước lợ và triển khai kế hoạch năm 2017. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Năm 2016 là một năm khó khăn đối với nghề nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm ở Kiên Giang vẫn đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016, toàn tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi với diện tích 106.610ha (tăng 3,77% so kế hoạch), tổng sản lượng đạt gần 58.000 tấn. Để đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực của người dân cũng như sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của các cấp các ngành và địa phương. Bên cạnh đó, có sự đóng góp rất quan trọng của mô hình CLB nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trong việc tập hợp, kết nối người nuôi để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi tôm tỉnh Kiên Giang đang gặp phải một số khó khăn như cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, tiếp cận vốn cho sản xuất, chất lượng con giống còn hạn chế. Hơn nữa, thách thức do biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải chuyển đổi cho thích ứng.
Tại Hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp điều kiến nghị giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng và công nhân lao động đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần xử lý dứt điểm tình trạng người dân bao chiếm đất trái phép để doanh nghiệp có thể thả nuôi hết diện tích được giao; đồng thời kiến nghị nạo vét các kênh mương để nâng chất lượng nguồn nước, góp phần đảm bảo giao thông đường thủy; đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nguồn lao động phổ thông…
Năm 2017, ngành nông nghiệp Kiên Giang triển khai kế hoạch thả nuôi diện tích 113.000ha, với 3 đối tượng thả nuôi là tôm sú, chân trắng và càng xanh, sản lượng 63.000 tấn. Trong đó, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp 2.600ha (sản lượng 16.240 tấn), tôm – lúa 89.000ha (40.838 tấn) và quảng canh cải tiến 21.400ha (5.922 tấn). Trong năm, có 10 doanh nghiệp đăng ký nuôi công nghiệp với diện tích 883ha, sản lượng 12.264 tấn (năng suất bình quân 13,9 tấn/ha). Đến thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đang cải tạo ao nên diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch còn thấp. Dự kiến trong quý I, các doanh nghiệp sẽ thả giống cho vụ nuôi mới với diện tích 225 ha, sản lượng thu dự kiến 1.961 tấn.
Hiện toàn tỉnh đã tiến hành thả giống nuôi được 62.355ha, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ. Để phát triển diện tích thả nuôi trên, nhu cầu tôm giống cần khoảng 8 tỷ con, trong khi sản xuất trong tỉnh chỉ đạt 3,5 tỷ con, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác, chủ yếu là khu vực miền Trung.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra và phát huy hơn nữa thế mạnh của tỉnh trong phát triển nuôi tôm, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm, xử lý tốt nguồn nước để nâng cao chất lượng và phòng chống dịch bệnh trên con tôm; tăng cường công tác kiểm dịch con giống; nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển nuôi tôm nước lợ; đổi mới các mô hình để phát huy tiềm năng của từng vùng. Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, yêu cầu UBND cấp huyện phải kiên quyết xử lý, các vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh để xử lý.
Nguồn: www.fistenet.gov.vn