Thực hiện phương châm “Việc gì khó dành cho ngành chức năng - Việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”, Bạc Liêu đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Với sự đồng hành, sát cánh của lãnh đạo tỉnh, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thật sự hài lòng về môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó quyết định gắn bó và chung sức cùng Bạc Liêu phát triển.
Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt
Được tham gia dự án là vinh dự của doanh nghiệp
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là dự án quy mô, được Chính phủ phê duyệt với mục đích thực hiện các mô hình có hàm lượng kỹ thuật cao, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam để chuyển giao cho cả nước. Việc Công ty Cổ phần công nghệ tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh (Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt) được UBND tỉnh lựa chọn tham gia dự án là một vinh dự và cũng là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để ý tưởng này của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh trở thành hiện thực và thành công.
Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt sẽ chuyển giao mô hình ương vèo siêu thâm canh và quy trình nuôi sinh học (do Công ty phối hợp với Tập đoàn Zeigler Hoa Kỳ thực hiện) cho người nuôi tôm công nghiệp Bạc Liêu. Mô hình này sẽ bảo vệ tôm tốt nhất trong 30 - 45 ngày đầu tiên (giai đoạn nuôi khó khăn, nguy hiểm nhất trong vụ sản xuất tôm 90 - 120 ngày) nhằm tránh các bệnh gan tụy, chết sớm. Việc kết hợp với quy trình nuôi sinh học khi thả tôm ra ao nuôi thịt (sau 1 tháng tuổi ương vèo) sẽ giúp tôm khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, không phải sử dụng kháng sinh trị bệnh… Qua đó, kết quả nuôi sẽ tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm cho xuất khẩu. Đây là mục tiêu nuôi bền vững và an toàn.
Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt sẽ đầu tư 3 mô hình nuôi khác nhau trên dự án này. Mỗi mô hình sẽ phù hợp với từng nhóm đối tượng người nuôi có năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật khác nhau. Việc làm này nhằm mục đích nâng cao hơn nữa năng lực nuôi hiện nay cho tất cả mọi đối tượng, chứ không chỉ cho một nhóm nhỏ nào đó có khả năng tài chính.
Ông Trịnh Công Vinh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bạc Liêu
Người dân ưu tiên dùng sản phẩm của doanh nghiệp
Đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bạc Liêu đã có hơn 10 năm thành lập và phát triển tại Bạc Liêu. Hơn 380 triệu lít bia đã được sản xuất và đảm bảo cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Sản lượng bia hàng năm luôn tăng, từ đó đơn vị đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; đóng góp 14 tỷ đồng cho quỹ An sinh xã hội của tỉnh; góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm với thu nhập khá ổn định cho hơn 200 lao động.
Có thể nói, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bạc Liêu ngày càng phát triển không chỉ nhờ vào sự nỗ lực của tập thể doanh nghiệp, mà còn có sự quan tâm, đồng hành, sẻ chia của lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng và địa phương. Ngoài các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đơn cử như tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh thu phí hạ tầng cho đơn vị, việc báo cáo và nộp thuế điện tử cũng được ngành chức năng hướng dẫn tận tình. Đặc biệt, chúng tôi cảm thấy vui mừng khi tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền để người dân ưu tiên dùng các sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tại địa phương.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu
Doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm và đồng hành của lãnh đạo tỉnh
Tập đoàn Việt - Úc đầu tư vào Bạc Liêu năm 2009. Hiện nay, chúng tôi có những dự án khá lớn tại địa phương như: Công ty giống Việt Úc - Bạc Liêu; khu nuôi ở Việt Úc - Hòa Bình; khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại TP. Bạc Liêu.
Trong thời gian đầu tư tại Bạc Liêu, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của lãnh đạo tỉnh. Trong quá trình phát triển tại Bạc Liêu, chúng tôi nhận thấy Bạc Liêu chính là môi trường đầu tư vô cùng tiềm năng. Bên cạnh những chính sách thu hút, thì lợi thế để Bạc Liêu phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực ngành tôm ngày càng nâng lên một tầm cao mới. Bởi Bạc Liêu không chỉ có diện tích nuôi trồng thủy sản đứng thứ hai cả nước, mà còn có những ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu.
Để Bạc Liêu nhanh chóng thực hiện được mục tiêu trở thành thủ phủ tôm cả nước, thiết nghĩ, tỉnh nên tiếp tục phát huy những lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là tiếp tục có những đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, năng động; chú trọng mời gọi và thu hút những doanh nghiệp, nhà đầu tư có uy tín, năng lực, kể cả những ngành bổ trợ cho ngành tôm…
Ông Ngô Xuân Pha, Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Bảo Toàn
Vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển
Khi chọn Bạc Liêu để đầu tư kinh doanh, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về địa phương và nhận thấy vùng đất này có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Trước hết, vùng đất này mang giá trị về lịch sử - văn hóa vô cùng độc đáo. Đồng thời Bạc Liêu là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng bán đảo Cà Mau, có vị trí đặc biệt quan trọng, rất thuận tiện cho việc giao lưu với các tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang… Hơn nữa, Bạc Liêu là vùng đất của văn hóa tâm linh, thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài, đường quốc lộ thông thoáng, nối liền các tỉnh… Vì thế rất thuận lợi để khai thác, phát triển về du lịch và giao lưu kinh tế - xã hội với các địa phương khác. Với những ưu thế đó, tôi tin rằng Bạc Liêu là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư và phát triển.
Cũng như các nhà đầu tư khác, tôi luôn mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với doanh nghiệp; cải cách các thủ tục hành chính; tạo mọi điều kiện để họ xây dựng và phát triển chiến lược kinh doanh… Có như vậy, tôi tin trong thời gian tới Bạc Liêu sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc
Xây dựng vùng sản xuất theo chiều sâu
Sau nhiều năm liên kết làm ăn với Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân), phần lớn bà con đã nắm vững quy trình sản xuất cũng như cách thức liên kết theo quy trình mà công ty đặt ra. Tuy nhiên, do đất trồng lúa ở Bạc Liêu chưa được tập trung, diện tích canh tác nhỏ lẻ nên rất khó thực hiện quy trình cánh đồng mẫu lớn cũng như sản xuất đồng nhất. Một số bà con vẫn thường hay phá vỡ hợp đồng nên công ty cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc đang hướng đến xây dựng vùng liên kết sản xuất theo chiều sâu, có chuyên môn cao với hơn 7.000ha để tạo ra sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đúng các hợp đồng cam kết và mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất mới sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lương thực an tâm khi ký kết các đơn hàng cung cấp lớn.
HOTLINE0912.889.542