EMS vẫn đang là bệnh phổ biến tại các quốc gia đã mắc phải bệnh này trên tôm nuôi. Những năm qua đã có nhiều nghiên cứu về EMS, trong đó nổi bật nhất là công bố của Dr. Lighner - Đại học Arizona - Hoa Kỳ về việc tìm ra nguyên nhân gây ra EMS. Tuy vậy kể từ đó đến nay, vẫn chưa có một giải pháp nào hoàn chỉnh nhất cho việc khống chế hoàn toàn bệnh này.
Người nuôi tôm và đặc biệt là các chuyên gia đến nay vẫn còn tranh luận về nguyên nhân đích thực của EMS là gì. Bài lược dịch bên dưới thể hiện một quan điểm về EMS được đăng trên tạp chí THE PRACTICAL ASIAN AQUACULTURE.
EMS bắt đầu gây thiệt hại cho các trang trại nuôi tôm ở Trung Quốc từ năm 2009, sau đó lan sang Việt Nam, Thái Lan, Mexico và gần đây là Ấn Độ. Bệnh được gọi là “Hội chứng chết sớm” đúng với đặc điểm của nó vì hầu hết tôm đều bị chết vài ngày sau khi thả giống. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu thường gọi EMS bằng tên AHPNS (hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính). Theo báo cáo của tiến sĩ Lighner vào tháng 5.2013, Vibrio parahaemolyticus là nguyên nhân gây nên EMS.
Bệnh khốc liệt đến nỗi hầu hết các trang trại tại các quốc gia có bệnh này đã ngừng thả nuôi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là không một ai có thể xác định rõ nguyên nhân thực sự của EMS là gì? Bằng chứng thực tế và hết sức có ý nghĩa của việc này là vì sao hầu hết tôm chỉ chết sau vài ngày thả giống trong khi nếu vượt qua được 45 ngày đầu sau thả nuôi thì có thể đảm bảo rằng bầy tôm vẫn sẽ phát triển bình thường đến khi thu hoạch. Không có tình trạng nhiễm chéo giữa các ao nuôi. Trong một trang trại, vài ao nuôi có thể bị EMS, trong khi số ao khác thì không. Đấy là nguyên nhân gây bối rối cho người nuôi cũng như các chuyên gia của ngành công nghiệp tôm.
Ở Thái Lan, Trung tâm nghiên cứu thủy sản (ABRC) thuộc khoa thủy sản, trường Đại học Kasesart phát hiện bệnh này từ tháng 8/2011 ở vùng nuôi cửa sông Pang – Rad, quận Nayai – arm, tỉnh Chantaburi. Tôm bệnh cũng có những đặc điểm giống như tại Trung Quốc và Việt Nam. Các chuyên gia đã phát hiện ra tình trạng bất thường của gan tụy là các giọt dầu trong gan tụy bị phá hủy. Họ cũng phát hiện ra số lượng lớn vi khuẩn trong gan tụy của những con tôm chết.
NGUYÊN NHÂN THỰC SỰ GÂY CHẾT TÔM LÀ GÌ?
Vibrio parahaemolitycus có thể không phải là nguyên nhân duy nhất của bệnh này vì không có tình trạng nhiễm chéo giữa các ao nuôi. Nhiều ao nuôi không được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng tôm vẫn sống và phát triển tốt.
Một trong những nguyên nhân có thể là do di truyền. Ngành công nghiệp tôm Thái Lan phát triển dựa trên cơ sở nhập khẩu tôm bố mẹ từ các quốc gia khác và xuất khẩu. Chúng tôi thu về hàng tỷ bath mỗi năm, nhưng chúng tôi không nỗ lực trong việc phát triển di truyền giống. Theo giấy phép nhập nhẩu tôm bố mẹ của Bộ Thủy Sản Thái Lan, tôm bố mẹ được chúng tôi nhập khẩu lần đầu tiên và sử dụng qua nhiều thế hệ. Điều này có thể được kêu gọi để thay đổi toàn bộ quá trình nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của chúng tôi và phát triển nó một cách bền vững.
Một nguyên nhân khác có thể là do nghề nuôi thâm canh Thái Lan dựa trên sự chuyển đổi từ phương pháp nuôi của Đài Loan, bao gồm việc sử dụng hóa chất, rút ngắn chu kỳ nuôi, thúc tôm lớn nhanh, và cho ăn nhiều vượt quá giới hạn sức tải ao hồ. Tất cả những điều này đã góp phần làm tích lũy hữu cơ ở đáy ao và thoái hóa chất lượng nước.
CÂU HỎI ĐẶT RA LÀ TẠI SAO INDONESIA KHÔNG BỊ EMS MẶC DÙ HỌ Ở NGAY BÊN CẠNH MALAYSIA?
Không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Mặc dù vậy, có ba điểm chính cần lưu ý:
1. Indonesia sử dụng tôm bố mẹ SIS (Shrimp Improvement System, LLC) ở Islamorada, Florida, Hoa Kỳ. Công ty này đã và đang cải thiện di truyền giống, làm cho chúng có khả năng kháng bệnh. Năm 1997, Central Proteinaprima, sở hữu bởi CP Indonesia, mua lại công ty này và sản xuất tôm chân trắng bố mẹ đã được phát triển khả năng kháng bệnh IMNV (hoại tử cơ) và chỉ sử dụng tại Indonesia.
2. Nhiều công ty lớn ở Indonesia bổ sung một lượng protein vừa phải trong thức ăn dành cho tôm thẻ chân trắng. Tỷ lệ phần trăm protein tối ưu trong thức ăn tôm thẻ chân trắng chỉ vào khoảng 28 – 30%. Nhiều nông dân ở Thái Lan sử dụng thức ăn dành cho tôm sú để cho tôm thẻ ăn. Điều này dẫn đến kết quả dư thừa protein và tích lũy khí độc NH3, NO2 trong ao và làm thoái hóa chất lượng nước. Hàm lượng protein cao cũng làm cho chi phí vụ nuôi tăng lên. Ngoài ra, protein sử dụng trong thức ăn phải có nguồn gốc từ bột cá. Nhiều công ty sử dụng phụ phẩm hoặc protein có nguồn gốc từ thực vật chẳng hạn như đậu nành.
3. Bệnh hoại tử cơ (IMNV) bùng phát ở Indonesia từ năm 1994 – 1998 làm cho ngành công nghiệp tôm Indonesia suy giảm trong 03 năm trước khi nó được khắc phục. Kể từ đó, người nuôi Indonesia thay đổi phương pháp nuôi của họ. Trước đó, trong vòng hơn hai thập kỷ, Indonesia phát triển phương pháp nuôi của họ theo qui trình của Đài Loan, tập trung cao vào việc sử dụng hóa chất cho việc xử lý nước và tiêu diệt mầm bệnh.
Ngày nay, người nuôi Indonesia quan tâm nhiều hơn đến việc điều chỉnh cân bằng hệ sinh thái ao nuôi bằng cách tạo ra nguồn dinh dưỡng tự nhiên trong ao nuôi cho tôm con, phiêu sinh thực vật và vi sinh vật hữu ích trong ao nuôi. Điều này cho phép người nuôi có thể điều chỉnh cân bằng pH tốt hơn thay vì bón vôi. Hơn thế nữa, việc tạo ra sự cân bằng vật chất sống trong ao nuôi cũng làm giảm khả năng phát triển của sinh vật gây bệnh cơ hội. Không cố gắng tác động rút ngắn chu kỳ nuôi cũng đồng nghĩa với việc làm giảm stress trong ao.
Nguồn: How the eastern Thai farmers handle Early Mortality Syndrome - The Practical Asian Aquaculture Vol 5, Issue 16, tháng 1 - 3/2014
Lược dịch bởi: KS. NGUYỄN THỊ KIỀU - CÔNG TY VINHTHINHBIOSTADT