Việc kiểm soát các mối nguy và tối đa khả năng sản xuất trong điều kiện có thể là những dấu hiệu mở đầu của một ngành công nghiệp nuôi tôm bền vững.
Trại nuôi tôm Jenang Felcra ở bang Terengganu, Peninsular Malaysia đã có những đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát an toàn sinh học ở các trại nuôi tôm. Trại được xây dựng ở vị trí thuận lợi, tách biệt khỏi các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác. Mặc dù đã được cách ly từ năm 2008, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi rằng liệu trại có thực sự thích hợp để nuôi tôm thẻ chân trắng hay không. Thực tế đã chứng minh bằng tỉ lệ tôm sống cao và sản lượng thu hoạch ổn định từ năm 2012. Thành công này là kết quả của sự tiếp cận chậm rãi và vững chắc của người quản lý trại – ông Muhsin Yusoff và nhóm của ông. Cả nhóm đã phải vật lộn để vượt qua những vấn đề trong quá trình nuôi, đặc biệt chú ý cải thiện chất lượng nước và các yếu tố môi trường khác.
Trại nuôi tôm 10 năm tuổi với 31 ao nuôi ở Kampung Jenang, quận Marang, đã có một quá khứ thăng trầm. Từ năm 2004 đến năm 2008, dưới sự giúp đỡ của Felca Agro Industries khi đạo luật phục hồi và hợp nhất đất đai liên bang được áp dụng, trại được chia thành 3 khu phức hợp, 5 ao nuôi với diện tích 2.18 ha và 1.17 ha hồ chứa ở block A, 17 ao (11.16 ha) ở block B và 9 ao (5.89 ha) ở block C chia sẻ cho 3.7 ha hồ chứa đang hoạt động tốt.
Trong năm 2008, sự loại bỏ trợ cấp của chính phủ về xăng dầu đã nâng cao chi phí hoạt động của trại. Quyết định của ban điều hành cũ là chấm dứt hoạt động của những trại không được trang bị hệ thống điện lưới quốc gia. Trong năm 2010, ban quản lý mới đã quyết định hoạt động trở lại những trại nuôi tôm. Đội ngũ nhân viên được tuyển dụng trong năm 2011 và bắt đầu hoạt động trong năm 2012. Với nguồn cung điện cho sản xuất vào tháng 4 năm 2012, hoạt động sản xuất liên tục 2 vụ/ năm.
Hoạt động đầu tiên của nhóm gồm 4 nhân viên người Malaysia và 4 công nhân Indonesia là cải tạo để phục hồi lại các trại này. Block B với 17 ao đang bước vào mùa vụ thành công thứ 3 trong năm. Trong vụ nuôi đầu tiên trong năm 2014, thả giống vào tháng 2 và thu hoạch vào 27 tháng 5 và tiếp tục thả nuôi tới 20 tháng 7, chuẩn bị sẵn sàng cho nhu cầu đỉnh điểm vào cuối tháng ăn chay Ramadan. Vụ tiếp theo bắt đầu vào 24 tháng 8 sau 1 tháng chuẩn bị ao. Trại không hoạt động trong 3 tháng, từ tháng 11 đến tháng 2.
Đi đúng hướng mục tiêu
Sau khi dự trù ngân sách cho năm 2014, Muhsin thận trọng ước tính sản lượng khoảng 4.5 tấn tôm/ao/vụ (7 tấn/ha/vụ) với kích thước ao trung bình 0.64 ha. Trong vụ cuối của năm 2013, sản lượng thu hoạch tổng cộng là 55 tấn từ 13 ao. Sản lượng trung bình đạt được 6.26 tấn/ha.
“Mục tiêu của chúng tôi là 280 tấn từ 31 ao trong năm 2014. Mục tiêu cho vụ đầu tiên trong năm là 100 tấn và tiếp nối những vụ sau, trong tương lai không xa chúng tôi có thể thu hoạch 19 tấn từ 4 ao. Điều này đã đạt 19% mục tiêu và chúng tôi vẫn còn 27 ao để thu hoạch. Trong vụ tiếp theo, tôi kì vọng đạt 180 tấn. Chúng tôi nhận ra sản lượng thu hoạch được cải thiện khi chúng ta cải tạo ao một cách kĩ càng.Tôi đã từng theo dõi những ao thả giống với mật độ 80 PL/m2. Trong một số ao, chúng tôi không chắc chắn về các điều kiện ao nên chỉ thả giống với mật độ 40 PL/m2. Chúng tôi sẽ tăng mật độ thả khi chúng tôi hiểu rõ hơn về điều kiện đất và chất lượng nước mỗi ao. Với tôi, lợi nhuận sẽ chỉ tới qua một mô hình sản xuất ổn định”.
Muhsin nói thêm rằng: “Hằng năm, tôi và các thành viên trong nhóm đều nỗ lực cải thiện sản lượng thu hoạch. Trong năm 2013, kích cỡ tôm lớn nhất là 12g (cỡ >80 con/kg) và bắt đầu thu hoạch một phần khi tôm đạt trọng lượng 9g (>100 con/kg). Nhưng năm nay, tỉ lệ sống cao hơn và tôm lớn hơn. Chúng tôi bắt đầu thu hoạch một phần (vào 27/5) khi tôm đạt kích cỡ 52 con/kg sau 90 ngày nuôi (DOC) và giá thu mua của thương lái là 23 ringgit/kg (7.1 USD/kg). Với giá thu mua này, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hoạch ở kích thước lớn. Chi phí sản xuất của chúng tôi cũng được cải thiện. Trong năm 2012, chúng tôi phải trả 12 ringgit/kg nhưng bây giờ, chi phí của chúng tôi ít hơn 11 ringgit/kg ở tôm kích thước 15g và tỉ lệ sống là 70%”.
Quản lý những mối nguy ở trại
Malaysia đã chia sẻ những thành công và cả thất bại trong ngành nuôi tôm, đã từng bị mang tiếng xấu như là một ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Trong thập niên 80, một vài tổ chức lớn đã gia vào ngành nuôi tôm, với kì vọng rằng sẽ mang lại những kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, khi lợi nhuận giảm, họ mau chóng rút lui. Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu thành công cá biệt ở những hộ nuôi nhỏ chủ yếu tự sở hữu những hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Sau khi dành phần lớn thời gian làm việc tại những trại nuôi tôm này, Muhsin học hỏi được nhiều kinh nghiệm này và bắt đầu thử áp dụng đối với trang trại của ông. Ông bắt đầu sự nghiệp năm 1995 với tập đoàn Lion ở bang Pahang, Peninsular Malaysia, nơi ông giúp sức điều hành 100 ha trang trại. Trang trại sau đó được mua lại và tiếp tục thành công khi nuôi tôm sú cho tới năm 2000. Trong năm 1999, ông gia nhập Song Cheng farm, tiền thân trước là Agrobest farm, một trong những trang trại lớn nhất và thành công nhất ở Malaysia. Sau khi kết thúc 4 năm nhiệm kỳ kinh doanh thủy sản tại tập đoàn dầu cọ Golden Hope, ông đã học được cách những nhà quản lý tài chính nhận thức về những nguy cơ trong nuôi tôm và sản xuất thức ăn gia súc. Bây giờ trở lại những trại nuôi tôm từ năm 2011, mục đích của Muhsin là chứng mình rằng những trại tôm có thể đạt bền vững về hoạt động kinh doanh như thế nào.
Thông điệp đầu tiên là hiểu biết về môi trường nuôi: ”Chúng ta đã có kinh nghiệm về hội chứng chết sớm (early mortality syndrome – EMS). Chúng ta phải học cách quản lý và ngăn chặn hiểm họa này. Tôi tin rằng EMS phát sinh nguyên nhân từ khả năng chăm sóc và mật độ nuôi dày khiến tôm bị stress, thiếu dưỡng khí và quản lý cho ăn kém. Điều tối quan trọng cho bất kỳ thành công nào trong nuôi tôm và được xem như những yêu cầu cơ bản đó là: sự chọn lựa chất lượng nguồn giống; hiểu biết về các điều kiện của ao mỗi vụ nuôi và cộng tác cùng nhau hiệu quả”.
Quản lý những mối nguy bắt đầu từ những tiêu chuẩn cơ bản về thủ tục và an toàn sinh học. Thêm nữa, ở những trại nuôi này, Muhsin thực hiện nghiêm ngắt 2 tiêu chuẩn thực hành quan trọng – bước chuẩn bị ao ít nhất 1 tháng trước mỗi vụ nuôi và áp dụng những biện pháp đặc biệt tùy vào điều kiện mỗi ao.
An toàn sinh học
Ở trại A và B, tất cả các ao được lót bạt HDPE xung quang để ngăn chặn những mầm bệnh mang trên mặt đất, và ở trên mặt nước lưới được sử dụng để ngăn chim. Những ao ở block C cũng sẽ được bố trí cấu trúc tương tự khi đủ kinh phí. Nước được lọc bởi lưới 40 µm và được bơm bởi 10 bơm 8 inch (20cm). Sự tối ưu của hồ dự trữ chính là khả năng có thể tháo cạn nước vì được xây dựng ở những vị trí cao và nước có thể chảy qua ao thông qua trọng lực.
Hiện tại, trại nuôi có một kênh dẫn nước mở cung cấp nước cho các ao. Mục tiêu tiếp theo là xây dựng 1 hệ thống nước sử dụng các ống dẫn lớn. Hệ thống vận chuyển nước kín này giúp cho việc đảm bảo an toàn sinh học. Chiến lược xa hơn của Muhsin trong việc cải thiện an toàn sinh học là những khu vực đóng gói ở ngoài phạm vi của trại nhằm hạn chế sự di chuyển của các phương tiện ngoài những hoạt động của trại. Ông cũng có một hồ dự trữ nước nhỏ sử dụng cho 4-5 ao, nơi ông có thể kiểm soát và duy trì độ mặn ở mức 20 ppt. Trang trại của ông thực hành hệ thống nuôi khép kín. Công nhân được dẫn dắt bởi 3 nhà quản lý giỏi có thể giải quyết được mọi vấn đề phát sinh ở cả 3 block. Thu hoạch được thực hiện bởi chính những người trong nhóm nhằm mục tiêu thực hiện an toàn sinh học.
Quản lý chất lượng nước
“Độ mặn của nước ở khu vực Marang River có thể thay đổi từ 0 đến 20 ppt trong suốt mùa mưa. Mặc dù các ao ở block A và B không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhưng độ mặn trong suốt mùa mưa cũng có thể quá thấp để có một mùa vụ thành công. Chúng tôi chỉ bơm nước vào ao nếu độ mặn ở mức 10-20 ppt. Điều này nhằm hạn chế sự thiếu hụt KCl và MgCl khi độ mặn quá thấp” – ông Muhsin nói.
“Chúng ta đã chứng kiến tôm bị bệnh đục thân khi thiếu K và bệnh mềm vỏ khi thiếu Mg trong ao. Với quá trình lột xác hàng ngày, điều rất cần thiết là bổ sung các loại khoáng chất. Tôi đã từng thử nuôi 1 vụ với độ mặn 5 ppt nhưng chi phí để bổ sung khoáng chất để nuôi thành công là quá cao. Tổng cộng, chi phí phải trả thêm là 2 ringgit/kg. Tôi nhận ra tầm quan trọng khi bổ sung các loại vi khoáng ngoài Ca và Mg. Chúng tôi chủ động tập trung nuôi trong 8 tháng và các nhân viên có thể nghỉ ngơi trong suốt mùa lễ”.
Một chu kỳ tại một thời điểm
Ông Muhsin nói rằng: ”Không bao giờ có sự thỏa hiệp hoặc lối tắt trong việc chuẩn bị ao”. Các thủ tục tiêu chuẩn cần thiết cần khoảng 30 ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.
“Mỗi mùa vụ có những đặc tính riêng và tôi chấp nhận bỏ hoang các ao sau mỗi vụ nuôi. Áp dụng hệ thống nuôi liên tục là quá nguy hiểm và khiến tôi lo lắng không yên”.
Muhsin luôn sẵn sàng chia sẻ các phương thức hoạt động của trại. Ông nói rằng: “Điều quan trọng là phải cày xới 50% đáy ao, bao gồm những khu vực nhiều bùn và bờ ao. Đôi khi phải sử dụng cả bơm áp lực cao. Tiếp theo là bón vôi dolomite và các khoáng chất và sử dụng Pondzyme với nồng độ 300g/ 0.5 ha (Biomin, Autria). Cày xới tiếp tục và thêm các loại khoáng, ngoài ra còn phải bón vôi để đảm bảo rằng các hợp chất dinh dưỡng bị loại bỏ hoàn toàn. Thủ tục sử dụng thuốc khử trùng sau khi cấp nước 3 ngày được áp dụng trong thời điểm này. Pondzyme lại được thêm 3 ngày sau khi thả tôm giống và sử dụng hàng tuần cho đến khi thu hoạch. Ở một số ao, tôi bổ sung thêm các chất gây màu nước khoảng 2-3 kg mỗi ao trước khi thả giống.
Nuôi trồng và xây dựng thương hiệu
Một số ao nuôi mới đang được phục hồi và có 8 ao thả nuôi với mật độ 40 PL/m2. Điều này xem như một biện pháp đề phòng đối với những ao đã từng bị cách ly hoặc bị nhiễm phèn. Trang trại sử dụng khoảng 40 triệu PL mỗi năm, cung cấp bởi những trại giống xung quanh và được kiểm tra kết quả thường xuyên đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng giống. Sau khi thử nghiệm con giống ở các trại nuôi khác, Muhsin rất hài lòng đối với những biểu hiện phù hợp và hiệu quả của những con giống đã được cung cấp.Tuy nhiên trong tương lai, như là một biện pháp đề phòng, ông cũng sẽ thực hiện những cuộc kiểm tra ngẫu nhiên ở các mẫu trong những phòng thí nghiệm bí mật.
“Trong suốt quá trình nuôi, thách thức phổ biến ở các trại nuôi là kiểm soát sự biến động pH trong khoảng 7.5 – 8.1. Sự biến động trong khoảng 0.5-0.7 được khuyến cáo, tuy nhiên trong điều kiện hoạt động của trại, sự biến động được giữ ở mức 0.3. Chúng tôi đánh giá tôm phát triển tốt như thế nào sau 7-10 ngày thả nuôi. Mẫu thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi là 37 ngày. Chúng tôi có thể ước chừng sản lượng dựa vào lượng thức ăn hàng ngày tiêu thụ”.
Cả nhóm đã cố gắng thay đổi lịch cho ăn của các nhà sản xuất thức ăn gia súc đã khuyến cáo. Trong một số thử nghiệm, cả nhóm đã giảm lượng thức ăn khuyến cáo và tính tỉ lệ trong giai đoạn tôm phát triển sớm. Nhìn chung, họ đã giảm được lượng thức ăn (4 cữ) khoảng 70-80% khuyến cáo hàng ngày và tới ngày thứ 30, tổng lượng thức ăn giảm được là 230 kg, giảm khoảng 76% so với khuyến cáo.
Ở các trại, cả nhóm thực hiện nguyên tắc thu hoạch sớm một phần khi sản lượng đạt khoảng 4 tấn/ao. Trong một ao nuôi với mật độ 80 PL/m2, họ đã thực hiện thu hoạch 3 lần, lần đầu tiên là ngày nuôi 70 khi tôm đạt cỡ 90 con/kg; lần thứ hai ở ngày nuôi 80 khi cỡ tôm là 70 con/kg và lần cuối cùng là ngày nuôi 90 khi cỡ tôm là 52 con/kg. Tôm cỡ nhỏ được bán trực tiếp cho những người thu mua tại địa phương và tôm cỡ lớn được bán cho những nhà hàng hoặc siêu thị ở bờ biển miền đông. “Cố gắng lựa chọn những thương lái uy tín là cách làm ăn hiệu quả và giảm những mối nguy về nợ xấu” – ông Muhsin nói.
“Chúng tôi đã được nghe rằng có một số người bán lẻ công khai về sản phẩm tôm của chúng tôi là từ Jenang. Điều này gây khó khăn cho chúng tôi và các trại nuôi khác trong việc nhập khẩu tôm”.
Nuôi tôm bền vững đóng vai trò điển hình
Là một phần của một tổ chức lớn, các trang trại ở Jenang không chỉ phải hoàn thành mục tiêu mà còn phải cho thấy sự có hữu ích liên tục và lợi nhuận cao để cải thiện cách nhìn tiêu cực của các nhà kinh tế rằng các trại nuôi tôm luôn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao. Đối với một chính sách khôn ngoan, sản lượng ổn định là một minh chứng rõ ràng cho ngành nuôi trồng tôm bền vững.
Mặc dù những tín hiệu tốt năm 2013 đã thúc đẩy nguồn vốn đầu tư để mở rộng thêm các ao nuôi, tuy nhiên các trại nuôi không cần thiết phải sửa đổi để cải thiện hệ thống an toàn sinh học hiện có. Kế hoạch là có một hệ thống xử lý hiệu quả trước khi xả nước ra ngoài môi trường và thủ tục để cách ly các khu vực bị lây nhiễm bệnh.
Trong năm 2015, mục tiêu là tăng sản lượng tổng cộng lên 300 tấn. Điều đó có nghĩa rằng, các ao nuôi mới thả với mật độ chỉ 40 PL/m2, sẽ được Muhsin cải thiện để tăng mật độ thả nuôi. Trong cùng thời điểm, cả đội sẽ cùng nhau làm việc để cải thiện chi phí sản xuất. Kế hoạch mở rộng trong năm 2016 bao gồm phát triển những khu vực mới bao gồm các hồ chứa và những khu vực thả nuôi.
“Chi phí các phần như điện, lao động, thức ăn và hóa chất đã tăng. Hệ số tiêu hóa thức ăn thấp khoảng 1.2. Khi chúng tôi tăng mật độ nuôi và thu hoạch ở cỡ 60 con/kg, chúng tôi phải tăng cường sục khí trong ao. Chúng tôi không thể giảm chi phí nhân công lao động hoặc hóa chất bởi đó là tiêu chuẩn, nhưng chúng tôi có thể tìm cách giảm chi phí kháng sinh và năng lượng, và bây giờ đang ở ngưỡng 10.8% và 12.5%. Năng lượng hữu ích cho các thiết bị sục khí sẽ rất cần thiết sau này.
“Trong 5 năm, chúng tôi muốn được biết đến với thương hiệu nhà sản xuất ổn định và chất lượng. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thành công đối với mọi người. Chúng tôi đang mong chờ chương trình FELCRA’s CSR (hợp tác cùng với trách nhiệm xã hội) nơi chúng tôi được giới thiệu những ứng dụng tương lai của khoa học trong nuôi tôm, giúp chúng ta có thể nuôi trồng ổn định, dễ dàng kiểm soát và đáng tin cậy” – ông Muhsin nói.
Nguồn: AQUACULTURE ASIA PACIFIC - THÁNG 9 - 10/2014
Bài được dịch bởi: KS ĐỖ NGỌC TUẤN - CÔNG TY VINHTHINH BIOSTADT