Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang dần khởi sắc tại các thị trường trọng điểm, doanh nghiệp đang dồn sức để lấy lại đà tăng trưởng. Vậy nhưng, một nỗi lo lớn đang được doanh nghiệp cảnh báo, đó là vấn đề nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong vài tháng tới.
Đã thấy tín hiệu tích cực
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2020 đạt 629 triệu USD, tăng 25,5% so tháng 2, nhưng giảm so cùng kỳ năm 2019. Do vậy, trong quý I/2020, giá trị xuất khẩu giảm 9,73% khi chỉ đạt hơn 1,64 tỷ USD.
Theo đánh giá, quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm là do các thị trường lớn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 khiến giao thương bị ngưng trệ; hệ thống nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ tăng trưởng ở mức thấp thì tại Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lại giảm đáng kể. Sự sụt giảm tại các thị trường lớn khiến cho giá trị chung giảm theo.
Tuy nhiên, tình hình đang có sự cải thiện đáng kể, kim ngạch xuất khẩu tại một số thị trường đã khởi sắc trở lại và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao hơn. Đại diện ngành thủy sản cho rằng, trong những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cá tra và các sản phẩm thủy sản khác có thể sẽ dần ổn định.
Chủ lực trở lại
Sau thời gian dài ảm đạm, xuất khẩu tôm và cá tra đang có sự khởi sắc nhất định. Theo VASEP, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành, tuy nhiên, trong những ngày khó khăn hiện nay, xuất khẩu cá tra đang thấy có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung quý I/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt 20,6 triệu USD, chiếm gần 19% giá trị xuất khẩu cá tra và tăng gần 67% so cùng kỳ năm 2019.
Tại Trung Quốc, ngay từ tháng 2, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tái khởi động. Tính riêng nửa đầu tháng 3, kim ngạch xuất cá tra sang Trung Quốc đạt gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so cả tháng trước đó và đang trên đà trở lại là nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Một số doanh nghiệp nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40 - 50%. Với thị trường EU, theo đánh giá của các doanh nghiệp, do dịch COVID-19 nên tình hình giao thương còn ảm đạm. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản tại các siêu thị có chiều hướng tăng trở lại, trong đó có cá tra.
Còn với con tôm, tình hình cũng dần tốt lên. Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2019. Khả quan nhất là tại thị trường Nhật Bản khi 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang đây đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so quý I năm trước và là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tiếp đến là thị trường Mỹ, quý I/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ; mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn khác là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 đầu năm nay vẫn giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so cùng kỳ. Dù vậy, giám đốc một doanh nghiệp tôm tại Bình Thuận chia sẻ, trong vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao khi các nước kiểm soát tốt dịch bệnh và khôi phục các hoạt động sản xuất.
Nỗi lo nguyên liệu cho giai đoạn sau
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng, khó khăn do dịch bệnh rất lớn, thế nhưng, đây cũng chỉ là tạm thời, khi các quốc gia khống chế tốt COVID-19 tình hình sẽ ổn định. Và như thế, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.
Tại Mỹ, hiện nay, tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tốt do nhu cầu của người dân tăng lên, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng... Điều đáng nói, nguồn cung tôm chính cho Mỹ là Ấn Độ lại đang phải áp dụng biện pháp cao nhất để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của Ấn Độ. Người nuôi tôm nước này gặp khó khăn về nguồn tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, một số nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng… được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Một cơ hội cho tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Cùng đó, xuất khẩu cá tra cũng đang rất khả quan khi kết quả POR15 giảm khá mạnh, Mỹ công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá da trơn và nước này đang nới lỏng quy định dán nhãn cá tra, cá thịt trắng trong 60 ngày.
Cùng với việc tìm cách khôi phục tại thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực hướng đến các thị trường tiềm năng. Ở ASEAN, Singapore vừa qua đã đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm giúp nước này bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản, thủy sản... Hay thị trường Ấn Độ, với sản phẩm cá tra đang có lợi thế với sản phẩm fillet. Còn tại thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, mở ra cơ hội mới cho cá tra Việt Nam, đặc biệt khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới.
Vậy nhưng để đón được các cơ hội này, một trong các điều kiện cần với các doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu phải đảm bảo trong những tháng tới; bởi hiện nay, sự ngưng trệ của xuất khẩu đã khiến các doanh nghiệp gặp khó về kho dự trữ, dẫn tới bí đầu ra khiến giá bán giảm. Vài ngày qua, giá tôm nước lợ đã tăng nhẹ trở lại nhưng cá tra được thương lái thu mua với giá chưa tới 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành thấp nhất là 21.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng. Do đó, khả năng cao trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ khó tìm nguyên liệu khi nông dân không còn vốn tái đầu tư.
Còn con tôm hiện cũng đang rơi cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, người dân đang thận trọng trong sản xuất. Hơn nữa, họ cũng đang chật vật đối phó với dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Nếu không khống chế tốt những điểm này sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường hồi phục
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn