Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 84,38 triệu USD, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,86 triệu USD, tăng 123%. Tuy nhiên việc cấp mã số vùng trồng vẫn còn nhiều vướng mắc. Để bà con nông dân chủ động hơn trong việc cấp mã số vùng trồng thì Cục trưởng Cục BVTV đã chia sẻ:
Theo nội dung Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, những loại trái cây bao gồm sầu riêng muốn xuất khẩu sang thị trường này phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, theo các yêu cầu kỹ thuật phía bạn đưa ra.
Cụ thể hơn, bất cứ địa phương, doanh nghiệp hay người dân nào muốn có được mã số vùng trồng thì phải đảm bảo diện tích từ 10 ha trở lên. Điều này sẽ làm giảm sự manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất và có được quy mô đủ lớn để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Về hiện trạng, diện tích sầu riêng ở các địa phương của chúng ta thường tập trung ở các hộ dân, quy mô chủ yếu từ 3 - 5 ha/hộ. Do đó, để có được các mã số vùng trồng ở quy mô lớn hơn, cần có sự chung tay, đoàn kết giữa các nhà vườn với hệ thống HTX cũng như các doanh nghiệp, cùng nhau áp dụng các yêu cầu của nghị định thư vào sản xuất.
Để thuận tiện cho quá trình làm thủ tục và kiểm tra cấp mã số vùng trồng, thông thường các HTX và doanh nghiệp sẽ tập hợp các nhà vườn với sự đồng thuận của người dân để có được diện tích đủ theo yêu cầu. Ngoài ra, người dân cũng có thể tự tập hợp và cử ra người đại diện để đứng tên sở hữu mã số vùng trồng.
Sau đó, những chủ sở hữu này sẽ làm văn bản đăng ký với Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tại địa phương để nhận được hướng dẫn và tổ chức kiểm tra thực tế tại vùng trồng đã đăng ký.
Nếu Chi cục xác định những diện tích này đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật thì sẽ hoàn thiện hồ sơ, gửi về Cục BVTV để tái kiểm tra thêm một lần nữa trước khi chuyển cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tiếp theo, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ đưa ra yêu cầu kiểm tra trực tuyến một số diện tích ngẫu nhiên. Trong quá trình này, chủ sở hữu của mã số vùng trồng và người dân có diện tích trong đó đều phải sẵn sàng để phía bạn kiểm tra, phỏng vấn.
Nếu hoàn tất được quá trình này, các mã số vùng trồng sẽ được phê duyệt, được gửi về Cục BVTV cũng như đăng tải trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Khi đó, các Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm truyền tải thông tin đến các chủ sở hữu mã số vùng trồng trong khu vực để họ biết mã số đã được chấp thuận.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết thêm, mã số vùng trồng, là tài sản của đơn vị, cá nhân đứng tên chủ sở hữu chứ không phải là của riêng từng người có diện tích nằm trong mã số vùng trồng đó.
Cục BVTV cũng kêu gọi sự đoàn kết của các doanh nghiệp, nếu không thì sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa người dân. Những mã số đã được cấp là cố định, không thay đổi nên nếu để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, muốn thay đổi vườn với mã số thì tất cả sẽ bị hủy, làm lại từ đầu.
Theo ông Hoàng Trung, mục tiêu của chúng ta là duy trì những mã số vùng trồng đã được cấp, từ đó mở rộng diện tích và năng suất sầu riêng trong thời gian tới. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải làm việc một cách bài bản, không để xảy ra tranh chấp, hiểu lầm không đáng có.
Bài viết có tham khảo thông tin từ: https://thuonghieusanpham.vn/nguoi-trong-sau-rieng-can-lam-gi-de-chu-dong-trong-viec-cap-ma-so-vung-trong-42941.html
Bài viết được thực hiện bởi: Bộ phận Marketing - bộ phận Nông Nghiệp - công ty Vinhthinh Biostadt
Tư vấn kỹ thuật: 0915 446 744
Fanpage: Wokozim- Phân bón hữu cơ sinh học
Youtube: Wokozim Vĩnh Thịnh Biostadt
App: VTB GROUP
HOTLINE0912.889.542