Một phân tích của Undercurrent News đánh giá Trung Quốc, Mỹ và các thị trường mới nổi là trung tâm để đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng tiêu thụ tôm trong thập kỷ sau COVID-19.
Theo phân tích dữ liệu thương mại, trong 7 năm từ 2012-2019, Trung Quốc chủ yếu thúc đẩy nhập khẩu tôm toàn cầu tăng gần 1,1 triệu tấn và dường như sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng thương mại hơn nữa trong những năm 2020. Trung Quốc được đặt vào vị trí trung tâm trong các kế hoạch dài hạn của ngành tôm toàn cầu, với việc nước này đặt mục tiêu vượt qua 1 triệu tấn nhập khẩu vào năm 2027, trong khi có thể đạt ngưỡng đó vào năm 2023.
Trong khi đó, Mỹ và các thị trường mới nổi có khả năng sẽ thúc đẩy thương mại tôm toàn cầu hơn nữa, với việc Mỹ sẽ vượt qua 1 triệu tấn nhập khẩu cũng vào năm 2027. Ngoài các nhà nhập khẩu lớn, các thị trường chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi, có thể đạt 1 triệu tấn nhập khẩu vào năm 2025.
Một yếu tố bất ngờ trong dài hạn cũng có thể là giá tôm trên toàn thế giới giảm khi nông dân tăng cường sản xuất và nâng cao hiệu quả, và khi giá tôm thấp hơn được chuyển đến tay người tiêu dùng. Điều này có thể thúc đẩy nhập khẩu toàn cầu khi tôm trở nên cạnh tranh hơn với các loại protein động vật khác.
Một thập kỷ tăng trưởng
Từ năm 2012-2019, tổng nhập khẩu tôm toàn cầu đã tăng 1,1 triệu tấn, tương đương 50% (xem biểu đồ), lên 3,15 triệu tấn vào năm 2019, theo dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế. Các số liệu bao gồm cả tôm nước ấm và tôm nước lạnh, ở dạng sống, nấu chín, chế biến và bảo quản, và được giao dịch theo hệ thống hài hòa toàn cầu mã 030617, 030616, 160521 và 160529.
Sự gia tăng lớn xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi nhập khẩu toàn cầu giảm trong 2 năm liên tiếp. Vào năm 2020, COVID cũng khiến nhập khẩu ước giảm 3% xuống còn 3,042 triệu tấn. Trong giai đoạn 2012-2020, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,5%, lớn hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong cùng thời kỳ (2,7%, dữ liệu của Ngân hàng Thế giới). Riêng trong năm 2017, nhập khẩu tôm toàn cầu tăng 234.000 tấn.
Vai trò của Trung Quốc là then chốt trong việc gia tăng nhập khẩu toàn cầu, quốc gia này chiếm 70-75% mức tăng trưởng nhập khẩu tôm toàn cầu tuyệt đối trong giai đoạn 2012-2019; nhập khẩu của họ tăng vọt từ 48.000 tấn năm 2012 lên ước tính 800.000 tấn vào năm 2019. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng gấp 10 lần sau khi sa sút sản xuất nội địa trong giai đoạn 2010-2012, do hội chứng tôm chết sớm xảy ra, cũng như tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng của nước này. Phần lớn nhập khẩu tăng trưởng nhờ thương mại "xám" qua biên giới với Việt Nam, mà chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu dẹp bỏ vào cuối năm 2017. Năm ngoái, hầu hết tôm nhập khẩu được nhập khẩu trực tiếp qua các cảng của Trung Quốc (xem biểu đồ).
Năm ngoái, nhập khẩu trực tiếp của Trung Quốc giảm 14% xuống 610.000 tấn, do lo ngại của người tiêu dùng về bao bì thủy sản nhập khẩu bị nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, nếu nhập khẩu của Trung Quốc quay trở lại tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2019, hay tốc độ CAGR là 49%, thì nhập khẩu sẽ vượt 1,4 triệu tấn vào năm 2022. Đến năm 2023, họ sẽ đạt 2 triệu tấn.
Ngay cả khi giảm một nửa CAGR xuống 25%, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đạt 1 triệu tấn vào năm 2023 và 2 triệu vào năm 2026. CAGR 10%, có vẻ như ở mức thận trọng, thì nhập khẩu hàng năm sẽ vượt 1 triệu tấn vào năm 2027. Một số người đặt câu hỏi liệu tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc có phải chỉ đơn giản là thay thế sản xuất trong nước bị giảm hay không. Tuy nhiên, những người khác chỉ ra rằng dân số khổng lồ và lịch sử ẩm thực của việc ăn thủy hải sản là dấu hiệu cho thấy tiềm năng thị trường gần như vô hạn của nó.
Mỹ cũng không tụt hậu
Mỹ cũng là chìa khóa quan trọng trong việc tăng nhập khẩu tôm toàn cầu, nhờ vào sự phổ biến của tôm trong ngành dịch vụ thực phẩm của Mỹ.
Năm 2020, Mỹ nhập khẩu 747.000 tấn tôm, tăng từ 533.000 tấn năm 2012. Con số này thể hiện mức tăng 40% so với cùng kỳ, hay tốc độ CAGR là 4,3%. Năm ngoái, bất chấp đại dịch, nhập khẩu vẫn tăng 7%.
Trong tương lai, nếu nhập khẩu tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, nhập khẩu của Mỹ sẽ vượt 1 triệu tấn vào năm 2027. Do người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng các sản phẩm tôm chế biến và giá trị gia tăng, tăng trưởng nhập khẩu về mặt giá trị lớn hơn so với các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc, và vì vậy ngành này có giá trị hơn. Trước thông tin về việc triển khai vắc-xin nhanh chóng của nước này, các nguồn tin trong ngành cho biết họ kỳ vọng nhu cầu thủy sản của Mỹ sẽ tăng mạnh vào năm 2021.
Châu Âu
Bức tranh châu Âu không mấy khả quan đối với ngành tôm toàn cầu. Theo ITC, mặc dù nhập khẩu của các nước Bắc Âu vẫn tăng và thậm chí còn tăng vào năm ngoái trong COVID-19, nhưng nhập khẩu của EU nói chung đã giảm 3% trong năm 2020 xuống 789.000 tấn. Năm 2020, nhập khẩu chỉ cao hơn 5% so với năm 2012.
Ngay cả khi loại trừ năm 2020 khỏi các số liệu, giai đoạn 2012-2019, CAGR chỉ đạt 1,1%. Như với Mỹ, sự ưa chuộng đối với các sản phẩm tôm chế biến và bảo quản ở Bắc Âu dẫn đến giá nhập khẩu tôm tăng. Tuy nhiên, dân số thu hẹp ở nhiều nước châu Âu và các nền kinh tế phát triển chậm hơn cho thấy tiêu thụ tôm của EU sẽ trì trệ tỏng dài hạn.
Doanh số bán hàng ở Nhật giảm
Theo ITC, kể từ năm 2012, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đã giảm 24% xuống 210.000 tấn vào năm 2020. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản là một trong những mặt hàng có giá trị cao nhất trên thế giới, đồng nghĩa với việc giảm nhập khẩu có tác động lớn hơn đến các nhà cung cấp của Nhật Bản, chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan.
Sự suy giảm này được cho là do dân số Nhật Bản ngày càng thu hẹp, sự cạnh tranh trên thị trường lớn hơn và việc tiêu thụ nhiều hơn các loại protein động vật khác ở các thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, nhập khẩu của các thị trường mới nổi có thể sẽ nhiều hơn so với nhập khẩu của Nhật Bản. Trong giai đoạn 2012-2020, nhập khẩu của các nước ngoài EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng 78% lên 601.000 tấn vào năm 2020. Với tốc độ CAGR là 13%, các nước còn lại trên thế giới sẽ vượt qua 1 triệu tấn nhập khẩu vào năm 2025.
Trong triển lãm thủy sản Boston năm 2019, George Chamberlain, chủ tịch của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu, dự báo rằng một ngày nào đó tôm sẽ được sản xuất "như gà", với công nghệ mới và đầu tư dẫn đến sản xuất công nghiệp hóa hơn. Do vậy, sản lượng tôm nuôi toàn cầu có thể tăng lên 8-9 triệu tấn vào năm 2025 và giá cả phải chăng hơn, thúc đẩy thương mại hơn nữa.
Jeff Sedacca, Giám đốc điều hành của Sunnyvale Seafood Company, một nhà nhập khẩu thủy sản có trụ sở tại California, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, công nghệ được cải tiến, giá phục hồi từ mức thấp của đại dịch, cải thiện quản lý dịch bệnh, mở rộng trang trại và thâm canh, tất cả đều dẫn đến sự gia tăng ổn định của nguồn cung”.
Nguồn: vasep.com.vn