Ương tôm siêu thâm canh - những câu hỏi thường gặp (phần 3)
Câu hỏi 1: Được biết Vinhthinh Biostadt chuyển giao quy trình ương tôm siêu thâm canh bằng kỹ thuật ương Biofloc, xin cho tôi hỏi kỹ thuật Biofloc được ứng dụng trong toàn bộ qui trình ương cho tới trước khi sang ra ao nuôi thương phẩm hay chỉ ứng dụng một giai đoạn nhất định?
Kỹ sư Nguyễn Văn Tường: Hiện tại, Vinhthinh Biostadt có hai qui trình ương siêu thâm canh là ương 01 giai đoạn với tổng thời gian ương vào khoảng 15 – 20 ngày tùy mật độ ương, thường với qui trình ương 01 giai đoạn thì mật độ ương dao động từ 03 – 06 con/lit (tương đương 3.000 – 6.000 con/m3 nước). Với qui trình ương hai giai đoạn thì các con số tương đương là 25 – 35 ngày và mật độ từ 5 – 12 PL/lit, tương đương 5.000 – 12.000 PL/m3 nước.
Trong cả hai qui trình ương trên, kỹ thuật Biofloc được duy trình trong khoảng thời gian tối đa là 15 ngày đầu tiên.
Chúng tôi không duy trì Biofloc trong toàn qui trình vì những lý do sau đây:
- Càng về sau thì nhu cầu oxy càng cao do mật độ ương cao, do đó nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe bầy tôm là rất lớn.
- Qui trình ương cần đơn giản để mọi người nuôi đều có thể thực hiện được nhưng vẫn đảm bảo được việc hạn chế tối đa rủi ro mà người nuôi vẫn có chất lượng bầy tôm tốt khi sang ra ao thương phẩm.
- Biofloc duy trì 15 ngày đầu giúp hạn chế thay nước và củng cố sức khỏe tôm, giúp tôm tăng trưởng cực tốt.
Câu hỏi 2: Làm sao để duy trì và quản lý biofloc?
Kỹ sư Nguyễn Văn Tường: Trước hết tôi xin khẳng định việc quản lý biofloc là vấn đề cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề khác, nếu biofloc lên quá cao sẽ dẩn đến thiếu oxy cho tôm, còn biofloc ít quá thì môi trường ít ổn định hơn và thiếu nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên ban đầu cho tôm ương. Hiện tại qua quá trình chuyển giao quy trình ương cho các khách hàng của mình chúng tôi rất chú tâm đến vấn đề đào tạo nhân sự sau chuyển giao bảo đảm khách hàng hoàn toàn tự vận hành hệ thống ương tốt nhất sau khi kỹ thuật của bộ phận Raceway đi chuyển giao cho các khu vực khác.
Để duy trì biofloc chúng ta phải cung cấp nguồn vi sinh và cacbon được ủ lên men hàng ngày nhằm duy trì tỷ lệ C/N thích hợp ngoài ra lượng vi sinh được cung cấp hàng ngày sẽ giúp ức chế vi khuẩn có hại phát triển và giúp phân hủy mùn bả hữu cơ, mảnh vụn thức ăn, phân tôm… và chuyển hóa thành những hạt biofloc để tôm sử dụng lại 1 phần làm giảm lượng cho ăn đáng kể.
Khi biofloc lên quá cao thì phải giảm ngay lượng thức ăn 1 phần kết hợp với giảm cung cấp lượng cacbon và siphong để giảm biofloc xuống, trường hợp biofloc ít thì làm ngược lại trên. Theo chúng tôi với mật độ ương 7.000 – 10.000 con/m3 nước thì nên duy trì biofloc tốt nhất từ 3 – 10ml/L nước.
Câu hỏi 3: Những sản phẩm nào dùng trong quy trình ương biofloc? Những sản phẩm trộn cho ăn là gì? Ương theo quy trình biofloc có sử dụng kháng sinh hay sát khuẩn trong bể ương không?
Kỹ sư Nguyễn Văn Tường: Để ương biofloc chúng ta phải chọn nguồn vi sinh có chất lượng cao, mật đường để cung cấp cacbon phải chọn những nguồn có uy tín, tránh nhiễm tạp. Ngoài ra trong quá trình ương ta phải cung cấp lượng khoáng, vitamin vào nước hàng ngày nhằm giúp tôm mau cứng vỏ và tăng sức đề kháng, giảm stress.
Một số loại sản phẩm dùng trong ương siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng:
- Acid hữu cơ đặc biệt giúp ức chế vi khuẩn gây hại trong đường ruột, (tham khảo sản phẩm MERA CID).
- Vitamin tổng hợp và chất điện giải giúp bổ sung vitamin chống tình trạng cong thân, đục cơ trong ương, tăng sức đề kháng, giảm stress (tham khảo sản phẩm VITA ELECTRO).
- Chế phẩm sinh học xử lý nước giúp cạnh tranh vi khuẩn gây hại, hạn chế nguy cơ về bệnh đường ruột cho tôm (tham khảo sản phẩm MERA BAC).
- Khoáng cho ăn và khoáng đánh xuống nước chất lượng cao vì khoáng kém chất lượng không giúp tôm tăng trưởng tốt và làm dơ bạt đáy, tạo nhớt …dễ làm hư đàn tôm ương (Tham khảo sản phẩm ENVOMIN).
- Sản phẩm bổ trợ hệ gan tụy (Tham khảo sản phẩm AMINO 200).
Hiện tại khi chuyển giao cho các khách hàng của các công ty thành viên chúng tôi bảo đảm cung cấp đầy đủ các sản phẩm trên để giúp bà con yên tâm cho vụ ương thành công.
Qui trình ương siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng của Vinhthinh Biostadt hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong toàn bộ quá trình ương và vẫn đảm bảo 100% bầy tôm không nhiễm EMS.
Câu hỏi 4: Tôi cũng ương tôm trước đây nhưng thường gặp tình trạng cong thân, đục cơ trong quá trình sang ra ao thương phẩm làm tỷ lệ sống giảm rất thấp và bầy tôm sau khi ra ao thương phẩm thường không phát triển tốt. Vậy Vinhthinh Biostadt có gặp tình trạng này hay không?
Kỹ sư Nguyễn Văn Tường: Sang tôm sau ương ra ao thương phẩm thường gặp phải tình trạng như trên ở phần lớn nhiều người ương. Tuy nhiên, với qui trình Vinhthinh Biostadt thì cong thân, đục cơ hoàn toàn được khắc phục 100% không phải chỉ lúc sang mà cả trong toàn bộ qui trình ương.
Bí quyết của vấn đề nằm ở việc người nuôi cần phải sử dụng sản phẩm thật sự tốt và có chất lượng cao vì mật độ ương cao, bên cạnh đó phải chú trọng cân bằng các yếu tố Mg, Ca và K, đặc biệt là Kali, cuối cùng cần phải thuần tôm cẩn thận và đúng kỹ thuật trước khi sang ít nhất 3 ngày.
Sau khi ương chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp để sang tôm ra ao thương phẩm tùy theo điều kiện thực tế tại nơi chuyển giao. Tuy nhiên quá trình tư vấn xây dựng chúng tôi đã tư vấn cho khách hàng xây dựng hệ thống ương và nuôi thương phẩm sao cho việc sang là tốt nhất. Tóm lại chúng tôi đã thực hiện các cách sang tôm rất thành công sau đây
- Sang bằng đường ống: Đây là cách sang đơn giản, bể ương được thiết kế đường ống nối ra ao thương phẩm, sau khi ương xong ta chỉ cần mở van và tôm theo đường ống chảy ra ao nuôi thương phẩm. Tỷ lệ sống đạt trên 90%. Cách sang này áp dụng cho ao ương và ao nuôi gần.
- Sang khô: Là dùng cào kéo tôm lên khô và cân trọng lượng sau đó tôm được đưa và sọt hoặc xô và vận chuyển khô đến ao thương phẩm. Cách này áp dụng cho cự ly nhỏ hơn 500m. Tỷ lệ sống đạt trên 80%.
- Sang bán khô: Được thực hiện như sang khô tuy nhiên khi vận chuyển thì tôm được đưa vào xô có nước được làm giàu oxy và vitamin chống sốc, quá trình vận chuyển được sục khí liên tục. Cách sang này áp dụng với cự ly xa.
Kết quả sang tại các nơi chuyển giao luôn đạt tỷ lệ sống ít nhất trên 80% và hoàn toàn không có hiện tượng công thân đục cơ trong quá trình sang.
Để sang tôm thành công phải xét đến nhiều yếu tố và đánh giá toàn diện tình trạng tôm, các yếu tố tác động đến quá trình sang sau đó ta mới chọn thời điểm sang và phương pháp sang phù hợp nhất đối với từng địa điểm và vùng miền khác nhau. Chúng tôi sẽ tư vấn cho bà con cách sang phù hợp nhất.