FacebookZaloLinkedinYoutube
FacebookZaloLinkedinYoutube
CLINZEX DIỆN MẠO MỚIDIỆN MẠO MỚICHUỖI CUNG ỨNG VINHTHINH BIOSTADT HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGChế phẩm thảo dược tổng hợpENVOMIN - AQUAMIN - SUP PREMIX - ECO MINERALESOMAX - HOẠT CHẤT TINH DẦU KHÁNG SINH - GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT BỆNH GAN TỤY VÀ PHÂN TRẮNGRa mắt sản phẩm mới Yucca VTB ZUCCA - QUILA YUCCA - TF ZUCCA - ECO ZUCCAKhoáng tạt cao cấpWOKOZIM TỐI ƯU HÓA MỌI GIẢI PHÁPTHUỐC TRỪ SÂU SINH HỌCuongveoVinhthinhbiostadtGiống tôm thẻ chân trắng VTBHSản phẩm Nông NghiệpWokozim đã được sử dụng trên 40 loại cây trồng và hơn 20 quốc gia trên thế giớiLiên doanh giữa Vinhthinh & tập đoàn Biostadt -Ấn ĐộVinhthinh Biostadt
Trang chủ Trang chủTin tứcTIN TỨC THỦY SẢNXung đột Nga – Ukraina: Thách thức, cơ hội và dự báo hệ lụy đối với thương mại thủy sản Việt Nam

Xung đột Nga – Ukraina: Thách thức, cơ hội và dự báo hệ lụy đối với thương mại thủy sản Việt Nam


 

Đại dịch Covid-19 kéo dài dai dẳng suốt 3 năm qua đã để lại cho nền kinh tế toàn cầu hai điểm dễ bị tổn thương lớn là: lạm phát cao và thị trường tài chính hỗn loạn. Do đó, dư chấn của cuộc xung đột Nga - Ukraine vừa qua sẽ làm cho trầm trọng cả hai.

Vì vậy, thương mại toàn cầu, trong đó có thương mại thủy sản cũng bị cuốn vào trong vòng xoáy này. Cuộc xung đột này mang đến nhiều thách thức hơn là cơ hội cho xuất nhập khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là ảnh hưởng ngay trước mắt


I. Thách thức
 
Hiện nay Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 42, Ukraine là thị trường thứ 53 trong tổng số 103 thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Nga chiếm 2% xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với những mặt hàng chủ lực là tôm chân trắng, cá tra, surimi, cá ngừ, cá chỉ vàng, cá cơm… Năm 2021 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga đạt 164 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020. Việt Nam cũng chiếm khoảng 2% thị phần thủy sản tại Nga.

Căng thẳng Nga – Ukraine khiến xuất khẩu tôm sang Nga bị tác động. Những tác động đó đến từ việc ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng; đứt gãy chuỗi cung ứng, sự mất giá của đồng rúp, tăng lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu…

Xuất khẩu tôm sang Nga trong quý đầu năm nay dự kiến giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do xung đột Nga - Ukraine.

 

Các hãng tàu biển cũng đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga vì rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại Cảng Rotterdam trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok. - Dự báo Xuất Khẩu cá tra sang Nga trong thời gian tới sẽ tạm thời ngưng cho tới khi tình hình chiến sự Nga - Ukraine chấm dứt. Các DN chuyển hướng sang các thị trường thay thế, trong đó có ASEAN, Trung Đông, Ai Cập, Colombia.
 
Thị trường Ukraina: Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang Ukraine còn khiêm tốn hơn Nga. Thị trường Ukraine chiếm 0,3% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Ukraine đứng thứ thứ 57 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 0,03% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta. Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang Ukraine đạt 0,2 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2021, xuất khẩu tôm sang Ukraine đạt 1,2 triệu USD, giảm 41% so với năm 2020.

 

Canada là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường này với tỷ trọng chiếm 20%. Ấn Độ là nguồn cung lớn thứ hai với tỷ trọng chiếm 10%. Việt Nam đứng thứ 6 về cung cấp tôm cho Ukraine, chiếm 10% tỷ trọng.
 

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đã ngưng, các nhà Nhập Khẩu cũng đang nhiều rối ren và lo lắng đóng cửa.
 
Cho dù không nằm trong top những thị trường xuất khẩu hàng đầu nhưng hai thị trường này vẫn được đánh giá là hai thị trường xuất khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam. Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa đi tới hồi kết nhưng đã gây ra nhiều hệ lụy tức thời tới thương mại thủy sản toàn cầu và hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

1. Chậm trễ trong khâu thanh toán:

Việc giao dịch của các nhà xuất nhập khẩu thuỷ sản với Nga bị gián đoạn sau khi EU công bố tên của các ngân hàng sẽ bị loại khỏi hệ thống nhắn tin của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (viết tắt là SWIFT). SWIFT được sử dụng cho khoảng 70% các khoản chuyển tiền trong nước Nga. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể giao dịch với các công ty thuỷ sản Nga tại các ngân hàng tư nhân hoặc những ngân hàng nhỏ. Ngoài ra giao dịch ngân hàng của Nga với Trung Quốc không bị ảnh hưởng vì Trung Quốc có hệ thống riêng.

Gần đây hơn, VISA và Mastercard đã tạm ngừng hoạt động tại Nga. Điều này có nghĩa là bất kỳ thẻ Mastercard nào được phát hành tại Nga đều không thể được sử dụng cho các giao dịch bên ngoài đất nước, trong khi bất kỳ thẻ VISA nào được phát hành tại Nga cũng không thể được sử dụng trong nước. Tuy nhiên, hiện tại, các đơn hàng thủy sản Xuất Khẩu sang Nga thời điểm mới xảy ra xung đột quân sự đã được giao cho các nhà Nhập Khẩu và đã nhận được thanh toán đầy đủ. Hiện tại, với các đơn hàng sau xung đột đang tạm ngưng hoặc tính toán cách vận chuyển đường vòng.

2. Vận chuyển khó khăn, cước vận tải biển cao:

Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thương mại với Nga, Ukraine và Belarus chịu tác động tức thời bởi cuộc xung đột vào cuối tháng 2/2022. Hiện Ukraine về cơ bản đóng cửa đối với thương mại và kinh doanh, và chỉ có hàng hóa và vật tư thiết yếu mới được vào nước này qua biên giới Ba Lan. Quân đội Ukraine đã đình chỉ vận chuyển thương mại tại cảng Odesa, cảng lớn nhất của Ukraine.

Maersk, công ty vận tải container lớn thứ hai thế giới, đã bắt đầu chuyển hướng hàng hóa đến Cảng Said ở Ai Cập và Cảng Karfez ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một số hãng vận tải biển lớn trên thế giới cũng đã thông báo họ sẽ ngừng vận chuyển hàng không thiết yếu đến Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt. Điều này sẽ khiến giá cước tăng cao cùng với việc chậm trễ vận chuyển khiến cho giao thương hàng hóa chậm chạp.

3. Giá năng lượng tăng, chi phí đầu vào, sản xuất, khai thác tăng theo:

Sau lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga, giá dầu lần đầu tiên tăng vọt lên mức 100 USD/thùng trong thời gian ngắn kể từ năm 2014, trong khi khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng tới 62%. Điều này kéo theo hàng loạt chi phí tăng theo: chi phí vận tải, logistics, giá hàng hóa, lưu kho, các loạt vật tư, bao bì, phí vận chuyển trong nước giá đã tăng khá mạnh khoảng 20-70%.... trong khi đó lại không thể tăng thêm giá sản phẩm ngay để bù lỗ cho giá xăng dầu. Những biến động giá xăng dầu khi đàm phán, ký kết với đối tác bạn hàng cũng đã được tính đến trong biên độ biến động giá của hợp đồng, cùng với giá nhân công, giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ là thành phần phụ trong tổng tăng của chỉ số tiêu dùng

Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Bên cạnh đó, Nga và Ukraine là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, do đó nếu cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất hải sản chế biến và đóng hộp. Hiện giá của hầu hết các loại dầu thực vật đều tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 1/2022, trong khi các nhà chế biến hải sản đóng hộp đang phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Mà giá dầu hướng dương bị đẩy lên cao sẽ đẩy chi phí sản xuất hải sản đóng hộp/túi tăng theo.

Ngư dân không dám ra khơi vì giá nhiên liệu tăng không bù đủ giá bán, người nuôi tôm, cá tra cũng không dám mở rộng diện tích nuôi, thậm chí treo ao vì 3 năm liên tiếp thua lỗ không đủ vốn… Điều này dẫn tới trong thời gian tới, thiếu nguyên liệu cho sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.

4. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy:

3 năm đại dịch Covid-19 đã làm cho chuỗi cung ứng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Việt Nam vừa là nước xuất khẩu cũng cần nhập khẩu nguyên liệu cá biển, tôm, nhuyễn thể… từ nước ngoài. Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho nguồn cung cấp nguyên liệu cá thịt trắng, cá biển từ Nga bị ảnh hưởng.

Khách hàng hủy đơn đặt hàng, chuyển hướng chuyến hàng để đối phó với sự gián đoạn. Do sự leo thang của xung đột giữa Nga và Ukraine, tất cả các chuyến tàu đi qua Ukraine chỉ có thể được chuyển hướng sang các tuyến đường khác.… Các chuyến hàng trực tiếp đến Ukraine đã bị dừng lại. Mặc dù, cả nhà Xuất Khẩu và nhà Nhập Khẩu đều đang nỗ lực đi tìm kiếm các cảng biển mới với mạng lưới dịch vụ tàu hỏa ở Nga hoặc các nước châu Âu khác như một phần trong kế hoạch dự phòng cho các khách hàng châu Âu. Nhiều nhà Nhập Khẩu EU ngừng hoàn toàn các đặt hàng đến hoặc xuất phát từ Ukraine... hàng hóa trên đường đến Ukraine phải dỡ hàng tại Port Said và Korfez. Điều này khiến cho dòng hàng hóa Xuất Nhập Khẩu của các nhà Xuất Khẩu thủy sản Việt Nam và các nhà Nhập Khẩu bị khó khăn và thiệt hại.

Mặc dù sự gián đoạn thương mại thủy sản do xung đột Nga - Ukraine ít bị ảnh hưởng ngay lập tức đến vận tải container so với sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez trước đây nhưng về dài hạn thì đây là một thử thách lớn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản; nhu cầu suy giảm ở Nga, Ukraine và các nước liên quan.

Cuộc đụng độ tại Ukraine, một quốc gia rộng lớn nằm ở mối liên hệ giữa châu Âu và châu Á, đã khiến một số chuyến bay bị hủy hoặc đổi tuyến, gây áp lực lên khả năng vận chuyển hàng hóa và làm gia tăng lo ngại về việc tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng.

Những thách thức mới kéo theo hơn hai năm gián đoạn, chậm trễ và giá cả cao hơn đối với các công ty bị coi là sử dụng chuỗi cung ứng toàn cầu để di chuyển sản phẩm trên khắp thế giới.

Các doanh nghiệp cần chuyển hướng tiếp cận sang các thị trường khác thay thế cho Nga như Singapore, Thái Lan, Australia, Colombia, Ai Cập… để có thể quay vòng vốn nhanh...

5. Nảy sinh phức tạp trong nhập khẩu nguyên liệu từ Nga:

Sau khi Tổng thống Mỹ - Biden thông báo tước bỏ quy chế “tối huệ quốc” với Nga như một phần của thỏa thuận với các nước G7 và các quốc gia châu Âu, đã gây choáng váng cho ngành thủy sản. Với lệnh cấm bắt đầu từ ngày 25/3/2022, FDA và Cục Hải quan Hoa Kỳ đã bắt đầu theo dõi việc vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới để phát hiện các chuyến vận chuyển bất hợp pháp khi các nhà sản xuất thủy sản định lại tuyến giao thông Nga. Điều này kéo theo những phức tạp trong nhập khẩu nguyên liệu trong đó có sản phẩm cá biển đông lạnh từ Nga để Xuất Khẩu cho các nước khác. Do đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần theo dõi chính sách các nước liên quan, cân nhắc kỹ các nước có xuất xứ từ các quốc gia bị chịu các biện pháp trừng phạt về thuế quan để sản xuất hàng Xuất Khẩu sang các quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt đó.

Cần tham khảo kỹ đối tác nhập khẩu về các vấn đề có liên quan để quyết định ký hợp đồng và nên áp dụng các biện pháp tránh rủi ro, không gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc giúp bên thứ ba chuyển hàng hóa để tránh lệnh trừng phạt.

6. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả hàng hóa thế giới trong dài hạn:

Cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lớn lúa mì, lúa mạch, ngô và phân bón của thế giới. Do đó, sự thiếu hụt nghiêm trọng này làm xáo trộn giá cả nông sản toàn cầu, giá thức ăn chăn nuôi…

7. Ngành khai thác thuỷ sản bị ảnh hưởng mạnh nhất

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành khai thác thuỷ sản cùng với ngành dịch vụ vận tải chịu tác động nặng nề nhất bởi chiến sự Nga – Ukraine.

Nhiên liệu (xăng, dầu) chiếm tới hơn 80% chi phí mỗi chuyến đi biển của ngư dân. Ngoài ra các chi phí khác cũng bị tăng theo giá xăng dầu khi xảy ra chiến sự.

Giá xăng dầu vốn đã tăng liên tục từ đầu năm lại thêm tác động của xung đột Nga – Ukraine khiến cho hàng nghìn tàu cá tại các tỉnh ven biển phải nằm bờ. Đã có nhiều ngư dân không trụ nổi trước áp lực chi phí đầu vào buộc phải bán tàu, bỏ nghề.

Ngoài ra, nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí xăng dầu tăng đổ vào giá vận chuyển con giống, thức ăn, nguyên liệu đầu vào và hậu cần giao dịch sản phẩm thu hoạch.

8. Chi phí và giá thành tăng, mức độ cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp bị xói mòn

Không chỉ có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang Nga và gần 40 doanh nghiệp xuất khẩu sang Ukraine chịu tác động trực tiếp vì bị ngừng hoặc gián đoạn giao thương với 2 thị trường này, mà hàng trăm doanh nghiệp thuỷ sản khác đang chịu tác động gián tiếp từ cuộc xung đột của Nga và Ukraine.

Trong bối cảnh dịch Covid còn căng thẳng, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu của các doanh  nghiệp thuỷ sản đã khó càng thêm khó, khi mà các khoản chi phí đều đội lên nhiều lần. Trong đó, riêng cước vận tải biển đã tăng gấp 7-10 lần so với giai đoạn trước dịch Covid, nay tiếp tục tăng kỷ lục. Tình trạng thiếu container xếp hàng xuất khẩu cũng trầm trọng hơn sau khi xảy ra chiến sự.

Giá xăng dầu tăng, các chi phí nguyên liệu đầu vào cho hoạt động chế biến thuỷ sản cũng tăng không kiểm soát do vậy, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tính vào giá thành và giá bán. Tỷ lệ tăng giá bán thường không thể cao như tốc độ tăng giá đầu vào, vì phụ thuộc vào khả năng chấp nhận của đối tác. Do vậy, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình thế hoặc bị giảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của sản phẩm xuất khẩu hoặc chấp nhận bị giảm/có thể giảm mạnh lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay.

II. CƠ HỘI

1. Cơ hội giành thị phần cá thịt trắng Nga tại Hàn Quốc và các thị trường khác

Nga là thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn thứ 2 cho thế giới. Chính vì vậy, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine chắc chắn tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực tới hoạt động thương mại thủy sản, nhất là các sản phẩm thế mạnh của Nga như cá minh thái (Pollock - Nga và Mỹ chiếm gần 90% lượng khai thác toàn cầu); cá tuyết (Cod); cá trích. Hàn Quốc, EU, Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu  lớn nhất của cá thịt trắng Nga trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ và hiệu ứng domino diễn ra tương tự ở các thị trường đồng minh khiến cho xuất khẩu  cá thịt trắng của Nga bị ảnh hưởng lớn.

Năm 2021, Nga đã xuất khẩu sang 67 quốc gia. Hàn Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nga khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu do lo ngại về Covid-19. Hàn Quốc chiếm 37% doanh số bán thủy sản của Nga ra nước ngoài về khối lượng và 50% về giá trị vào năm 2021, trong khi Trung Quốc giảm xuống còn 21% về lượng thủy sản xuất khẩu của Nga về khối lượng và 18% về giá trị. Năm 2021, Hàn Quốc (cảng Busan) đóng vai trò chuyển tiếp cho thủy sản Nga sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối tháng 2/2022, Hàn Quốc cũng đã tuyên bố hạn chế thương mại với Nga. Điều này cũng khiến cho lượng hàng thủy sản, trong đó có cá thịt trắng sang Trung Quốc bị sụt giảm mạnh hơn. Đây cũng có thể là cơ hội cho các Doanh Nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường láng giềng Trung Quốc.

Ngoài ra, năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nga 1,2 tỷ USD thuỷ sản. Riêng các sản phẩm cá thịt trắng từ Nga (cá minh thái Alaska, cá tuyết cod...) là hơn 408 triệu USD, chiếm 75% tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Hàn Quốc. Xuất khẩu từ Nga sang Hàn Quốc bị ảnh hưởng sẽ tạo ra lỗ hổng lớn thiếu cá thịt trắng, có thể coi là dư địa cho Doanh Nghiệp thuỷ sản Việt Nam. Ba thị trường xuất khẩu cá thịt trắng lớn nhất của Nga là Trung Quốc, Hàn Quốc và Hà Lan. Tại Trung Quốc và Hàn Quốc Nga đều là nguồn cung cấp hàng đầu, tại Hà Lan, Nga là nguồn cung lớn thứ 2, chiếm thị phần chi phối. Vì vậy, cơ hội giành một phần thị phần cá thịt trắng của Nga cho các Doanh Nghiệp cá tra Việt Nam không chỉ có ở Hàn Quốc mà cả các nước châu Âu như Hà Lan.

2. Cơ hội gia tăng xuất khẩu hải sản sang các thị trường truyền thống của Nga

Nga hiện đang là nước xuất thuỷ sản lớn thứ 5 thế giới. Trước tình một số thị trường quay lưng với Nga thì sẽ là cơ hội mở rộng thị phần cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cua (HS 030614 - 030633) là nhóm sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong cơ cấu sản phẩm thủy sản của Nga hiện nay. Năm 2021, Nga xuất khẩu 75.000 tấn cua với giá trị xấp xỉ 2,5 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2020. Nhưng sau khi xung đột xảy ra, 3 thị trường xuất khẩu chính của Nga là Mỹ, EU và Hàn Quốc đều có những động thái không tiếp nhận nhập khẩu thủy sản từ Nga, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhưng lại theo đuổi chính sách Zero covid nên thắt chặt nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đầu năm là thời điểm các hiệp định thương mại được khởi động trở lại, do đó tại các thị trường có FTA với Việt Nam cơ hội cho các Doanh Nghiệp mở rộng thị phần càng tăng. Theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, một số thị trường xuất khẩu hải sản của Việt nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt là Arập Xêut tăng 2.713%, Chile tăng 157%, Bulgaria tăng 407%, Pháp tăng 107%, Mỹ tăng 86%, Trung Quốc tăng 58%.... Các thị trường này sẽ là những thị trường tiềm năng cho các Doanh Nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay

Nếu trường hợp khả quan hơn, cuộc xung đột Nga - Ukraine chấm dứt vào tháng 5/2022, giao thương và các hoạt động kinh tế dần trở lại. Có thể tới quý III/2022, nhu cầu nhập khẩu của Nga, Ukraine về cá biển các loại, cá tra, tôm, cá ngừ tăng mạnh mẽ. Đây là dịp để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang hai thị trường này.

III. DỰ BÁO

Tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với ngành thủy sản thế giới nói chung và thuỷ sản Việt Nam nói riêng vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ vào thời điểm này. Tác động trực tiếp và tức thì có thể là nhỏ, nhưng tác động gián tiếp và lâu dài khó có thể lường hết, nhưng rõ ràng là sản xuất và thương mại thuỷ sản thế giới trong đó có Việt Nam đang bị xáo trộn.

Vì vậy, chúng tôi chỉ đưa ra một số đánh giá tạm thời và dự báo về tác động ngắn hạn với thương mại thuỷ sản Việt Nam với 2 kịch bản liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine.

1. Kịch bản lạc quan:

Với kịch bản chiến sự sẽ kết thúc vào tháng 5/2022 như dự báo của nhiều chính trị gia và chuyên gia, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ nối lại hoàn toàn trong nửa cuối năm nay, thậm chí có thể sẽ tăng đáng kể bù đắp gián đoạn nguồn cung trong những tháng đầu năm.

Nhưng hệ lụy gián tiếp còn kéo dài ít nhất cho tới tháng 9/2022, cước vận tải đường bộ, biển, hàng không vẫn tăng, chi phí xuất (giá thức ăn, con giống, giá nhiên liệu, vật tư… cho nuôi, khai thác, chế biến) không thể giảm nhanh về mức như trước chiến sự.

Thiếu nguyên liệu cá tra có thể còn tiếp tục kéo dài đến quý 3; nhà máy chế biến hải sản thiếu nguyên liệu do ngư dân nghỉ khai thác, tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng, hoạt động nhập khẩu  nguyên liệu bị gián đoạn nguồn hàng từ Nga, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng do cước vận tải tăng…

Từ những yếu tố trên, dự báo, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Nga năm 2022 đạt 115 triệu USD, giảm 30% so với năm ngoái (tức là giảm 49 triệu USD); tổng giá trị xuất khẩu sang Ukraine đạt 14 triệu USD (giảm 50% so với năm 2020), tức giảm trên 14 triệu USD.

Như vậy với kịch bản trên, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ bị tổn thất ít nhất 65-70 triệu USD trong năm nay. Con số này chắc chắn cao hơn nếu tính đến tác động gián tiếp đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác.

2. Kịch bản kém lạc quan:

Chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài tới hết năm 2022, mọi hoạt động xuất khẩu sang Nga và Ukraine gần như ngưng trong quý 2, nhưng sau đó, khi các Doanh Nghiệp tìm được đường vận chuyển xa hơn, chấp nhận cước phí cao hơn để kết nối lại được thị trường thì tổng giá trị Xuất khẩu cá tra sang cả Nga và Ukraine dự báo giảm hơn 80% so với năm ngoái. Dự báo giá trị Xuất Khẩu cá tra sang Nga năm 2022 đạt khoảng 33 triệu USD (giảm hơn 130 triệu USD); sang Ukraine đạt khoảng 5,8 triệu USD, giảm 23 triệu USD so với năm trước.

Với tình huống xấu hơn, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam năm 2022 sẽ bị thiệt hại ít nhất 150-160 triệu USD từ nguồn xuất khẩu sang 2 thị trường trên. Tất nhiên, ảnh hưởng gián tiếp xuất khẩu sang các thị trường khác vì thiếu nguyên liệu, vì ách tắc vận tải và các áp lực chi phí gia tăng…sẽ làm hạn chế tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường, kể cả trong điều kiện nhu cầu đang rất cao.
 
Trích báo cáo “CHUYÊN ĐỀ XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI THỦY SẢN VIỆT NAM” do Vasep phát hành vào ngày 31/03/2022.

 

 

Trở về
Thông tin khác

Sản phẩm tiêu biểu

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản Zalo - ĐT: 0912 889 542
  • Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp Zalo - ĐT: 0915446744

HOTLINE0912.889.542

Các đối tác của chúng tôi