Trong các hệ thống sản xuất giống và ao nuôi thủy sản, độc tố các chất thải có chứa Ni tơ (như NH3 và NO2) là thông số rất quan trọng. Ammonac (NH3) là một sản phẩm do giáp xác (tôm, cua) bài tiết, ngoài ra còn sinh ra từ quá trình phân hủy hữu cơ trong ao nuôi ...Amoniac là chất độc hại vì chúng có khả năng hòa tan chất béo cao và khuếch tán dễ dàng vào cơ thể tôm qua màng tế bào.
Các tác giả M. G. Frias-Espericueta, M. Harfush-Melendez, F. Páez-Osuna thuộc khoa khoa học biển thuộc trường Đại học Sinaloa Mexico đã tiến hành các thí nghiệm kiểm chứng ảnh hưởng của ammonia đến tỷ lệ chết và khả năng bắt mồi của ấu trùng tôm thẻ chân trắng. Tôi sẽ lược dịch nội dung chính bên dưới để các trại sản xuất giống và người nuôi tôm có thể tham khảo và cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây độc của ammnia trên hậu ấu trùng tôm và tôm nuôi thịt.
Tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei là loài tôm nhiệt đới được phân bố về mặt địa lý từ Sonora, Mexico, tới miền bắc Peru. Loài giáp xác này được nuôi trong hệ thống quảng canh, thâm canh, và bán thâm canh và Litopenaeus stylirostris là loài tôm phổ biến nhất trong nuôi trồng thủy sản ở Mexico và các quốc gia Trung và Nam Mỹ . Nuôi L. vannamei trong hệ thống khép kín dẫn đến việc các chất thải (như amoniac) tích tụ trong ao, ngay cả khi thay nước thường xuyên. Sự tích tụ amoniac có thể gây tử vong (Chen và cộng sự, 1990) hoặc làm tôm bỏ ăn.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, nồng độ "an toàn" cho nuôi hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng L.vannamei sẽ là 1,22 mg/l amoniac-N (0,048 mg/l của NH3-N).
Theo nghiên cứu của Dall và cộng sự - 1990, tôm he lột xác trong khoảng thời gian một vài ngày hoặc vài tuần, đó gần như là một quá trình liên tục, với những thay đổi về hình thái và sinh lý xảy ra hàng ngày. Trước và ngay sau khi lột xác, tôm nhạy cảm hơn ( Wajsbrot và cộng sự, 1990) và chúng sẽ dễ chết hơn vì độc tính của ammonia. Trong giai đoạn trước và khi lột xác tôm lấy nước để tăng kích thước của chúng dẫn đến sự gia tăng lượng nước trong các mô và gia tăng thể tích máu, do đó làm tăng hàm lượng amoniac - N trong cơ thể (trong huyết tương ) và là nguyên nhân gây chết.
Hậu ấu trùng tôm được cho ăn Artemia sp trong các thử nghiệm để kiểm chứng ảnh hưởng của độc tố ammonia. Kết quả thí nghiệm cho thấy có mối quan hệ giữa lượng thức ăn tiêu thụ và nồng độ amoniac. Amoniac là sản phẩm chính cuối cùng của quá trình dị hóa protein được tiết ra bởi tôm do đó khi tăng nồng độ amoniac trong nước, amoniac bài tiết sẽ giảm dẫn đến hàm lượng amoniac trong máu và các mô tăng lên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh lý của tôm. Phản ứng đầu tiên của tôm thẻ là giảm hoặc ngừng ăn để giảm sản xuất amoniac.
L. vannamei tăng khả năng chịu đựng với amoniac tùy theo tuổi. Tôm nhỏ thường nhạy cảm hơn với chất độc so với tôm lớn (Buikema và cộng sự, 1982;.. Allan và cộng sự, 1990).
Nồng độ "an toàn" thu được từ thí nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý ao nuôi tôm, đặc biệt đối với các ao tôm thương phẩm và trại giống. Wickins (1976) nhận thấy rằng ở nộng độ 0,45 mg/l NH3-N làm giảm 50% sự tăng trưởng của 5 loài tôm he. Do đó, mối quan hệ giữa amoniac và sản lượng tôm là một vấn đề quan trọng đối với nuôi trồng thuỷ sản.
Nguồn: Effects of Ammonia on Mortality and Feeding of Postlarvae Shrimp Litopenaeus vannamei - Bull. Environ. Contam. Toxicol. (2000) 65:98-103 © 2000 Springer-Verlag New York Inc.DOI: 10.1007/s001280000100
Biên dịch: KS NGUYỄN VĂN THÀNH - CÔNG TY VINHTHINHBIOSTADT