Giới thiệu
Dịch bệnh luôn là mối quan tâm chính đối với nghề nuôi tôm. Những năm gần đây, bệnh do virus gây ra thiệt hại nghiêm trọng (Lee và ctv. 1996, Lo & Kou 1998). Sự tương tác của mầm bệnh, sức đề kháng và các yếu tố môi trường là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh (Lightner & Redman, 1998). Nhiều nghiên cứu cho thấy, yếu tố môi trường thay đổi đã làm giảm hoạt động miễn dịch và dẫn đến gia tăng sự nhạy cảm của vật nuôi đối với mầm bệnh (Lightner & Redman, 1998; Perazzolo và ctv, 2002; Li và ctv, 2002; Pan & Giang, 2002). Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của độ mặn và pH vào khả năng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng.
Kết quả thí nghiệm
Ảnh hưởng của độ mặn lên khả năng miễn dịch của L. vannamei
Độ mặn là một yếu tố môi trường quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển và chức năng sinh lý của tôm. Pan và Giang (2002) đã báo cáo rằng trong khoảng thời gian ngắn (10 giờ), độ mặn thay đổi từ 30‰ xuống 15‰, các hoạt tính diệt khuẩn và hoạt tính kháng khuẩn của 2 loại tôm nuôi (Fenneropenaeus chinensis và Litopenaeus vannamei) bị giảm dần, trong khi hoạt động phenoloxidase tăng. Li và ctv (2002) thấy rằng số huyết bào của tôm Marsupenaeus janpolicus giảm khi độ mặn thay đổi từ 25‰ xuống 9‰ hoặc tăng lên 33‰ giữa 4 và 8 ngày, nhưng hoạt tính phenoloxidase tăng. Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi độ mặn đột ngột làm giẩm khả năng miễn dịch của tôm. Kết quả cho thấy rằng hệ thống miễn dịch có thể phục hồi từ sự thay đổi nhất định về độ mặn trong vòng 6 ngày, và sự phục hồi này độc lập với sự thay đổi về độ mặn.
Cheng và Chen (2000) báo cáo rằng số huyết bào trong tôm càng xanh tăng lên khi độ mặn thay đổi từ 0‰ – 5‰, 10‰ hoặc 15‰ trong vòng 7 ngày. Perazzolo và ctv (2002) mô tả rằng khi độ mặn giảm dần từ 34‰ xuống 22‰ hoặc 13‰ trong hơn 2 hoặc 3 ngày, số huyết bào của Farfantepenaeus paulensis giảm dần trước khi ổn định từ 7 đến 28 ngày.
Trong nghiên cứu này, từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 15, số huyết bào ở mỗi độ mặn ổn định và độ mặn càng thấp thì số huyết bào càng thấp. Tuy nhiên có sự khác biệt đáng kể trong hoạt động phenoloxidase, hoạt tính diệt khuẩn và hoạt tính kháng khuẩn trong huyết tương được ghi nhận trong cùng thời điểm. Trong môi trường bất lợi, số huyết bào của động vật giáp xác giảm, hoạt động của enzyme liên quan đến kháng bệnh giảm và vật nuôi tặng tính nhạy cảm với các mầm bệnh (Truscott & White 1990, Vargas-Albores và ctv, 1998; Winton, 1998 & 2000; Lê Moullac & Haffner, 2000).
Số huyết bào tôm giảm khi độ mặn thấp do sự gia tăng về số lượng huyết tương. Như vậy, tổng số huyết bào giảm có liên quan đến số lượng huyết tương. Như vậy, các hoạt động của enzyme miễn dịch cho mỗi đơn vị protein trong huyết tương cho thấy không có sự thay đổi rõ rệt so với giảm độ mặn.
Ảnh hưởng của pH đến khả năng miễn dịch của L. vannamei
Thông thường, pH tối ưu của tôm thẻ chân trắng là 7.6 – 8.5 (Allan & Maguire, 1992). Khi tôm đã được tiếp xúc với pH thấp hơn 7.0, hoạt động bị hạn chế, khả năng lột xác và tăng trưởng bị ảnh hưởng. Nghiên cứu của Chen và Lin (1995) cho kết quả, ấu trùng tôm Penaeus chinensis giảm tiêu thụ oxy khi pH tăng (7.0 – 8.5).
Lin và ctv (2000) báo cáo rằng khi pH ngoài phạm vi xác định sẽ ảnh hưởng đến hô hấp ở động vật giáp xác. Cheng và Chen (2000) đã phát hiện ra rằng sự thay đổi pH từ 7.6 xuống 4.8 hoặc tăng lên 9.3 trong 7 ngày thì số huyết bào bị giảm đối với tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii, và cho rằng khả năng kháng bệnh tốt nhất ở pH 7.5 – 7.7. Pan và Giang (2002) đã phát hiện ra rằng biến động pH từ 8.5 xuống 7.0 hoặc tăng lên 9.5 trong một thời gian ngắn (10 giờ) làm giảm các hoạt tính diệt khuẩn và hoạt tính kháng khuẩn của hai loài tôm nuôi, trong khi hoạt động phenoloxidase tăng đáng kể.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng khả năng miễn dịch tại mỗi mức pH thử nghiệm là ổn định, và khả năng miễn dịch này đối chứng (pH = 8,0) là cao nhất từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 12 khi pH thay đổi. Ngoại trừ pH = 8.5, khả năng miễn dịch giảm sau khi tăng hoặc giảm độ pH từ 8.5. Ảnh hưởng của pH đến khả năng miễn dịch chủ yếu tác động lên mang, đó là những cơ quan chính kiểm soát Cl-/ HC và cân bằng để duy trì độ pH trong cơ thể (Allan & Maguire 1992, Prqueux 1995). Khi đó sự tương tác này gây ra sự gia tăng mức độ tiêu thụ oxy, mất nhiều năng lượng hơn (Savant & Amte 1995) và dẫn đến một sự suy giảm về khả năng miễn dịch ở các mức pH khác nhau.
Hệ miễn dịch của tôm
Giáp xác có một hệ miễn dịch không đặc hiệu, bao gồm cả thực bào, quá trình đông máu và hình thành huyết bào và các yếu tố hoạt hóa huyết tương như hệ thống prophenoloxidase (proPO), chất dính, enzyme hoạt tính diệt khuẩn, peptide kháng khuẩn và chất ức chế proteinase (Soderhall & Cereniusl, 1992). Trong đó, hệ thống proPO đóng một vai trò chính trong việc nhận diện miễn dịch và phòng vệ đối với giáp xác, và các phản ứng miễn dịch với các yếu tố bên ngoài có thể được kích hoạt và gia tăng bởi việc truyền tải thông tin giữa các tế bào.
Soderhall và Unestam (1979) tìm thấy cơ chế của hệ thống proPO, kích hoạt bởi các tác nhân xâm nhập (vi khuẩn, nấm) và tự kích hoạt trong một điều kiện vật lý bình thường là hoàn toàn khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những thay đổi trong yếu tố môi trường đã kích hoạt hệ thống proPO và gia tăng hoạt động phenoloxidase trong huyết tương (Lê Moullac và ctv, 1998, 2000; Pan & Giang, 2002; Li và ctv, 2002; Perazzolo và ctv, 2002).
Hệ thống proPO có cơ chế kích hoạt khác nhau, nên các phản ứng miễn dịch cũng khác nhau. Vì vậy, khả năng miễn dịch của giáp xác không nên được đánh giá qua các chỉ số của hoạt động phenoloxidase, nhưng nên tham khảo các cơ chế thúc đẩy sự thay đổi miễn dịch, và làm một ước lượng toàn diện về mức độ miễn dịch của cơ thể vật nuôi.
Kết luận
Theo khả năng thích ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng khi thay đổi độ mặn, độ mặn môi trường không nên thay đổi quá 5‰, và cần chú ý đến tôm trong 6 ngày đầu khi thay đổi độ mặn. Hơn nữa, cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để duy trì sự ổn định của độ mặn môi trường nước, nhằm hạn chế dịch bệnh.
Theo khả năng thích ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng khi thay đổi pH, pH của môi trường nên được duy trì trong khoảng 8.0 - 8.5, và biến đổi pH không nên vượt quá 0.5.
Nguồn: Phòng thí nghiệm nuôi trồng thủy sản - Bộ Giáo dục, Đại học Hải Dương Trung Quốc
Dịch bởi: KS. Vũ Thị Thanh Thủy và KS. Châu Bích Liên - Công ty Cổ phần thủy sản Bình Minh - VinhthinhBiostadt Group