Ảnh hưởng của nitrite đối với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei ở các độ mặn khác nhau
Ảnh hưởng của nitrite đối với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei ở các độ mặn khác nhau
Môi trường ao nuôi ổn định với hàm lượng các chất gây độc cho vật nuôi được duy trì dưới ngưỡng ảnh hưởng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của một vụ nuôi. Đối với tôm thẻ, ammonia và nitrite là các chất độc hại, được hình thành từ các chất thải hữu cơ chứa nitơ như thức ăn dư thừa, phân tôm có thể làm cho tôm chậm lớn, dễ nhiễm bệnh hoặc thậm chí bị ngộ độc cấp tính, chết đồng loạt nếu hàm lượng quá cao. Người ta nhận thấy sự hình thành nitrite trong ao nuôi, đặc biệt là trong các ao có mật độ thả cao, diễn ra rất phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng. Nitrite tác động lên khả năng hấp thu oxy của tôm thẻ và mức độ ảnh hưởng có thể thay đổi theo độ mặn của nước ao nuôi.
Furtado và các cộng sự (2016) đã thực hiện một nghiên cứu ở Mexico để xác định tác dụng của nitrite đến tỷ lệ sống và sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở độ mặn khác nhau. Nitrite được khảo sát ở các nồng độ 0, 2.5, 5.0, 10.0, 20.0 mg NO2 và 0, 5.0, 10.0, 20.0, 40.0 mg/l tương ứng với 2 độ mặn là 8 và 24 g/l. Mỗi bể thí nghiệm có thể tích 0.2 m3 chứa 30 lít nước và 20 con tôm (mật độ ban đầu 100 con/m3). Thời gian thử nghiệm là 30 ngày. Tôm được nuôi trong môi trường ánh sáng nhân tạo với thời gian chiếu sáng là 12 giờ và nhiệt độ trung bình nước là 25°C.
Kết quả nghiên cứu cho thấy pH và oxy hòa tan của nhóm độ mặn 8 g/l cao hơn đáng kể so với nhóm 24 g/l. Cụ thể giá trị pH của nhóm độ mặn 8 g/l dao động từ 8.64 ± 0.06 đến 8.66 ± 0.05, giá trị pH của nhóm độ mặn 24 g/l dao động từ 8.40 ± 0.09 đến 8.44 ± 0.06. Nồng độ oxy hòa tan của nhóm độ mặn 8 g/l dao động từ 6.93 ± 0.36 đến 7.04 ± 0.30, trong khi của nhóm độ mặn 24 g/l dao động từ 6.10 ± 0.25 đến 6.22 ± 0.16. Các giá trị về nhiệt độ và tổng nitơ ammonia không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm nghiệm thức trong suốt quá trình nuôi.
Trọng lượng của tôm sau 30 ngày thử nghiệm ở nhóm độ mặn 24 g/l cao hơn đáng kể so với nhóm 8 g/l. Cụ thể trọng lượng cuối của tôm ở nhóm độ mặn 8 g/l dao động từ 9.86 ± 1.23 đến 8.67 ± 1.03, trọng lượng cuối của tôm ở nhóm độ mặn 24 g/l dao động từ 10.92 ± 0.96 đến 8.95 ± 1.07. Khi nồng độ nitrite càng cao thì sự tăng trưởng của tôm giảm đáng kể. Cụ thể trọng lượng cuối của tôm ở nhóm độ mặn 8 g/l giảm từ 9.86 ± 1.23 đến 8.67 ± 1.03, trọng lượng cuối của tôm ở nhóm độ mặn 24 g/l giảm từ 10.92 ± 0.96 đến 8.95 ± 1.07.
Tỷ lệ sống trung bình của tôm có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức. Khi nồng độ nitrite càng cao thì tỷ lệ sống của tôm càng giảm. Ở các nghiệm thức có độ mặn 8 g/l, tỷ lệ sống giảm từ 93.33 ± 2.88 xuống còn 0% khi nồng độ nitrite tăng từ 10 đến 20 mg/l. Tương tự như vậy, tỷ lệ sống giảm từ 90.00 ± 5.00 xuống 0% khi nitrite trong khoảng 20-40 mg/l tương ứng với độ mặn 24 g/l.
Tác dụng độc hại của nitrite ở tôm xảy ra do sự chuyển đổi sắc tố mang oxy (hemocyanin) đến dạng không thể mang oxy (meta-hemocyanin). Độc tính nitrite sẽ tăng lên khi độ mặn giảm. Cụ thể độc tính nitrite ở nhóm độ mặn 8 g/l cao hơn ở nhóm độ mặn 24 g/l. Nồng độ nitrite được xem là an toàn cho tôm là 2.5 và 10 mg/l đối với hai nhóm độ mặn 24 và 8 g/l. Khi nitrite vượt quá các nồng độ này, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm giảm rõ rệt. Nghiên cứu này đã chứng minh nitrite có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của một vụ nuôi tôm thẻ, đặc biệt trong trường hợp ao nuôi có độ mặn thấp.
KS.Lê Ngọc Giàu (Cty CP CNSH Tiên Phong) lược dịch từ: Furtado, S.P. et al. (2016). Chronic effect of nitrite on the rearing of the white shrimp Litopenaeus vannamei in two salinities. Marine and Freshwater Behaviour and Physiology, 49 (3): 201-211.