Tháng 9/2002, virus gây bệnh hoại tử cơ (IMNV) lần đầu tiên được phát hiện tại trại nuôi thuộc bang Piauis (Brazil) và lan nhanh sang các vùng lân cận chỉ trong vòng 6 tháng. Năm 2003, bệnh IMNV gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản lượng tôm nuôi tại Brazil (sau 5 năm tăng trưởng liên tục). Từ đó, Brazil phải chuyển từ hình thức nuôi thâm canh sang bán thâm canh để duy trì sản lượng.
Brazil tiến hành nghiên cứu bổ sung Beta-glucans vào thức ăn nhằm cải thiện tỷ lệ sống trên tôm thẻ chân trắng nhiễm virus gây bệnh hoại tử cơ – IMNV (Brazil)
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh IMNV và hướng nghiên cứu
Khi tôm đạt trọng lượng trung bình (TLTB) 7g/con thì thường nhiễm bệnh IMNV và có các dấu hiệu đặc trưng như cơ bụng chuyển sang màu trắng đục, đỏ thân và chết. Đến khi tôm được 120 ngày tuổi, tỷ lệ chết tăng lên 70%, TLTB là 12-14g/con và FCR > 2.
Dù vậy, vẫn chưa có phương pháp nào điều trị hiệu quả bệnh IMNV. Vì không thể sử dụng vaccine nên nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm một số hợp chất nhằm kích thích miễn dịch cho tôm. Điều này giúp tôm nhiễm bệnh (do virus hoặc vi khuẩn) có thể tăng tỷ lệ sống. Các hợp chất được nghiên cứu bao gồm peptidoglycan, glucans, lypopolysaccharides và fucoindans sulfate.
Tiếp theo đó, tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, Litopenaeus vanname, được thả vào 20 bể Polypropylene có dung tích 500L/ bể, mỗi bể chứa 57 con (mật độ TB là 100 con/m2) để cảm nhiễm với virus gây bệnh IMNV qua đường miệng,
Tôm được cho ăn liên tục trong 70 ngày bằng thức ăn được phối trộn trong phòng thí nghiệm, bao gồm 1 nghiệm thức thức ăn có bổ sung Beta-1,3/1,6-glucan (chiết xuất từ vách tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae) và 3 nghiệm thức đối chứng (không bổ sung Beta-1,3/1,6-glucan), bảng 1.
Bảng 1 - Bảng trình bày các nghiệm thức
*Mặc dù, ban đầu tôm không cảm nhiễm với IMNV nhưng khi kiểm tra PCR lại dương tính với IMNV vào thời điểm kết thúc nghiên cứu.
Trong đó,
COM: Nghiệm thức thức ăn có độ đạm cao, sử dụng cho tôm không cảm nhiễm IMNV
REF: Nghiệm thức thức ăn cơ bản, không có chứa Beta-glucan, sử dụng cho tôm không cảm nhiễm IMNV
IREF: Nghiệm thức thức ăn cơ bản, sử dụng cho tôm cảm nhiễm với IMNV qua đường miệng
IBET: Nghiệm thức thức ăn cơ bản, bổ sung Beta-1,3/1,6-glucan, sử dụng cho tôm cảm nhiễm với IMNV qua đường miệng
Các nghiệm thức thức ăn có thành phần dinh dưỡng gần như tương tự nhau, ngoại trừ nghiệm thức có bổ sung thêm Beta-glucan (IBET), bảng 2.
Tôm được cho ăn khoảng 5 giờ/ ngày, mỗi ngày cho ăn 2 cử (sáng & chiều).
Bảng 2 - Thành phần thức ăn được sử dụng trong quá trình nghiên cứu
2. Cảm nhiễm với IMNV
2.1 Thu mẫu
Mầm bệnh được thu từ mẫu tôm có TLTB 12 - 14g/con và có dấu hiệu nhiễm nặng IMNV, tại khu vực đầu tiên phát hiện tôm nhiễm bệnh IMNV (Brazil). Ngoài ra, nghiên cứu còn thu mẫu tôm trong các ao nuôi thương phẩm có tỷ lệ sống thấp khi thu hoạch (32%).
Nhóm nghiên cứu tiến hành cố định mẫu tôm trong ethanol 95% để thực hiện phân tích PCR truyền thống và PCR real-time. Kết quả PCR, mẫu tôm thu về âm tính với virus gây bệnh Taura, đốm trắng và virus gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu dưới vỏ, nhưng lại dương tính với IMNV.
2.2 Cảm nhiễm
Tôm được cho ăn phần mô có chứa mầm bệnh IMNV. Qúa trình cảm nhiễm IMNV được tiến hành trong 3 ngày liên tục khi tôm đạt TLTB 4.9-6.9 g/con hoặc 24 ngày sau khi cho tôm ăn các nghiệm thức thức ăn.
Tỷ lệ cho ăn trong giai đoạn cảm nhiễm thay đổi theo ước tính sinh khối tôm (4 - 5.2%). Trong thời gian cảm nhiễm bệnh, tôm ở nghiệm thức COM và REF vẫn được cho ăn bằng thức ăn thông thường.
3. Kết quả
3.1 Tỷ lệ sống
Tỷ lệ sống của tôm giảm rõ rệt sau khi tiến hành cảm nhiễm bệnh qua đường miệng (Hình 1).
Hình 1 - Tỷ lệ chết tích lũy của tôm sau khi cảm nhiễm với IMNV. Các chữ cái khác nhau biểu thị sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0.05)
Ba ngày sau khi cảm nhiễm cho đến khi kết thúc thử nghiệm, tỷ lệ chết của tôm ở nghiệm thức IREF có sự thay đổi đáng kể so với các nghiệm thức khác (P<0.05). Ngược lại, tỷ lệ chết tích lũy trên tôm không có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức COM, REF và IBET (P>0.05). Bất kể là nghiệm thức sử dụng thức ăn nào thì tỷ lệ chết cũng >30% hoặc cao hơn. Riêng đối với nghiệm thức IREF, tỷ lệ chết ngừng ở mức 67%.
Kết thúc thử nghiệm, tỷ lệ sống cao nhất được quan sát thấy ở nghiệm thức COM (69.5 ± 12.7%), và có sự khác biệt không đáng kể so với nghiệm thức REF (hình 2). Nhưng nghiệm thức IREF là nhóm có tỷ lệ sống thấp nhất (23.2 ± 5.76%).
Hình 2 - Tỷ lệ sống và TLTB của tôm sau khi cảm nhiễm với IMNV
Nghiệm thức IBET có tỷ lệ sống cao hơn nghiệm thức IREF (48.1 ± 8.53%).
3.2 Kết quả về tốc độ tăng trưởng
Tôm tăng trưởng liên tục trong giai đoạn ương. Tốc độ tăng trưởng mỗi tuần từ 0.56 g/ con (tôm ương 14 ngày) đến 0.77 g/con (2 tuần trước khi kết thúc thử nghiệm).
Khi kết thúc thử nghiệm, TLTB tôm cao nhất lại tương ứng với tỷ lệ sống thấp nhất (11.2 ± 0.58 g/ con), hình 2.
TLTB của tôm ở nghiệm thức IREF cao hơn đáng kể so với các nghiệm thức khác (P<0.05). TLTB ở nghiệm thức COM và REF có sự khác biệt không đáng kể. TLTB ở nghiệm thức IBET thấp hơn rất nhiều so với nghiệm thức REF (P<0.05).
4. Kết luận
Nhận thấy tôm ở nghiệm thức IREF và IBET rất nhạy cảm với mầm bệnh IMNV. Tỷ lệ chết cao khoảng 76.8% khi kết thúc thử nghiệm, với TLTB đạt 8 g/con.
Như vậy, khi nhiễm bệnh IMNV, biểu hiện bệnh của tôm rất rõ ràng ở tất cả kích cỡ nhưng tỷ lệ chết cao nhất thường thấy ở tôm có TLTB từ 6 - 8 g/con. Việc bổ sung Beta-1,3/1,6-glucan giúp tăng tỷ lệ sống trên tôm thẻ chân trắng L.vannamei, nhưng hiệu quả đối với tốc độ tăng trưởng chưa được rõ ràng.
Nguồn: Alberto J. P. Nunes, Ph.D.. Brazil Study: Beta-Glucans Improve Survival Of IMNV-Infected White Shrimp. Global aquaculture advocate, September/ October 2010, page 84 - 85.
Người dịch: Th.Sĩ Lê Hải Quỳnh - Công ty Vinhthinh Biostadt