Thức ăn cho tôm bố mẹ thường bao gồm các sinh vật tươi sống như mực, giun đất, hàu, và cá. Sử dụng chúng cần nhiều công lao động và có những bất lợi như an toàn sinh học kém, những vấn đề về chất lượng nước, chi phí cao, và giá trị dinh dưỡng thay đổi theo mùa. Những nỗ lực cần phải được tập trung vào việc thay thế thức ăn tươi sống bằng thức ăn nhân tạo để .
Thức ăn nhân tạo cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho giai đoạn sinh sản của tôm bố mẹ, giảm chi phí, dễ dàng lưu trữ, có thể cho ăn chủ động và ít ảnh hưởng đến chất lượng nước. Sự kết hợp của thức ăn nhân tạo trong khẩu phần ăn của tôm bố mẹ đã được thử nghiệm trên tôm sú - Penaeus monodon, tôm xanh Nam Mỹ - Litopenaeus stylirostris, tôm thẻ chân trắng - L. vannamei, và tôm he Ấn Độ - Fenneropenaeus indicus.
Hình 01 - Lấy túi tinh từ tôm đực
DINH DƯỠNG CỦA TÔM ĐỰC (TÔM BỐ)
Hầu hết các nghiên cứu về ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với sự thành thục và sinh sản của tôm được đánh giá dựa trên chất lượng sinh sản của tôm mẹ, trong khi đó chất lượng sinh sản của tôm bố thường ít được quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng đầy đủ của cả hai giao tử đực và cái là cần thiết cho thụ tinh, ngoài ra việc sinh sản không thành công có thể là do tôm bố.
Dữ liệu khoa học cho thấy rằng dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành thục của cả tôm đực và tôm cái. Tiêu chí đánh giá chất lượng sinh sản của tôm đực (số lượng tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng bất thường) được sử dụng để nghiên cứu ảnh hưởng của dinh dưỡng.
NGHIÊN CỨU CỦA TRUNG TÂM THÍ NGHIỆM NÔNG NGHIỆP TEXAS (TAES)
Nghiên cứu về sự thành thục sinh dục của tôm he đã được thực hiện tại Trung tâm thí nghiệm nông nghiệp Texas (TAES), dự án nuôi tôm của hệ thống trường Đại học Texas A & M ở Port Aransas, Texas, Hoa Kỳ.
Một thử nghiệm cho ăn trong 56 ngày tại TAES đánh giá chất lượng sinh sản của tôm đực L. vannamei (tôm thẻ chân trắng) sau khi được cho ăn với các tỷ lệ khác nhau của mực tươi đông lạnh và thức ăn nhân tạo chứa 50% protein, 10% lipid, 4% chất xơ thô, 12% tro , 8% độ ẩm, và một nguồn cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất (Bảng 1).
Bảng 1 - Chế độ cho ăn trong 56 ngày của tôm L. vannamei
CHẤT LƯỢNG TINH TRÙNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN
Chất lượng tinh trùng và mức tăng trọng của tôm đực đã chịu ảnh hưởng đáng kể bởi chế độ ăn. Vào lúc bắt đầu thí nghiệm, tất cả tôm đực có số lượng tinh trùng tương tự, với giá trị trung bình 7,2 triệu tinh trùng. Tại thời điểm kết thúc, kết quả thu được ở nghiệm thức cho ăn thức ăn nhân tạo có số lượng tinh trùng và tăng trọng cao hơn.
Tôm ăn với tỉ lệ 75% thức ăn nhân tạo và 25% mực có số lượng tinh trùng và tăng trọng cao nhất: 11,8 triệu tinh trùng và 1,0 g. Sau đó là tôm ăn với tỉ lệ 50% thức ăn nhân tạo và 50% mực (7,8 triệu tinh trùng và 0,7 g), tôm ăn 100% thức ăn nhân tạo (9,6 triệu tinh trùng và 0,3 g), và tôm ăn 100% mực (6,6 triệu tinh trùng và giảm 0,8 g).
Kết quả nghiên cứu này cho thấy mực không cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho tôm đực.
Sự tăng trưởng hạn chế của tôm đực trong nghiên cứu này cũng đã được quan sát thấy vào năm 1995 bởi Wang và cộng sự (cho tôm đực của cùng một loài ăn mực trong 24 ngày).
SINH VẬT SỐNG (DÙNG CHO TÔM BỐ MẸ ĂN) THIẾU DINH DƯỠNG
Mực và các sinh vật sống khác vẫn tiếp tục được sử dụng trong các cơ sở nuôi tôm thành thục và sinh sản. Một số loài như giun đất (blood worm) được coi là không thể thiếu trong dinh dưỡng cho tôm bố mẹ
Mặc dù kết quả phân tích sinh hóa của mực cho thấy chúng là loài động vật có dinh dưỡng rất tốt, đặc biệt là chất béo và protein, kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng mực không cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho tôm đực khi được sử dụng là thức ăn duy nhất.
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này cho rằng các sinh vật sống không cung cấp đầy đủ một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất, để hỗ trợ sự thành thục sinh dục và sinh sản của tôm he. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng vào thức ăn tươi sống đã được khuyến cáo.
Kết quả của nghiên cứu này hỗ trợ cho nhận định trên. Tuy nhiên, cần có thêm những hiểu biết về vai trò của vitamin, khoáng chất, cholesterol, phospholipid, axit béo, và các chất dinh dưỡng khác vào sự thành thục sinh dục và sinh sản của tôm đực.
TÁC GIẢ:
Tiến sĩ Martin Perez-Velazquez, Tiến sĩ Mayra Lizett González-Félix, Đại học Sonora, Mexico
Tiến sĩ Addison L. Lawrence, Texas A&M University System, Shrimp Mariculture Project, Port Aransas, Texas, USA
Nguồn: GLOBAL AQUACULTURE ADVOCATE - Tháng 10/2002 - Nutrition - Maturation Diets for Male Shrimp: Fresh Food vs Formulated Feeds.
Người dịch: KS NGUYỄN VĂN THÀNH - CÔNG TY VINHTHINHBIOSTADT