Khi tôm đạt trọng lượng từ 5g trở lên, tập tính của tôm trong ao nuôi khá giống nhau giữa các loài. Do đó, mục tiêu của bài viết dưới đây cho chúng ta cách nhìn chung về tập tính của các loài tôm.
1. Tổng quan về tôm nuôi
Khi còn nhỏ, tôm trải qua nhiều quá trình thay đổi về tập tính và sinh lý. Nhưng khi đạt kích cỡ từ 2 – 5 g/con thì chúng bắt đầu bơi lội và hoạt động như tôm trưởng thành. Hầu hết các cuộc quan sát trong ao nuôi tôm của Rod đều thực hiện với tôm ấu niên và tôm trưởng thành.
Các ao nuôi được thả với mật độ 20 con/m2, nhưng mật độ trong khu vực quan sát lên đến 250 – 400 con/m2, trong khi đó hầu như không có con nào ở dưới đáy ao. Đó là một trong những vấn đề quan trọng thấy được trong ao nuôi và dường như việc này đều xảy ra hầu hết ở các loài tôm. Ở giai đoạn tôm ấu niên, chúng hoạt động theo đàn.
Suốt thời gian ban ngày, tôm tập trung thành đàn và bơi xung quanh đáy ao để tìm kiếm thức ăn. Chúng di chuyển khá nhanh, đặc biệt là các loài sống đáy. Dẫn đầu là những con tôm lớn nhất, cuối đàn là những con tôm nhỏ nhất hoặc đôi khi không phải vậy. Những con tôm nhỏ nhất tập trung gần bờ để tìm thức ăn và ẩn nấp.
Trong đàn tôm, cuộc cạnh tranh thức ăn rất khốc liệt. Chắc chắn những con đi đầu sẽ dễ dàng lấy thức ăn hơn. Vì thế, nếu chúng ta rải thức ăn không đều, những con đầu đàn sẽ ăn hết.
2. Tôm bơi theo đàn hình giọt nước
Tôm bơi theo hình giọt nước, chỗ phình đằng trước là tôm lớn nhất, hẹp về phía sau là tôm nhỏ hơn.
Khi mặt trời lên, số lượng tôm trong đàn khá nhỏ, có lẽ chỉ 5 – 6 con. Nhưng khi chúng bắt đầu di chuyển khắp đáy ao để tìm thức ăn thì gặp những đàn khác và chúng gộp lại với nhau. Quá trình này lặp lại cho đến khi nó tạo thành một đàn lớn. Rod McNeil không biết tôm lớn như thế nào là nhiều, nhưng ông thấy có vài ngàn con tôm trong đàn.
3. Tập tính ăn mồi
Khi thức ăn rơi cách đàn tôm trong vòng 10 m, tôm cảm nhận được ngay lập tức, chúng đổi hướng và tiến đến thức ăn. Nếu chúng ta rải một lớp thức ăn ngay trước đàn tôm, cách khoảng 1 phút trước khi chúng đến nơi, toàn bộ đàn tôm sẽ tăng tốc tiếp cận thức ăn, làm cho thức ăn bị cào và chôn xuống đáy trước khi chúng kịp ăn.
Tôm là một loài cơ hội, chúng vồ lấy lớp thức ăn trên cùng và không quan tâm phần thức ăn bị làm đảo lộn bên dưới. Điều thú vị khác là chúng bắt lấy một viên thức ăn và tiếp tục đi theo đàn. Chúng dường như không muốn bỏ lỡ thức ăn nơi khác và cũng không muốn bỏ lại đằng sau. Chúng mang theo thức ăn, gặm một lúc và nhả ra. Hoặc nếu thấy một viên thức ăn lớn hơn, chúng sẽ buông viên đầu ra và cào viên lớn hơn. Vì vậy, nếu nhìn vào một sàng thức ăn hay một đống thức ăn ( do rải không đều), bạn sẽ thấy một vệt dài các hạt thức ăn nhỏ di chuyển theo hướng đi mới của đàn tôm. Tôm nhỏ và những con tôm đi sau sẽ ăn những mảnh còn sót lại của tôm lớn.
Nếu đàn tôm tương đối nhỏ, chúng sẽ moi những thức ăn đã bị vùi lấp.
Vào ban đêm, khi đàn tôm tản ra, chúng sẽ quay trở lại tầng đáy để đào những viên thức ăn bị vùi lấp.
Chúng ta sẽ không thấy hoạt động đào bới của tôm thẻ chân trắng trong suốt thời gian ban ngày và cũng gần như vậy vào buổi tối. Những loài khác, như tôm sú, hoạt động đào bới diễn ra mạnh mẽ suốt cả ngày. Các viên thức ăn thường bị vỡ thành những mảnh nhỏ khi tôm tìm thấy.
4. Sự phân bố của tôm vào ban đêm
Vào ban đêm, có thể 1 giờ trước khi mặt trời lặn, đàn tôm bung ra, tản ra khắp đáy ao và bắt đầu đào bới tìm thức ăn. Lúc này, chúng ăn thức ăn tự nhiên trong ao và không thích thức ăn viên nhiều. Tôm sẽ đi ngang qua thức ăn, đào một cái lỗ và gặm cái gì đó, thường là Rod không biết là tôm ăn gì.
Khoảng 2 giờ trước khi mặt trời mọc, tập tính ăn của tôm bắt đầu thay đổi, chúng chuyển sang ăn thức ăn viên.
5. Cho tôm ăn vào ban đêm
Nhìn chung, tôm thường ít sử dụng thức ăn công nghiệp vào ban đêm. Tôi sẽ không cho ăn quá 1/3 hoặc 1/4 tổng lượng thức ăn vào ban đêm. Cho ăn từ khoảng 22 giờ đến 4 giờ sáng là một thói quen xấu. Bởi vì tôm lãng phí quá nhiều thức ăn, từ việc giẫm đạp lên cho đến cắn hoặc xé nhỏ thức ăn. Lượng thức ăn bị lãng phí trong ao rất khủng khiếp, ít nhất 1/3 lượng thức ăn.
Nguồn: www.blacktigerprawn.info
Người dịch: KS HUỲNH THỊ BÍCH THINH - VINHTHINH BIOSTADT