Tiến sĩ Bill MaGraw – chuyên gia lĩnh vực nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn (RAS) – cho rằng giải pháp duy nhất để hạn chế việc bùng phát dịch bệnh là phải sử dụng hệ thống tuần hoàn, không thay nước và đảm bảo an toàn sinh học khi nuôi tôm.
Bùng phát (dịch bệnh) và phá sản là 2 từ mô tả đúng nhất đối với lược sử nuôi tôm thế giới hiện nay. Hình thức nuôi luôn phải thay đổi để ứng phó với dịch bệnh. Từ những năm thập niên 90, tương tự các khu vực nuôi tôm khác trên thế giới, Panama cũng chịu nhiều tổn thất to lớn từ sự lây lan dịch bệnh do virus đốm trắng. Một số vùng biên giới ra lệnh cấm vận vì khả năng lây lan dịch bệnh. Sản xuất tôm vẫn còn ảm đạm ở quốc gia có tiềm năng to lớn này. Nhưng trong vòng 50 năm trở lại đây, nền công nghiệp nuôi tôm ở Panama phát triển trở lại, ổn định hơn với hình thức nuôi thưa, mật độ thấp (5 con/m2).
Mỹ vẫn là nước đứng đầu về các nghiên cứu dịch bệnh trên tôm – quốc gia đầu tiên phát triển dòng di truyền miễn dịch
Những năm đầu thập niên 80, nền công nghiệp nuôi tôm ở Mỹ phát triển vượt bậc nhờ vào dòng tôm sạch bệnh (SPF), sản xuất trong các trại giống, cho sản lượng tôm nuôi cao (đạt 2.700 tấn vào cuối năm 1994).
Vài năm sau đó, dịch bệnh do virus đốm trắng và Taura hoành hành, giảm 2/3 tổng sản lượng tôm nuôi. Dịch bệnh bùng phát từ tôm nuôi ở châu Á, sau đó lan rộng từ ao này sang ao kia thông qua môi trường nước.
Năm 2003, sản lượng tôm tăng trở lại (đạt 5.500 tấn) do tính kháng bệnh của giống tôm nuôi được cải thiện khi nuôi ao thương phẩm. Đây vẫn là năm có sản lượng nuôi cao nhất ở nước Mỹ tính đến hiện nay. Nhưng vì do đợt hàng nhập khẩu rẻ tiền ngay sau đó, nên sản lượng nuôi sụt giảm dần – tình trạng này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Tuy vậy, hệ thống nuôi tuần hoàn còn hạn chế trong giai đoạn nghiên cứu ở Mỹ vì giá đất vùng duyên hải khá cao, thức ăn, nhân công, điện, và nhu cầu cung cấp nhiệt cho hệ thống tối thiểu 5 tháng/ năm. Sản lượng nuôi toàn quốc của Mỹ hiện nay đang ở mức thấp hơn 1.700 tấn (gần như thu hoạch từ các ao nuôi thương phẩm), trong khi các thử nghiệm để phát triển tôm nuôi trong hệ thống tuần hoàn lại thất bại hơn 25 năm qua.
Năm 1975 - 1980, Panama đã bắt đầu nuôi tôm theo kỹ thuật hiện đại, được hỗ trợ bởi tập đoàn Purina – chuyên sản xuất thức ăn cho vật nuôi (cũng tương tự với khoảng thời gian bắt đầu nghiên cứu của Mỹ)
Những năm 90, Panama vẫn chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh đốm trắng hoành hành. Kết quả, sản lượng tôm nuôi giảm 90%. Dù hệ thống nuôi tuần hoàn được nghiên cứu rất thành công ở Panama, nhưng vì thiếu sự đầu tư, không được chính quyền hỗ trợ, không có được dòng gene sạch bệnh (SPF) cần thiết để đạt tốc độ tăng trưởng cao nên tiềm năng của Panama vẫn chưa được phát triển đúng mức.
Rất khó để biết được sản lượng chính xác của công nghiệp nuôi tôm ở Panama hiện nay vì không có giá trị thực tế để thống kê. Tất cả đều ước lượng từ giá trị xuất khẩu. Do đó, con số về sản lượng tôm của Panama có thể là sự phản ánh chính xác những gì nhà chính quyền mong muốn hơn sản lượng thực tế.
Trên thế giới, dịch bệnh trên tôm gây nhiều tổn thất và có ảnh hưởng nhất định đến sản lượng của mỗi vùng. Hiện nay, tôm nuôi cung cấp cho nội địa khoảng 52% sản lượng và an toàn thực phẩm là vấn đề đang được chú ý hiện nay.
Ở châu Á – nơi cung cấp 80% sản lượng tôm toàn thế giới - báo cáo rằng dịch bệnh gây thiệt hại lên đến 20 tỷ USD trong 10 năm qua, và 10 tỷ USD trong 10 năm trước đó.
Sản lượng xuất khẩu của Ecuador (nhà sản xuất tôm lớn nhất ở bán cầu Tây) giảm 70% vào năm 2001 do virus đốm trắng. Năm 2016, sản lượng tôm nuôi của Brazil (nhà sản xuất tôm lớn thứ hai ở Nam Mỹ) cũng giảm 30% vì dịch bệnh do virus đốm trắng. Tương tự, Úc cũng chịu tổn thất do dịch đốm trắng hoành hành.
Năng suất sụt giảm do dịch bệnh không chỉ xảy ra trên tôm, mà tình hình tăng trưởng của cá rô phi hiện nay cũng rất ảm đạm. Khi cá rô phi nhiễm bệnh do virus, tỉ lệ chết có thể lên đến 90%, thường xảy ra ở 1 số nước xem cá rô phi là đối tượng nuôi chính như Colombia, Ecuador, Ai Cập và Israel. Cá hồi cũng đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh khác nhau.
Theo nghiên cứu của Sylvia Bolanos ở trường đại học Miami, sự tồn tại của ngành công nghiệp nuôi tôm ở Panama đòi hỏi sự hội nhập, nuôi ghép với các loài khác hoặc đưa ra định hướng về một loài tôm hữu cơ giá trị cao hơn trên thị trường Mỹ. Như vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát (như virus gây bệnh đốm trắng,..) là một nhu cầu hiển nhiên. Theo Bolanos :“Các trại nuôi thủy sản ở Panama không bao giờ được hồi phục một cách thật sự”.
Kết luận
Dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ lại bùng phát ở Châu Mỹ La Tinh khi không có bất cứ biện pháp an toàn sinh học hay hệ thống nuôi tuần hoàn nào. Để cứu lấy nền công nghiệp nuôi tôm toàn cầu khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có một cách duy nhất là chuyển đổi mô hình nuôi theo hướng nuôi trồng thủy sản bền vững hơn.
Mỹ vẫn duy trì hoạt động nuôi theo quy mô nhỏ, mặc dù ở quốc gia này thường có sự đột phá trong các nghiên cứu về tôm nuôi.
Nguồn: Dr.Bill MaGraw - How can we save the global shrimp industry from devastating diseases? - Page 22 - 23 - Aqua Practical, Vol.3, Issue 1, Jan - Mar 2018
Người dịch: Th.Sĩ Lê Hải Quỳnh - Vinhthinh Biostadt Group