Bùn và cặn được tích lũy trong quá trình nuôi tôm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu không được xử lý. Qua một vụ nuôi, ao tôm tích lũy lại rất nhiều vật chất khác nhau: thức ăn dư thừa, chất hữu cơ, phân tôm và xác thực vật phù du. Các chất này lắng xuống hình thành lớp bùn đáy.
Quản lý bùn đáy không tốt sẽ dẫn tới hàng hoạt các vấn đề như nồng độ ammonia tăng lên, oxy hòa tan giảm, chất lượng nước suy giảm.
Dưới đây trình bày một số khuyến nghị chung để quản lý tốt đáy ao.
1. Sử dụng lớp bạt lót phù hợp
Lót bạt đáy là một cách thức hữu hiệu để đảm bảo an toàn sinh học cho ao nuôi. Trong ao đất, sự tiếp xúc trực tiếp giữa nền đáy và nước ao sẽ thúc đẩy các phản ứng yếm khí, gây độc cho tôm. Lớp bạt đáy, HDPE hoặc bê tông sẽ ngăn chặn vấn đề này và giúp cho việc quản lý chất lượng nước và đáy ao dễ dàng hơn. Nhựa và HDPE là những vật liệu lót đáy ao hiệu quả, tuy nhiên bê tông mới là phương án tốt nhất cho mục đích quản lý bùn đáy ao.
Sử dụng lớp lót ao có thể cải thiện an toàn sinh học và giúp quản lý đáy ao dễ dàng
|
2. Thiết kế ao nuôi
Ao nuôi tôm có thể có các hình dạng khác nhau: hình chữ nhật, hình tròn, hình vuông. Hình dạng ao nuôi có ảnh hưởng khá lớn đến dòng chảy và sự tích tụ bùn trong ao. Mỗi hình dạng có ưu, nhược điểm riêng, tuy nhiên nên sử dụng ao hình tròn hoặc hình vuông vì sẽ tạo dòng chảy trong ao tốt hơn.
Hình 1: Nguyên lý làm việc của ống xả đáy |
Một yếu tố quan trọng nữa khi thiết kế ao là cấu hình của đáy ao. Đáy ao nên bố trí ống xả bùn đáy. Ống xả thải này hoạt động trên nguyên tắc trọng lực và các dòng hướng tâm tạo ra bởi hệ thống quạt nước sẽ gom bùn vào giữa ao. Lớp bùn này sẽ được đưa ra ngoài qua hệ thống ống sử dụng bơm hoặc trọng lực.
3. Bố trí hệ thống cấp khí
Hệ thống cấp khí không chỉ cung cấp oxy mà còn có tác dụng gom bùn về ống xả thải. Hình thức được sử dụng phổ biến nhất là hệ thống quạt nước. Có 2 vấn đề cần cân nhắc khi thiết kế hệ thống quạt nước này: số lượng và cách bố trí.
Số lượng quạt nước phụ thuộc vào kích thước ao và mật độ thả giống, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy và thu gom bùn. Có thể áp dụng nguyên tắc: lắp động cơ gắn quạt nước 6 mã lực cho ao nuôi 1000m2 với mật độ 100 con/m2
Hình 2: Bố trí hệ thống cấp khí theo kiểu: song song (phải) và đường chéo (trái) |
Việc bố trí hệ thống quạt nước phải đảm bảo không làm xuất hiện các điểm tích tụ bùn ở cạnh và góc ao. Có 2 kiểu thiết kế chính: song song và đường chéo (như minh họa ở hình bên dưới).
Trong 2 cách bố trí này, kiểu song song hạn chế hơn do có nhiều góc chết. Thiết kế theo kiểu đường chéo sẽ tạo dòng chảy với diện tích rộng hơn và ít có các góc chết hơn. Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy cách bố trí theo kiểu đường chéo hiệu quả hơn trong việc gom bùn về giữa ao và tạo ra lượng oxy nhiều hơn.
4. Đánh giá định kỳ đáy ao
Trong vụ nuôi, một vấn đề rất quan trọng là nắm rõ chất lượng của các chất lắng tụ để đánh giá được tác hại của nó đối với bùn đáy. Việc này được thực hiện bằng cách lấy mẫu bùn tại chỗ và kiểm tra các thông số:
- Thế oxi hóa khử
- pH
- H2S (pH2S)
- Ammonia hòa tan (NH4-N sol.).
Bảng bên dưới thể hiện khoảng phù hợp và mức nguy hiểm của từng thông số
.
Việc lấy mẫu phải được thực hiện thường xuyên, ít nhất là hai lần trong một vụ nuôi, chẳng hạn lúc giữa vụ khi bùn bắt đầu hình thành và cuối vụ để đánh giá. Ngoài ra cần phải lấy mẫu và kiểm tra bùn khi xuất hiện các hiện tượng bất thường trong ao: có tôm chết, chất lượng nước suy giảm, tôm có biểu hiện chậm lớn.
Thông số |
Đơn vị |
Khoảng giá trị |
Mức độ nguy hiểm |
Mức độ tối ưu |
Thế oxi hóa khử |
mV |
+300 tới -300 |
< -200 |
+100 tới +200 |
pH |
Đơn vị pH |
5 - 9 |
< 7 |
7.5 - 8.5 |
pH2S |
Đơn vị pH2S |
2 - 15 |
< 7.5 |
12 - 15 |
NH4-N sol. |
Mmol ml-1 of sed |
0 - 500 |
Không đánh giá* |
0 – 500 |
*Tùy thuộc vào đặc điểm của ao nuôi, cần duy trì ở mức thấp nhất có thể
5. Rút bùn đáy ao
Rút bùn đáy (siphon) là một phương pháp hiệu quả để làm sạch đáy ao. Chúng tôi thường khuyến cáo người nuôi thực hiện rút bùn đáy lần đầu sau giai đoạn nuôi mù (khoảng 13 ngày từ lúc thả tôm). Rút bùn đáy không có tần suất cố định vì phụ thuộc vào tình trạng của đáy ao, nên thực hiện tối thiểu một lần/ngày hoặc hai lần/tuần. Nên thực hiện rút bùn đáy vào sáng sớm, trước khi cho ăn cữ đầu trong ngày để loại bỏ thức ăn thừa, phân, xác hoặc tôm chết từ ngày hôm trước.
Nên làm sạch đáy ao mỗi ngày một lần
|
6. Sử dụng hóa chất và chế phẩm sinh học
Các hóa chất và chế phẩm sinh học được sử dụng để quản lý đáy ao, nhằm kiểm soát các tác nhân có hại, thúc đẩy quá trình phân hủy các chất hữu cơ và tăng lượng oxy hòa tan.
Kali pemanganat (KMnO4) là chất oxy hóa thường được sử dụng vì nó có thể phân hủy bùn nhanh chóng. Tần suất xử lý KMnO4 có thể thay đổi, phụ thuộc vào chất lượng nước ao, đặc biệt là nồng độ hay tải trọng chất hữu cơ. Chúng tôi khuyến cáo liều dùng khoảng 1 -2 ppm.
Hydrogen peroxide (H2O2) cũng là một chất oxy hóa có thể sử dụng để phân hủy các chất hữu cơ. Một ml H2O2 6%, tạo ra 3mg/l oxy hòa tan. Cần chú ý ngưỡng an toàn khi sử dụng H2O2 làm nguồn cung cấp oxy là 14,3 μl/l.
Sử dụng chế phẩm sinh học mang lại nhiều lợi ích cho một vụ nuôi. Đối với bùn đáy, chế phẩm sinh học thúc đẩy quá trình oxy hóa chất hữu cơ và quá trình nitrate hóa, chuyển hóa ammonia thành nitrite và nitrate. Những quá trình này làm giảm mức độ độc hại của bùn đáy ao.
7. Lập bản đồ bùn
Khi kết thúc một vụ nuôi, người nuôi thường xả hết nước trong ao và dọn sạch bùn đáy. Trước đó một việc người nuôi nên làm là xác định những vị trí tích tụ bùn và lập một bản đồ bùn.
Để lập bản đồ, người nuôi vẽ sơ đồ ao, sau đó chia nhỏ bằng các đường kẻ. Tiếp theo là đánh dấu các vị trí tích tụ bùn. Có thể dùng ký hiệu để phân biệt mức độ hình thành bùn ở các vị trí đã được đánh dấu. Việc lập bản đồ bùn giúp người nuôi xác định được vị trí của bùn và có những điều chỉnh phù hợp áp dụng cho vụ nuôi tiếp theo để giải quyết vấn đề này. Một ví dụ của bản đồ bùn được thể hiện ở hình bên dưới.
Người nuôi cần lưu ý là việc quản lý bùn đáy ao có tác động mật thiết đến chất lượng nước ao. Các chất thải hữu cơ chính là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Vì vậy các biện pháp quản lý và xử lý hiệu quả nguồn ô nhiễm này sẽ giúp tạo ra một môi trường ao nuôi sạch và một vụ nuôi thành công.
Nguồn : The Fish Site – Seven tips to improve pond bottom quality in shrimp farms.
Lược dịch bởi : Kỹ Sư Nguyễn Thị Thúy Anh - Công Ty CP CNSH Tiên Phong