Độ đục và sự keo đặc của nước ao nuôi tôm
ĐỘ ĐỤC
Trong các ao nuôi tôm, đôi khi người nuôi gặp phải tình trạng nước ao đục không phải do tảo tạo ra. Phần lớn các trường hợp như vậy là do các hạt sét, bùn … lơ lửng trong nước. Ao nuôi quá cạn (từ 1 – 1,2 mét) cũng gặp phải tình trạng này nếu như nến đáy ao không được bơm hút, sên vét kỹ càng trong giai đoạn cải tạo ao, sự rửa trôi đất từ bờ ao trong mùa mưa diễn ra liên tục cũng có thể gây nên tình trạng này. Tuy nhiên, trong nuôi tôm chân trắng, đôi khi độ đục không đến từ các yếu tố tự nhiên mà do chính chúng ta tạo ra bất lợi đó. Người nuôi thường bón một lượng vôi rất lớn khi cải tạo ao với mục đích gia tăng độ kiềm trong ao đạt yêu cầu thả nuôi, nhiều trường hợp các loại vôi sử dụng kém chất lượng, tạp chất rất nhiều, do đó tạo nên tình trạng ao bị đục khó xử lý.
Độ đục của ao nuôi bởi mùn bã, hạt sét hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến tôm tuy nhiên chúng có thể gây nên các ảnh hưởng gián tiếp khác. Độ đục làm hạn chế sự phát triển của tảo, cản trở quá trình hô hấp của tôm nuôi và hạn chế oxy hoà tan vào nuôi.
Ngoài ra, người nuôi cũng có thể gặp phải tình trạng ao nuôi có váng, bọt và bong bóng trên mặt nước, trong những trường hợp này, chất lượng nước quan sát thường không tốt. Váng có thể do tảo nổi trên bề mặt, dầu áo thức ăn; bọt có thể gây nên bởi dư thừa thức ăn, tảo giáp và bong bóng có thể do tình trạng quá bảo hòa của oxy, do khí Metan, CO2 hoặc vài loại khí khác sinh ra trong quá trình phân hủy hữu cơ diễn ra trong ao.
Để phòng ngừa tình trạng nước ao bị đục, các giải pháp sau đây cần được chú ý:
1. Sên vét, đầm nén đáy ao kỹ.
2. Sử dụng vôi đúng liều lượng và có chất lượng tốt.
3. Cấp nước vào ao qua túi lọc để loại bỏ các hạt sét, nên lựa chọn con nước tốt, trong.
4. Phủ bạt bờ ao để chống hiện tượng rửa trôi đất từ bờ ao, nếu ao không thể phủ bạt bờ thì nên bón vôi CaO hoặc CaCO3 trên bờ ao trước khi trời mưa.
NƯỚC KEO ĐẶC
Tình trạng này thường gặp phải khi ao nuôi vào giai đoạn cuối tháng nuôi thứ 2 trở đi, sự keo đặc của nước (nước kẹo) chủ yếu do cho ăn dư thừa, ô nhiễm hữu cơ cao, khi quạt nước sẽ tạo nhiều bọt, lâu tan.
Khi nước bị keo đặc, oxy sẽ khó khuếch tán vào ao nuôi gây nên tình trạng thiếu oxy làm cho các quá trình phân hủy hữu cơ trong ao nuôi giảm, vi sinh vật hữu ích bị chết, khí độc NH3 và đặc biệt là NO2 sẽ tích tục trong ao nuôi và bệnh sẽ dễ xảy ra với tôm hơn.
Sự keo đặc của nước ao nuôi gây nguy hiểm cho tôm nuôi nhiều hơn là ao bị đục, rất may là tình trạng này không phải quá khó xử lý.
Bài viết được thực hiện bởi: KS NGUYỄN THỊ KIỀU - Công ty VinhthinhBiostadt
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản
Zalo - ĐT: 0912 889 542
-
Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp
Zalo - ĐT: 0915446744
HOTLINE0912.889.542