Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước độ mặn thấp
TÓM TẮT
Nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước có độ mặn thấp ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Tôm thẻ chân trắng là loài được ưa thích để lựa chọn nuôi trong điều kiện có độ mặn thấp chủ yếu là do khả năng tăng trưởng và tỷ lệ sống cao của chúng. Trong thập kỷ qua, kỹ thuật nuôi loài này trong nước có độ mặn thấp đã tiến những bước rất dài và ngày càng hoàn thiện. Hiểu biết chuyên sâu về sinh lý học tôm thẻ chân trắng đã được ứng dụng vào qui trình nuôi và qua đó giúp người nuôi cải thiện năng suất cao hơn và có nhiều lợi nhuận hơn. Tổng thể, có hai cách thức chủ yếu đã được nghiên cứu để cải thiện tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng trong môi trường nuôi có độ mặn thấp là:
- Cải thiện chất lượng nước giúp tôm thích nghi tốt hơn.
- Cải thiện dinh dưỡng tập trung trên việc thay đổi khẩu phần ăn cho tôm bằng các bổ sung dinh dưỡng cần thiết để cải thiện khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu.
Bài viết này được thực hiện dựa trên sự tìm kiếm thông tin, tập hợp chúng lại và cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho người nuôi tôm thẻ chân trắng trong điều kiện môi trường có độ mặn thấp.
ĐIỀU CHỈNH CHẤT LƯỢNG NƯỚC
Nguồn nước có độ mặn thấp được sử dụng cho nuôi tôm thẻ chân trắng khác nhau rất lớn. Chẳng hạn, nước có độ mặn thấp ở Miền Tây Alabama – Hoa Kỳ có nguồn gốc từ nước ngầm và được bơm trực tiếp vào ao nuôi. Ở Thailand, nước biển có độ mặn cao xâm nhập sâu vào nội địa và hòa lẫn với nước ngọt. Ở những khu vực khác trên thế giới, nước được lấy từ vùng cửa sông… Bỏ qua sự khác nhau về nguồn nước, ta sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn về độ mặn và thành phần các chất trong nước có độ mặn thấp đượ sử dụng trong nuôi tôm. Không có nguồn nước độ mặn thấp nào giống nhau, thành phần các chất trong đó rất khác nhau thậm chí trong cùng một trang trại và cùng nguồn nước ngầm.
Nông dân ở Alabama - Hoa Kỳ bắt đầu nuôi tôm trong nước có độ mặn thấp từ những giếng bơm năm 1999, kết quả là tỷ lệ chết rất cao và tốc độ tăng trưởng cực thấp. Các khảo sát sâu sau đó cho thấy nguồn nước này thiếu Kali (K) và Ma giê (Mg). Sự khác nhau về hàm lượng K và Mg ở những ao khác nhau trong cùng trang trại cho thấy tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng rất khác nhau. Sự thiếu hụt K và Mg được bù đắp bằng cách bổ sung Potassium Chloride (chứa 50% K) và sản phẩm K-Mg® (potassium magnesium sulfate, 17.8% K và 10.5% Mg). Hàm lượng các chất này trong một ao biến đổi hàng năm, vì vậy cần phải kiểm tra lại các hàm lượng này mỗi vụ trước khi thả giống. Phần lớn K và Mg bị đất hấp thu, xã nước khi thu hoạch, rò rỉ, thẩm thấu…Vì đất có khả năng hấp thu K và Mg cao cho nên cần phải luôn kiểm tra hàm lượng của chúng ngay trong một vụ nuôi để điều chỉnh sao cho thích hợp và cần thiết cho sự tăng trưởng cũng như tỷ lệ sống của tôm. Sự bổ sung thêm K cũng rất cần thiết và đúng đắn cho các loài thủy sản khác (tôm và cá) được nuôi trong điều kiện môi trường độ mặn thấp.
Một số nghiên cứu khác tập trung vào tầm quan trọng của tỷ lệ Na:K (Natri và Kali) ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng trong điều kiện độ mặn thấp. Tỷ lệ Na:K trong môi trường nước biển là 28:1. Việc bổ sung K vào trong nước có tỷ lệ Na:K thấp đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi. Tỷ lệ Na:K tốt nhất cho tôm phát triển nên gần với tỷ lệ 28:1 và không thấp hơn mức này. Ở Alabama, chúng tôi khuyến cáo người nuôi nên đưa tỷ lệ Na:K về mức thấp nhất là 40:1, nhưng tốt hơn vẫn là tỷ lệ Na:K gần với 28:1.
Thí nghiệm nuôi tôm chân trắng với kích cỡ ban đầu 0,28 gram/con trong nước mặn nhân tạo (4 phần ngàn) với các hàm lượng Na:K khác nhau trong vòng 07 tuần, và lập lại 04 lần. Kết quả như sau:
Thử nghiệm tiến hành trong phòng thí nghiệm với tôm thẻ chân trắng nuôi trong hệ thống tuần hoàn với nước biển nhân tạo có độ mặn thấp ở các nồng độ Mg khác nhau (10, 20, 40, 80 và 160 mg/L) cho thấy tỷ lệ sống ở lô có hàm lượng Mg 10 ppm (mg/L) thấp hơn so với các lô khác một cách có ý nghĩa. Hàm lượng Mg càng tăng thì tỷ lệ sống càng tăng nhưng không khác biệt nhiều.
CẢI THIỆN DINH DƯỠNG
Việc bổ sung dinh dưỡng qua khẩu phần ăn có thể giúp tiết kiệm chi phí thay vì phải bổ sung một lượng lớn vào môi trường nước. Chi phí sẽ tăng cao nếu như ao nuôi lớn và giá cả sản phẩm đắt đỏ.
Bổ sung dinh dưỡng vào khẩu phần ăn nhằm tăng cường cân bằng áp suất thẩm thấu qua đó cải thiện tỷ lệ sống và gia tăng tốc độ tăng trưởng đối với tôm nuôi trong môi trường độ mặn thấp đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành thực nghiệm. Các chất có thể bổ sung bao gồm: K, Mg, Sodium Chloride, Betaine, Agrinine, Threonine, Cholesterol, Lecithin, HUFAs, Carbonhydrates, Astaxanthin và Prebiotics.
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều chưa đưa ra được kết quả rõ ràng về tác động của các chất trên với mục tiêu tăng cường tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và năng suất.
KẾT LUẬN
Kinh nghiệm của chúng tôi có được tại miền tây Alabama là: Phương pháp cải thiện chất lượng nước bằng cách bổ sung khoáng chất – đặc biệt là K và Mg – thì mang lại hiệu quả cao hơn so với cho ăn. Việc bổ sung các thành phần như khoáng chất, amino acid, … vào khẩu phần ăn không đạt được kết quả khả quan nếu như môi trường nước không được cải thiện bằng cách bổ sung K và Mg. Ngoài ra, điều chỉnh tỷ lệ Na:K đến gần tỷ lệ 28:1 sẽ giúp tôm nuôi đạt được tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và năng suất cao nhất cao nhất trong điều kiện độ mặn thấp (khoảng 4 phần ngàn).
Tác giả: Luke A. Roy và D. Allen Davis – Đại học Auburn – Alabama, Hoa Kỳ
Nguồn: http://www.ag.auburn.edu/~davisda/publications/publication_files/ca46_Roy and Davis 2010_SINA Proceedings.pdf
Dịch bởi: KS. ĐINH KIỀU TIÊN – CÔNG TY VINHTHINHBIOSTADT
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản
Zalo - ĐT: 0912 889 542
-
Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp
Zalo - ĐT: 0915446744
HOTLINE0912.889.542