Quản lý thức ăn cải thiện lợi nhuận trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh
Tóm tắt: Nhằm đảm bảo chất lượng nước tối ưu và đáy ao sạch ở các trang trại nuôi tôm thì việc chọn chất lượng thức ăn tốt ổn định và việc theo dõi cẩn thận sàng cho ăn dựa trên bảng hướng dẫn cho ăn đã được chứng minh/thử nghiệm là các bước thực hành khuyến nghị để kiểm soát lượng thức ăn cho vào ao. Sử dụng máy cho tôm ăn tự động và áp dụng công nghệ biofloc, cũng như nắm rõ được khả năng tải của ao có thể giúp người nuôi tôm giảm chi phí thức ăn, bảo toàn vốn và tối đa hóa lợi nhuận.
Khoảng 50% chi phí hoạt động nuôi tôm đến từ lượng thức ăn thủy sản được sử dụng. Quản lý thức ăn phải đối mặt với một số thách thức rất lớn. Thức ăn tôm chìm xuống đáy ao và việc cho ăn đầy đủ không thể theo dõi được bằng trực quan như nuôi cá. Nhu cầu thức ăn thay đổi hàng ngày vì điều kiện thời tiết và biến động chất lượng nước.
Do mật độ thả cao trong một thể tích nước ít, việc cho ăn quá mức có thể nhanh chóng gây quá tải hệ sinh thái ao, dẫn đến những thay đổi về chất lượng nước và hệ vi sinh vật cơ hội nở rộ – một số trong hệ vi sinh vật đó có thể gây bệnh. Sự hiểu biết tốt hơn trong quản lý cho tôm ăn có thể tránh được những vấn đề này và cải thiện lợi nhuận rất nhiều.
Chất lượng thức ăn
Không phải tất cả thức ăn được tạo ra như nhau. Một số thức ăn có khả năng tiêu hóa, hàm lượng axít amin, hàm lượng axít béo tốt hơn và có đầy đủ các chất kích thích miễn dịch. Lựa chọn một loại thức ăn chất lượng tốt ổn định sẽ dẫn đến sức tăng trưởng trung bình hàng ngày, tỉ lệ sống và hệ số chuyển hoá thức ăn tốt hơn, nhờ đó cải thiện lợi nhuận tốt hơn.
Lên kế hoạch cho ăn căn cứ theo sàng ăn
Các bảng hướng dẫn cho ăn do một nhà máy sản xuất thức ăn hoặc cá nhân người nuôi phát triển đều được dựa trên nhiều thử nghiệm và sai số. Chương trình cho ăn trong 25 – 30 ngày nuôi đầu tiên sau khi thả hậu ấu trùng (postlarvae) được gọi là cho ăn mù. Lượng thức ăn hàng ngày cho tôm giống postlarvae được cố ý cho ăn quá mức. Phần lớn thức ăn thực sự là để tạo dinh dưỡng (gây màu) cho nước ao và đi vào chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái ao rồi chủ yếu cuối cùng vào trong tôm.
Trong giai đoạn đầu này, hậu ấu trùng thích ăn thức ăn tự nhiên hơn. Phải đến 22-25 ngày sau khi thả giống thì tôm ấu niên bắt đầu ăn thức ăn công nghiệp. Chất lượng tôm giống postlarvae tốt hơn phát triển nhanh hơn và bắt đầu tiêu thụ thức ăn sớm hơn.
Theo dõi lượng thức ăn tiêu thụ qua sàng cho ăn có thể cho biết cách điều chỉnh cho ăn để duy trì chất lượng nước và tăng cường sức khỏe tôm.
Vài tuần sau khi thả giống, nên sử dụng sàng ăn để theo dõi xem lượng thức ăn chính xác hay chưa. Biện pháp này rất quan trọng trong nuôi tôm thâm canh / công nghiệp, bởi vì chất lượng nước có thể thay đổi đột ngột, bị tác động bởi các điều kiện thời tiết và thức ăn đầu vào. Thông qua việc tỉ mỉ theo dõi sàng ăn, người nuôi có thể phát hiện ra tốc độ ăn chậm lại và điều chỉnh lượng thức ăn, nhờ đó nâng cao sức khỏe tôm.
Một rào cản nước kích thước 90cm x 120 cm ở vị trí ngược dòng cách sàng ăn 15 đến 30 cm có thể đảm bảo thức ăn không bị cuốn trôi bởi dòng chảy mạnh từ thiết bị sục khí.
Chất lượng nước
“Để nuôi tôm, đầu tiên phải gây màu nước” là câu châm ngôn của nhiều người nuôi tôm ở châu Á. Do tôm được nuôi trong một không gian nhỏ với một lượng nước ít để tối đa hóa lợi nhuận, các chất bài tiết từ tôm, thức ăn thừa và vô số vi sinh vật cơ hội sinh trưởng trong đó tạo căng thẳng rất lớn đến hệ sinh thái ao.
Bất kỳ những gì đưa vào trong ao có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước trong một thể tích nước ít, nên ao vừa là “nhà bếp” cũng vừa là “nhà vệ sinh” của tôm. Người nuôi tôm luôn luôn phải có một phương pháp tiếp cận toàn diện trong việc quản lý ao, đặc biệt theo dõi kỹ chất lượng nước và vệ sinh đáy ao.
Hai thông số chính ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tôm là các mức amoniac (NH3) và hydrogen sulfide (H2S). Sự hiện diện của ammonia và hydrogen sulfide nhanh chóng tăng lên nếu cho ăn quá mức.
Amoniac – sản phẩm phụ của sự phân hủy chất đạm (protein), trở nên độc ở pH cao hơn 8.5. Thức ăn thừa, phân tôm và vi sinh vật đã chết biến thành hydrogen sulfide ở khu vực kỵ khí của đáy ao. Hydrogen sulfide trở nên độc ở pH 6,5 và nhiệt độ cao.
Trong các ao nuôi tôm thâm canh ít thay nước hoặc có độ mặn thấp có thể thiếu các khoáng chất như magiê, kali và canxi do tôm hấp thu trực tiếp từ nước, do đó phải định kỳ theo dõi để đảm bảo lượng mức tối ưu.
Chất lượng đáy ao, loại bỏ bùn
Nếu không quản lý việc cho ăn và chất lượng nước tốt thì phân tôm, thức ăn thừa và vi sinh vật chết đều chìm ở đáy ao sẽ tích lũy ở các vùng nước tù và biến thành bùn. Vi khuẩn gây bệnh phát triển vô khối trên bùn giàu dinh dưỡng. Khi thức ăn cho thêm vào ao chìm ở những chỗ này sẽ bị nhiễm các loài vi khuẩn gây bệnh, nếu tôm ăn vào có thể bị bệnh.
Người nuôi nên theo dõi định kỳ đáy ao, đặc biệt trong các hệ thống nuôi bán thâm canh có ít thiết bị sục khí. Các khu vực bùn có thể được đánh dấu bằng sào để không cho thức ăn vào chỗ đó. Trong các hệ thống thâm canh, các thiết bị sục khí thường quét bùn vào khu vực nước tù mà bùn ở đó có thể định kỳ tháo ra. Một số người nuôi thậm chí hút bùn/siphon định kỳ.
Máy cho tôm ăn
Việc sử dụng máy cho ăn tự động đầu tiên trong nuôi tôm là một cuộc cách mạng. Trong quá khứ, người ta nghĩ thức ăn phải được rải đều khắp ao để tất cả tôm có thể ăn được tối đa. Nhưng với máy tự động cho ăn, tôm tìm đến chỗ đặt máy cho ăn khi bị đói.
Một máy cho tôm ăn tự động phân tán các lượng nhỏ thức ăn ngắt quãng trong vài phút. Phần lớn thức ăn được tôm ăn trước khi nó chìm xuống đáy ao. Thức ăn không có thời gian để mất chất dinh dưỡng hoặc nhiễm vi khuẩn gây bệnh từ đáy ao.
Tác giả đang thử sử dụng máy cho ăn tự động để rải thức ăn trên diện tích chỉ có 300 m2 trong một ao 8.000 m2. Mức tăng trưởng, tỉ lệ sống và chuyển hóa thức ăn đạt được tốt hơn so với cách rải thức ăn đều khắp ao theo tập quán.
Máy cho ăn tự động ngắt quãng phân tán các lượng nhỏ thức ăn để tôm ăn trước khi bị chìm xuống đáy ao và mất chất dinh dưỡng.
Nhịn ăn
Cho nhịn ăn hay ngưng cho ăn là cách thực hành hữu ích không chỉ giúp cho tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, Litopenaeus vannamei bới tìm và ăn sạch các chất hữu cơ còn lại trên đáy ao, mà còn giúp cho hệ vi sinh vật trong ao kịp tiêu thụ các chất dinh dưỡng màu mỡ trong nước. Cả hai hoạt động này đều làm đáy ao sạch và chất lượng nước tốt hơn. Đó là cách thực hành tốt để thỉnh thoảng hàng tuần cho nhịn ăn một nửa ngày đến một ngày khi tôm trên 70 ngày tuổi.
Giảm khẩu phần thức ăn sau khi mặt trời lặn cũng là một cách thực hành tốt, bởi vì hầu hết các ao đều phải chịu đựng hàm lượng hòa tan oxy thấp vì không có quá trình quang hợp.
Tốt nhất là ngưng cho ăn hoàn toàn nửa ngày hoặc hơn nếu nhiệt độ nước dưới 26 °C và thức ăn trong sàng không được ăn hết.
Công nghệ Biofloc
Công nghệ Biofloc đang tiến triển trở nên một khía cạnh ngày càng quan trọng hơn đối với nuôi trồng thủy sản. Trong hệ thống biofloc, sục khí mạnh để giữ chất hữu cơ lơ lửng liên tục. Một lượng đáng kể vi sinh vật “cõng” trên các chất hữu cơ, tái chế các chất dinh dưỡng màu mỡ sẵn có trong nước ao.
Trong các hệ thống nuôi biofloc, sục khí mạnh giữ chất hữu cơ lơ lửng liên tục. Một lượng đáng kể vi sinh vật “cõng” trên các chất hữu cơ, tái chế các chất dinh dưỡng màu mỡ sẵn có trong nước.
Những gì thành chất thải trong nuôi trồng thủy sản theo tập quán thành thức ăn tự nhiên cho các loài thủy sản nuôi, tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn cho người nuôi. Tuy nhiên, chỉ có nhóm thủy sản ăn lọc như L. vannamei và cá rô phi có thể hưởng lợi từ thức ăn tự nhiên trong một hệ thống biofloc.
Khả năng tải
Các ao khác nhau có khả năng tải khác nhau. Ví dụ, ao sạch mới có thể sản xuất 1.000 kg tôm/1 hp. Tuy nhiên, các ao có đáy cũ và dơ có thể chỉ sản xuất 400 kg/1 hp.
Khả năng tải được xác định bởi các yếu tố như mức công nghệ được áp dụng ở trang trại, cách thức xây dựng ao (ví dụ như ao đất, ao lót bạt nhựa hoặc ao bê tông) và số lượng quạt nước/sục khí. Năng suất ao có thể dao động từ 10 – 50 tấn tôm/ha.
Khi đạt tới khả năng có thể tải của ao thì sẽ phát sinh các vấn đề như mức oxy hoà tan thấp, tăng trưởng chậm, dịch bệnh và tỷ lệ chết. Ở những thời điểm này, tốt nhất là thu hoạch một phần hoặc toàn bộ ao để bảo toàn vốn.
Nhiệt độ
Tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương là nhóm thủy sản háu ăn và ăn nhiều hơn ở nhiệt độ cao hơn. Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Chalor Limsuwan của Đại học Kasetsart tại Thái Lan cho thấy, tôm ăn nhiều hơn ở nhiệt độ 32 °C so với ở 30 °C. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của tôm ở cả hai nhiệt độ là như nhau, vì vậy để tiết kiệm thức ăn và tiền, người nuôi không nên cho tôm ăn quá mức ở nhiệt độ trên 30 °C.
Nguồn: http://aquanetviet.org/post/1635978/qu-n-l-th-c-n-c-i-thi-n-l-i-nhu-n-trong-nu-i-t-m-th-ch-n-tr-ng-t
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản
Zalo - ĐT: 0912 889 542
-
Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp
Zalo - ĐT: 0915446744
HOTLINE0912.889.542