Chuối là cây trồng ít kén đất, có thể sống trong điều kiện pH= 4,5 – 8, nhưng thích hợp nhất trong khoảng 6 – 7. Chuối già hiện nay có nhiều loại: già lùn, già hương, già cui, già Nam Mỹ, tiêu hồng, …
I. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
1. Chuẩn bị đất trồng
Tùy theo địa hình cao thấp mà có thể lên liếp hoặc không. Lên liếp vào đầu hay giữa mùa nắng để đất có thời gian khô, khi mưa xuống đất bong ra là bắt đầu trồng cây được. Chuối trồng 2 hàng theo hình nanh sấu có bề ngang mặt liếp khoảng 5m. Nếu trồng 3 hàng xen kẽ thì mặt liếp rộng khoảng 7m.
2. Thời vụ trồng
Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.
3. Chọn cây giống
Sử dụng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng. Ưu điểm của loại cây giống này là đồng đều về kích cỡ, tuổi cây nên rất thuận lợi cho trồng thâm canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác chung cho toàn vườn; thời gian thu hoạch đồng loạt, nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; có hệ thống rễ hoàn chỉnh nên cho tỷ lệ sống cao; hơn nữa đây là nguồn cây giống tương đối sạch bệnh, tương đồng về di truyền và độ thuần giống nên khả năng cho năng suất và chất lượng cao hơn.
4. Khoảng cách và mật độ trồng
Mật độ trồng thay đổi tùy theo khí hậu và đất đai, hoặc tùy theo số lượng con chuối cần chừa lại ở mỗi bụi mà quyết định khoảng cách trồng. Khoảng cách trồng giữa các hàng thường khoảng 2,0 – 2,5m và khoảng cách giữa các cây trung bình khoảng 2m.
5. Phương pháp trồng
Đào hố sâu 50 cm và rộng 40 – 50 cm, bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ + 200gr Wokozim + 100g phân NPK 18-10-10 + TE. Trộn phân với đất cho vào khoảng nửa hố, tháo bỏ bầu nylon, đặt cây chuối giống vào giữa hố trồng sao cho mặt bầu ngang bằng mặt đất, lấp đất vào đầy hố, lấp vừa quá cổ gốc chuối, ém đất chung quanh gốc, tưới đẫm.
6. Bón phân
Phân hữu cơ: gồm phân gia súc, gia cầm, tro, trấu đã hoai mục, bùn sông và bùn ao, chứa chất dinh dưỡng cao. Bón phân hữu cơ tạo môi trường tốt cho vi sinh vật có lợi hoạt động phân hủy vật chất hữu cơ tạo thành chất mùn cung cấp cho cây trồng và cải tạo đất giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không bị cằn cỗi trong quá trình canh tác. Trung bình, một cây chuối cần khoảng 10 – 15 kg phân hữu cơ /năm + 300gr Wokozim, bón vào đầu mùa mưa hàng năm, cuốc xung quanh gốc tạo thành rãnh cách gốc 1,5 – 1,7m, phân được rải đều bên trong rãnh.
Phân vô cơ:
Lượng phân bón cho 1 bụi chuối trong năm đầu mới trồng:
Thời điểm bón (sau khi trồng hoặc giữ lại cây con) |
Lượng phân bón/ bụi (kg) |
Urê |
Lân nung chảy |
Kali clorua |
3 – 3,5 tháng |
0,1 |
0,5 |
0,5 |
7 – 8 tháng |
0,2 |
0,5 |
0,5 |
Cách bón: Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , lần 1 cách gốc 40 – 50cm, lần 2 cách gốc 50 – 70cm, lần 3 cách gốc 1m, lần 4 cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.
Lượng phân bón cho 1 bụi trong các năm tiếp theo:
Lượng phân bón/ bụi/năm (kg) |
Urê |
Lân nung chảy |
Kali clorua |
0,3 |
1 |
1 |
Cách bón: Nếu có điều kiện tưới nước thì chia đều lượng phân trên thành 3 lần bón: lần 1 sau khi thu hoạch, lần 2 sau đó 2 – 3 tháng và lần 3 sau 2 – 3 tháng tiếp theo sao cho bón phân dứt điểm trước khi trổ buồng. Trường hợp không có điều kiện tưới nước, lượng phân được chia đều cho 2 lần bón, vào đầu và cuối mùa mưa.
7. Chăm sóc
Trồng dặm: sau khi trồng khoảng 30 ngày, nếu thấy cây chết hay phát triển kém thì phải trồng dặm bằng những cây giống có chiều cao thân 20 – 30 cm.
Tỉa cây con: khi cây bắt đầu đẻ cây con tiến hành tỉa con (có thể dùng để trồng tiếp hoặc bỏ đi). Mỗi tháng kiểm tra một lần để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh. Tỉa bỏ những cây yếu, cây nằm sát nhau, chừa các cây con gối nhau, mỗi bụi chỉ nên có 3 – 4 cây đang phát triển (1 cây mẹ, 2 – 3 cây con), cụ thể: bẻ bắp chuối: sau khi chuối trổ hàng hoa cuối cùng, để trổ tiếp 2 hàng hoa đực nữa thì cắt bỏ bắp. Cắt xa nải chuối 20 – 30 cm tránh vết cắt có thể bị thối, ảnh hưởng đến nải chuối.
II. Sâu bệnh gây hại
Cây chuối thường bị một số loại sâu ăn lá phá hoại như: bọ nét, châu chấu, nhiều loại bọ cánh cứng gặm vỏ, tuyến trùng phá hoại rễ, một số rệp chính hút nhựa và quả non.
Xử lý đất bằng vôi bột, phun thuốc trừ sâu bệnh hại (Thuốc trừ sâu: Tricel 48EC, Basudin, Thuốc trừ nấm bệnh: Sulfex 80WG, boocdo, Zinep, Aliet,…) sau khi cây trổ buồng xong. Phun phòng trừ sâu bệnh hại quả non, bao bằng nilon trắng để tránh hiện tượng rám quả.
Bài viết được cập nhật bởi: Th.S TRẦN VĂN TUYẾN - Công ty Vinhthinh Biostadt JSC