Xu hướng nuôi ương vèo năm 2020
Người nuôi nhận ra những ưu điểm của hệ thống nuôi có ương vèo 1 hoặc 2 giai đoạn ở Việt Nam và Ấn Độ
TS.Manoi Sharma (Mayank Aquacultuer) thành công với quy trình nuôi có ương vèo 2 giai đoạn, có thể làm 2 vụ/năm
Quy trình nuôi kết hợp ương vèo được thực hiện ở Việt Nam phổ biến hơn so với các nước khác. Giai đoạn ương vèo được tiến hành ngay tại khu vực ao nuôi, trong các ao hoặc bể kích thước nhỏ. TS.Trần Lộc đưa ra một số lý do dẫn đến việc áp dụng phổ biến mô hình này. “Hệ thống nuôi kết hợp ương vèo rút ngắn thời gian một vụ nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và các rủi ro. Giai đoạn ương vèo giúp quản lý ao nuôi và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, bằng cách giảm thiểu các vấn đề liên quan đến vibrio và nitrite, hạn chế tốt đa việc thay nước. Thông thường giai đoạn ương được tiến hành trong 20-30 ngày, tạo ra tôm cỡ 0,5-1,0 g/con, sẵn sàng chuyển sang ao thương phẩm. Các trang trại ở Việt Nam đã phát triển một số quy trình nuôi nhiều giai đoạn trong đó có 1 hoặc 2 giai đoạn ương vèo.”
Một số trang trại lớn ở Ấn Độ cũng đã áp dụng và thành công với mô hình nuôi này. TS.Manoj Sharma gần đây đã hoàn thành vụ nuôi với 2 giai đoạn ương vèo. Giai đoạn 1 được thực hiện cho PL4-15, giai đoạn 2 PL16-35. Tiếp theo là giai đoạn nuôi tôm thịt kéo dài trong khoảng 60-80 ngày.
“Chúng tôi đặt mục tiêu thu hoạch tôm 40 con/kg và đã có một vụ nuôi tuyệt vời: tôm thu hoạch cỡ 40-50 con/kg với tỷ lệ sống 85%. Hệ số chuyển đổi thức ăn giảm còn 1,15. Chúng tôi đã thành công trong việc giảm thời gian nuôi tôm thịt xuống còn 45 ngày, phòng ngừa dịch bệnh tốt và giảm chi phí vận hành (điện, nhân công, thức ăn). Giờ đây tôi có thể làm hai vụ một năm, điều mà trước đây không thể làm được. Quan trọng hơn là trong 45 ngày đầu tiên, việc nuôi tôm trong nhà giúp tôi kiểm soát hoàn toàn các tác nhân gây bệnh; EHP và WSSV bị loại trừ. Ở giai đoạn nuôi tôm thịt, tôi chỉ cần kiểm soát mật độ Vibrio. Chỉ cần làm theo các yêu cầu cơ bản, tôi có thể có một vụ nuôi thành công.”
Các trang trại khác ở Ấn Độ áp dụng hệ thống nuôi có ương vèo đã thành công với mức độ khác nhau. Với nuôi tôm thẻ chân trắng, người ta đang cố gắng nuôi 3-4 vụ/năm. Để khắc phục vấn đề chuyển tôm từ ao ương sang ao nuôi, nên bố trí một ao ương nhỏ ở giữa các ao nuôi, hoặc có thể sử dụng các bể nhỏ có sục khí để chuyển tôm.
Trong một hội thảo trực tuyến do Hiệp hội các chuyên gia nuôi trồng thủy sản (SAP) tổ chức vào ngày 07/01/2021, nông dân đã có dịp chia sẻ những thành công của họ. Hetal Patel (Mindhola Foods), một nông dân thuộc thế hệ thứ 2, đã mô tả hệ thống nuôi với 2 giai đoạn ương vèo trong trang trại ở Gokuldham của mình: giai đoạn đầu tiến hành trong ao lót bạt HDPE với diện tích 900 m2, mật độ thả giống 1.510 con/m2, trọng lượng tăng lên đến 1,35g/con trong 30 ngày; giai đoạn tiếp theo được thực hiện trong ao có diện tích 0,2 ha, với mật độ 515 con/m2 và thời gian 29 ngày, trọng lượng tăng lên đến 9,11 g, tỷ lệ sống 89-91%. Tiếp theo, giai đoạn nuôi tôm thịt được thực hiện trong ao có diện tích 0,2 ha thời gian 51 ngày, trọng lượng lên đến 22,7-31 g/con. Tại trang trại của Ramaraju ở Vongole, Andhra Pradesh, các ao ương đất và lót bạt được sử dụng để thả giống PL10 với mật độ tương ứng 0,5 PL/l và 3-4 PL/l để nuôi tới cỡ 1g/con.
Mật độ thả giống áp dụng tại các trang trại Ấn Độ ở trên thấp hơn nhiều so với mật độ thả thông thường ở Việt Nam: 2.000 - 4.000 con PL12/ m2 cho ao ương giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, người nuôi thường thả PL cỡ 0,5-0,6 g/con, mật độ 350-800 con/m2, ương trong 20-30 ngày để đạt cỡ 1-2 g/con (theo TS.Nguyễn Thị Hạnh Tiên, Contom, Tháng 11/2020).
Nguồn: Nursery culture in 2020, Aqua Culture Asia Pacific, vol 17 number 1, Jan – Feb 2021, p.55.
Lược dịch bởi: Kỹ sư Nguyễn Thị Thúy Anh - Công ty CP CNSH Tiên Phong
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline Vinhthinh Biostadt - Thủy Sản
Zalo - ĐT: 0912 889 542
-
Hotline Vinhthinh Biostadt- Nông Nghiệp
Zalo - ĐT: 0915446744
HOTLINE0912.889.542